Bác sĩ và… quà tết

Chuyện biếu xén quà tết không còn xa lạ gì đối với hầu hết người dân Việt. Nhiều nhà sử học cũng khẳng định rằng “cái lệ” ấy có từ xưa rồi, và người ta còn ví von rằng điều đó đã trở thành... văn hóa. Thời còn khó khăn, quà có khi đôi gà, hộp bánh, nhưng nay có thể là chai rượu, là những “hiện kim” rất đỗi gọn gàng và nhẹ nhàng.

Chuyện biếu xén quà tết không còn xa lạ gì đối với hầu hết người dân Việt. Nhiều nhà sử học cũng khẳng định rằng “cái lệ” ấy có từ xưa rồi, và người ta còn ví von rằng điều đó đã trở thành... văn hóa. Thời còn khó khăn, quà có khi đôi gà, hộp bánh, nhưng nay có thể là chai rượu, là những “hiện kim” rất đỗi gọn gàng và nhẹ nhàng.

Tuy nhiên, ở đây chúng tôi muốn đề cập đến một đối tượng cụ thể hơn, đó là bác sĩ. Những người thầy thuốc được ví như từ mẫu luôn được bệnh nhân mang ơn cứu mạng. Và dịp tết là cơ hội để họ thể hiện đền đáp cái ơn ấy. Song thực ra, sự biết ơn của người bệnh xuất phát từ tấm lòng là chính, “hiện vật, hiện kim” chỉ chiếu lệ. Còn với bác sĩ, sự biết ơn - hay nói đúng hơn là sự... biết điều của các hãng dược phẩm mới đáng quy đổi thành “hiện kim, hiện vật”.

Trong mấy ngày qua, hầu như phòng các bác sĩ giám đốc, trưởng, phó khoa của các bệnh viện không ngớt tiếp trình dược viên đến... thăm. “Cảm ơn bác sĩ năm qua đã “đi” thuốc của hãng em. Mong bác sĩ năm tới ủng hộ tụi em nhiều nhiều”; “Cảm ơn bác sĩ đã giúp đỡ mà doanh số mặt hàng “A, B, C” bên em tăng lên khá. Nay có món quà dịp cuối năm... Mong bác sĩ tiếp tục hợp tác”...

Đại loại những câu “thật tình” ấy luôn là cửa miệng của các trình dược viên khi đến “thăm” bác sĩ dịp năm hết, xuân về. Đó là những trường hợp được xem là “tiền tươi, thóc thật”, còn không thì “...cuối năm hãng dược em có tổ chức hội nghị khách hàng ở châu Âu, Mỹ... Mời bác sĩ tham dự, chi phí đi lại bên em lo...”. Và đó là sự thật mà những người trong ngành y hoặc những người có theo dõi lĩnh vực này... ít nhiều mục sở thị.

Thế nhưng, đáng nói hơn là chính những bác sĩ cấp dưới lấy tiền công quỹ để biếu xén cho bác sĩ lãnh đạo cấp trên. Cụ thể như bệnh viện trích tiền công quỹ ra để làm quà cho lãnh đạo sở mình.

Nói đến vấn đề này, tuy chuyện đã cũ nhưng cũng xin dẫn chứng là Tết Dương lịch năm 2008, BV Đa khoa khu vực Thủ Đức (TPHCM) trích tiền công quỹ tới 63 triệu đồng để mua quà biếu một danh sách dài ngoằng nhiều lãnh đạo Sở Y tế, kể cả giám đốc sở. Những vị có trong danh sách được biếu ấy có nhận hay không thì chưa rõ, nhưng việc một bệnh viện lấy tiền công quỹ để biếu xén dịp tết là sự thật.

Và thử hỏi, liệu ngoài Tết Dương lịch, rồi đến Tết Âm lịch, họ có còn lấy tiền công để biếu xén như vậy. Và năm trước đã có “tiền lệ” thì năm sau có theo “lệ” cũ. Hơn nữa, đó mới chỉ là một trường hợp bệnh viện cụ thể, còn như cả TPHCM với hàng chục bệnh viện, có bao nhiêu bệnh viện cũng “o bế” lãnh đạo tương tự! “Của biếu là của lo...”, đó là châm ngôn cha ông đã đúc kết bao đời nay. Liệu những lãnh đạo, những cấp trên đã “lỡ” nhận quà biếu có xuê xoa, nâng đỡ cấp dưới, có bịt tai che mắt cho những sai phạm mà cấp dưới mắc phải...

Từ năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị về việc nghiêm cấm dùng công quỹ làm quà biếu và chiêu đãi khách sai quy định. Chắc rằng, những vị lãnh đạo, thủ trưởng các đơn vị không thể không biết quy định này.

Và tuân thủ điều đó, đồng nghĩa thúc đẩy thêm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo nội dung cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” mà Đảng và Nhà nước phát động. Việc những tổ chức, cá nhân, lợi dụng dịp tết để đi ngược lại định hướng tốt đẹp trên, gây bất bình, bức xúc trong đơn vị, xã hội cần chấm dứt

QUỲNH CHI

Tin cùng chuyên mục