Bắc lên ngọn gió mà cân

Bắc lên ngọn gió mà cân

Vốn là một cô giáo dạy văn, Bùi Kim Anh bước vào thi ca bằng những câu thơ mềm mại qua ba tập “Viết cho mình”, “Cỏ dại khờ” và “Lối mưa”.

Bất ngờ gia đình gặp biến cố, chữ nghĩa cồn cào đớn đau trên trang giấy âm thầm số phận người đàn bà cam chịu qua ba tập tiếp theo “Bán không cho gió”, “Lời buồn trên đá” và “Lục bát cuối chiều”. Bây giờ mọi sóng gió tạm lắng dịu, bất hạnh cũng phải cất đi để sống tiếp với cuộc đời bộn bề và mến thương, tâm trạng ấy được thể hiện qua tập “Bắc lên ngọn gió mà cân” của Bùi Kim Anh vừa được NXB Hội Nhà Văn ấn hành.

Thi ca thường mang đến cho người trẻ tuổi bao nỗi đắm say, nhưng lại mang cho người nhiều tuổi bao niềm suy tư. Bùi Kim Anh nghĩ về thơ một cách khắc khoải. Đó là cái nhìn ân cần của một kẻ đồng hành và cũng là cái nhìn nghiêm khắc của một kẻ tri âm, khi muốn “Giải thoát ngắn ngủi” với bản thân:

“Xin đừng trách tôi buông tiếng nặng nề

tôi chẳng làm được gì cho ai và cho tôi được nữa

câu thơ nhẹ nhàng bay về thời thiếu nữ

hạt sương đêm thức nợ nỗi niềm”

và khi muốn “Muộn ngày cho thơ” chia sẻ với xã hội:

“chỉ viết cho mình bao cảnh sắc thờ ơ

khép câu thơ vào khoảng riêng buồn bã

viết ngàn lời cũng là vô nghĩa

bệnh tật và áo cơm lăn lộn ở ngoài kia”.

Dẫu biết “những câu thơ chẳng mang nổi mình qua nhịp cầu khổ đau”, Bùi Kim Anh vẫn nhờ cậy thi ca giúp mình níu giữ “Bóng lưu trữ” trôi từng khoảnh khắc:

“Câu thơ hôm nay cựa quậy nỗi ngày

nháo nhác phố những mặt da che dậy

trong chen chúc thu mình dấu lặng

những động đậy đi qua quen lạ nhạt nhòa”.

Cũng chính vì vậy chị nhận ra cõi nhân gian chìm nổi cần có thái độ tích cực hơn:

“Thật vớ vẩn khi đi tìm định nghĩa/ hạnh phúc nơi này chẳng phải ở nơi kia

cứ tạnh ráo và cứ xa xả/ con người vặt nhau cả lúc nắng mưa”.

Làm người, phút giây ngộ nhận bẽ bàng hay dằn vặt xót xa rồi cũng được khỏa lấp và tha thứ. Tình cờ “Trước cửa đền” bắt gặp ý niệm rối bời:

“Khi đi vào ông Ác bên trái ông Thiện bên phải

khi trở ra phải trái đổi thay hay hai ông đổi chỗ

chắc tại tôi đi đâu cũng thơ thẩn

bạc tóc rồi phải trái đành ngu ngơ”.

Tự trách mình để cảm thông thiên hạ, cảm thông những mảnh đời lầm lũi ly hương liêu xiêu áo cơm:

“Bát cơm chan với quả cà

một gian trọ hẹp ép ba bảy người

bỏ làng lên phố đi thôi

bán mua chi cũng được mươi quan tiền

mưa nhiều thì dạt mái hiên

nắng nhiều thì đội ưu phiền mà đi”.

Với tập “Bắc lên ngọn gió mà cân”, Bùi Kim Anh tấu lên những khúc ru ngậm ngùi và xa vắng, những khúc ru thao thức nguồn cội của một người đàn bà thèm “Giấc ngủ quê” vẫn trằn trọc:

“Những tứ thơ giãy đạp con nước sông quê thèm ầu ơ của ngày xưa xa ngúc ngoắc

ta là khách trọ quê hương trả tiền phòng”.

Khép lại thi phẩm chỉ nhỉnh hơn 60 trang, vẫn nghe vọng lại tiếng thở dài ngậm ngùi:

“đường Hà Nội mới thu sang

níu trời vẫn cơn nắng hạ

mùa đông bây giờ chưa đến

vay đâu ngọn gió se lòng”.

Tuy Hòa

Tin cùng chuyên mục