Bác sĩ tuyến trên hỗ trợ bệnh viện quận huyện - Cần nhưng chưa đủ

Ngày 3-5 vừa qua, Sở Y tế TPHCM ra quân triển khai đưa một loạt bác sĩ của các bệnh viện (BV) tuyến TP về hỗ trợ chuyên môn BV quận huyện. Đây là chủ trương đúng và cần để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho tuyến dưới, giảm tải tuyến trên. Nhưng điều đó là chưa đủ.
Bác sĩ tuyến trên hỗ trợ bệnh viện quận huyện - Cần nhưng chưa đủ

Ngày 3-5 vừa qua, Sở Y tế TPHCM ra quân triển khai đưa một loạt bác sĩ của các bệnh viện (BV) tuyến TP về hỗ trợ chuyên môn BV quận huyện. Đây là chủ trương đúng và cần để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho tuyến dưới, giảm tải tuyến trên. Nhưng điều đó là chưa đủ.

  • Chuyển biến

Trước khi đồng loạt thực hiện đề án đưa bác sĩ BV tuyến TP đi biệt phái 1 năm ở các BV quận, huyện, Sở Y tế TPHCM đã triển khai chương trình tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới. Từ năm 2010, BV huyện Cần Giờ là đơn vị đầu tiên được chọn để hỗ trợ. Theo đó, BV Nguyễn Tri Phương đã giúp cho BV ngoại thành Cần Giờ các chuyên môn về xử trí cấp cứu bệnh nhân hôn mê, chẩn đoán và điều trị đợt cấp, hướng dẫn xử trí cấp cứu mạch máu não, tham gia hội chẩn, hướng dẫn quy trình phòng mổ, đề xuất sử dụng trang thiết bị… BV Phụ sản Hùng Vương hỗ trợ BV Cần Giờ các chuyên môn về sản phụ khoa…

Với vai trò bác sĩ điều trị qua một năm “cắm huyện”, bác sĩ Lê Kim Bá Liêm cho rằng BV huyện đã có sự tiến bộ tích cực nhờ được hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật và… cầm tay chỉ việc như đã mổ bắt con được 10 trường hợp, mổ thai ngoài tử cung 2 trường hợp… Trong khi đó, BV huyện Nhà Bè, một BV hạng 3, cũng được nhận hỗ trợ từ năm 2011 bởi các BV tuyến trên như BV Nhi đồng 2, BV Phụ sản Từ Dũ, BV Nguyễn Tri Phương, Viện Tim.

Một bác sĩ BV huyện Nhà Bè, cho biết trước đây chuyên môn của BV rất hạn chế, ngay cả khoa ngoại cũng không triển khai được vì thiếu nhân lực, cắt amidan cũng không xong. Tuy nhiên, sau khi được hỗ trợ một số kỹ thuật thì nay đã can thiệp phẫu thuật được tai - mũi - họng, mổ bắt con… Qua 1 năm được hỗ trợ, đã có 5.845 lượt bệnh nhân được khám và điều trị trực tiếp, trong đó hơn 100 bệnh nhân được can thiệp ngoại khoa, giảm tỷ lệ chuyển viện so với trước đây.

Cảnh đìu hiu ở Khoa Nhi, Bệnh viện quận 2.

Cảnh đìu hiu ở Khoa Nhi, Bệnh viện quận 2.

BS Nguyễn Trí Dũng, Phó phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế TPHCM cho biết ngoài BV huyện Cần Giờ, Nhà Bè, các BV quận Bình Tân, huyện Bình Chánh cũng đã được hỗ trợ chuyên môn từ các BV tuyến TP từ năm 2011. “Một số kỹ thuật đã được chuyển giao như sản phụ khoa, cấp cứu, ngoại khoa, tai - mũi - họng đã giúp các BV quận, huyện tự tin trong khám và điều trị cho người dân địa phương. Điều này cho thấy sự chuyển biến chất lượng khá tốt”, BS Dũng nói. Cũng theo BS Dũng, qua đánh giá của các BV quận, huyện được nhận hỗ trợ, tỷ lệ bệnh nhân chuyển viện lên tuyến trên đã giảm tới 40%.

  • Những khó khăn

Với 59 bác sĩ của 17 BV tuyến TP ra quân về “cắm” tại các BV quận, huyện trong vòng 1 năm, BS Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho rằng sẽ phần nào giải quyết tình trạng quá tải, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho tuyến dưới. Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhiều BV quận, huyện cũng chỉ như muối bỏ bể so với nhu cầu. Như BV quận 2 muốn xây dựng một khoa hồi sức tích cực nhưng vì không có đủ bác sĩ nên đành bó tay.

Hay như các BV huyện Bình Chánh, quận 9, Nhà Bè cũng cần 5-7 bác sĩ trở lên nhưng chương trình hỗ trợ chỉ được 2-3 người. Sau một năm, lực lượng bác sĩ đước rút về nên đâu lại vào đấy. Về vấn đề này, BS Phạm Việt Thanh cho biết đã có kế hoạch điều động bác sĩ mới ra trường về nhận nhiệm vụ ở các BV quận, huyện và trong năm 2012 sẽ có khoảng 63 bác sĩ tốt nghiệp được điều động theo chủ trương của UBND TPHCM.

Về lâu dài, BS Phạm Việt Thanh nói sẽ đào tạo, đào tạo lại để bổ sung nguồn nhân lực cho tuyến quận, huyện… Bên cạnh đó, trang thiết bị cũng là vấn đề bức xúc của các BV quận, huyện hiện nay. “Biệt phái bác sĩ xuống nhưng trang thiết bị không có thì cũng không làm được gì, lãnh đạo một BV quận băn khoăn. Sự thực, hầu hết các BV quận, huyện có trang thiết bị khá lạc hậu. Mới đây, khi khảo sát tại BV quận 2 để mở khoa nhi tại đây, BS Hà Mạnh Tuấn, Giám đốc BV Nhi đồng 2, ngậm ngùi nhìn chiếc lồng ấp của BV quận có “thâm niên” từ thời Liên Xô cũ đã hoen gỉ.

Thậm chí, khi dò xét lại những thiết bị cần cho bệnh nhi, BV quận 2 báo cáo là gần như thiếu mọi thứ, kể cả những dụng cụ khám thông thường cho đến máy giúp thở Monitor. Tương tự, lãnh đạo nhiều BV cho biết việc điều động bác sĩ xuống hỗ trợ là tốt nhưng chưa chắc đã giúp được gì vì không có trang thiết bị để chuyển giao kỹ thuật. “Muốn phẫu thuật ngoại khoa phải có phòng mổ, có đèn mổ, máy thở oxy… nhưng đâu phải BV quận, huyện nào cũng đủ”, một bác sĩ được cử đi hỗ trợ tuyến dưới cho biết.

Để phần nào khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng cho tuyến dưới, BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết phấn đấu đến 2015, 100% BV tuyến TP phải xuống hỗ trợ cho BV quận, huyện. Trong đó sẽ cho thành lập hẳn phòng khám, chuyên khoa tại các BV quận, huyện. Chẳng hạn tới đây, BV Nhi đồng 2 lập Khoa Nhi ở BV quận 2 quy mô 50 giường; BV Nhi đồng 1 lập chuyên khoa ở BV quận Bình Tân quy mô 100 giường; BV Ung bướu thành lập khoa ung bướu tại BV quận 2 quy mô 100 giường…

Theo Sở Y tế THCM, một trong những nguyên nhân chính yếu kém của BV quận, huyện là thiếu nguồn nhân lực, cơ sở vật chất trang thiết bị lạc hậu. Trung bình hàng năm, nhu cầu đầu tư của BV quận, huyện khoảng 100 tỷ đồng nhưng nguồn ngân sách đầu tư của chính quyền quận, huyện chỉ đáp ứng khoảng 50%. “Từ đó dẫn đến lòng tin của người bệnh đối với các cơ sở khám chữa bệnh tuyến quận huyện bị giảm sút”, BS Phạm Việt Thanh nêu rõ trong kế hoạch nâng cao năng lực khám, chữa bệnh cho các BV quận, huyện.

Y, bác sĩ tuyến quận, huyện thường nhũng nhiễu
 

Đó là một phần của kết quả nghiên cứu thăm dò “Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI)” năm 2011 vừa được công bố. Cơ quan nghiên cứu đã thăm dò 13.640 người về chủ đề quản trị và hành chính công.

Theo đó, 31% người tham gia khảo sát cho biết đưa hối lộ là cần thiết khi đi khám chữa bệnh, xin việc trong khu vực nhà nước. Mức chi cho bác sĩ thấp nhất là 5 triệu đồng, cao nhất 30 triệu đồng một năm. Hành vi nhũng nhiễu của y, bác sĩ thường xuyên xuất hiện ở BV tuyến quận, huyện. Tại Quảng Ngãi, 100% số người được hỏi trả lời phải đưa thêm tiền ngoài cho y, bác sĩ. Tỷ lệ thấp nhất là tại Đắc Nông với 19,83%... Chỉ số PAPI do Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng, Tạp chí Mặt trận (UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) và Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam phối hợp thực hiện.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục