Bài 1: Biến rừng thành rẫy

Hàng ngàn hécta đất rừng được các công ty lâm nghiệp Tây Nguyên giao khoán cho người dân, liên kết trồng rừng với doanh nghiệp đang biến thành đất rẫy trồng hồ tiêu, cà phê, khoai lang, cao su… Việc giao khoán và liên kết trồng rừng một cách ồ ạt, tràn lan của các công ty lâm nghiệp đã biến đất rừng thành đất rẫy. Thậm chí có nhiều cán bộ huyện, tỉnh không thuộc diện được giao đất cũng nhận đất trồng rừng để làm rẫy.
Bài 1: Biến rừng thành rẫy

Nhận trồng rừng để… phá rừng!

Trong những năm qua, các tỉnh Tây Nguyên thực hiện rất nhiều chương trình trồng rừng để tăng độ che phủ, nhưng nhiều dự án đã không đem lại hiệu quả như mong muốn. Chẳng những vậy, nhiều cá nhân, doanh nghiệp còn lợi dụng các chính sách này để phá rừng, lấy đất trồng các loại cây công nghiệp và hoa màu khác.

Hàng ngàn hécta đất rừng được các công ty lâm nghiệp Tây Nguyên giao khoán cho người dân, liên kết trồng rừng với doanh nghiệp đang biến thành đất rẫy trồng hồ tiêu, cà phê, khoai lang, cao su… Việc giao khoán và liên kết trồng rừng một cách ồ ạt, tràn lan của các công ty lâm nghiệp đã biến đất rừng thành đất rẫy. Thậm chí có nhiều cán bộ huyện, tỉnh không thuộc diện được giao đất cũng nhận đất trồng rừng để làm rẫy.

Nhiều diện tích rừng bị chặt phá để lấy đất trồng khoai, trồng tiêu… tại lâm phần của Xí nghiệp Lâm nghiệp Nghĩa Tín. Ảnh: CÔNG HOAN

Trồng đủ loại cây trên đất rừng

Vào sáng 11-8 vừa qua, chúng tôi theo chân ông Trương Thanh Tùng (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông) cùng tổ công tác kiểm tra việc phát triển, bảo vệ rừng tại lâm phần Xí nghiệp Lâm nghiệp Nghĩa Tín (trực thuộc Công ty TNHH Gia Nghĩa) ở xã Quảng Thành, thị xã Gia Nghĩa. Trên đoạn đường rừng khoảng 9km từ trạm bảo vệ rừng đầu tiên của Xí nghiệp Lâm nghiệp Nghĩa Tín đi sâu vào rừng, chúng tôi bắt gặp nhiều cây gỗ mới bị cưa xẻ ngổn ngang hai bên đường tại tiểu khu 1691. Có nhiều cây gỗ lớn nằm cách đường khoảng 5m ở tiểu khu này cũng mới vừa bị cưa xẻ. Còn tại tiểu khu 1684, nhiều diện tích rừng đã bị người dân chặt phá để trồng bơ, tiêu, cà phê… Theo sự dẫn đường của cán bộ Công ty Gia Nghĩa và Hạt Kiểm lâm thị xã Gia Nghĩa, đoàn chúng tôi được đưa đến mấy vạt rừng keo mà công ty này vừa triển khai trồng tại tiểu khu 1691. Nhưng bên cạnh những cây keo lưa thưa và xơ xác, nhiều cây bơ cũng vừa được ai đó trồng xen vào. Khi ông Tùng hỏi cán bộ công ty và kiểm lâm ai trồng bơ ở đây thì ai cũng lắc đầu không biết. Tiếp tục đi đến mấy điểm trồng keo khác của xí nghiệp này, chúng tôi cũng bắt gặp cảnh tương tự.

Đi sâu vào lâm phần quản lý của Xí nghiệp Lâm nghiệp Nghĩa Tín, chúng tôi bắt gặp rất nhiều hộ dân trồng đủ loại cây trồng trên đất nhận khoán trồng rừng theo Nghị định 135 của Chính phủ. Chị Phạm Thị Hường (ở huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) đến lập nghiệp tại xã Quảng Thành vào năm 2015. Dù không có hộ khẩu tại đây, nhưng gia đình chị Hường vẫn được xí nghiệp này cấp cho hơn 1ha đất rừng với giá nhận khoán 2 triệu đồng để trồng rừng theo Chương trình 135 và chị cho biết đã mua hơn 400 cây muồng về trồng trên diện tích nhận khoán này. Nhưng khi chúng tôi cùng ông Trương Thanh Tùng ra kiểm tra rẫy nhà chị Hường, trên đó không chỉ có cây muồng mà còn có cây tiêu, cà phê… Một số vạt rừng cạnh rẫy nhà chị Hường cũng vừa mới được gia chủ chặt phá để trồng thêm nhiều loại cây khác. “Công ty vừa được lợi rất nhiều đường khi được tỉnh trả tiền phí trồng rừng, phí dịch vụ môi trường rừng, lại vừa được dân trả tiền nhận đất. Trong khi đó, rừng không trồng được bao nhiêu cả. Cứ làm theo kiểu này thì rừng phòng hộ Gia Nghĩa chẳng mấy chốc mất hết”, ông Tùng chua chát trước thực tế rừng tại đây.

Gỗ rừng mới bị cưa để hai bên đường chuẩn bị vận chuyển đi tại lâm phần của Xí nghiệp Lâm nghiệp Nghĩa Tín

Giao khoán đất rừng tràn lan

Theo Thanh tra tỉnh Đắk Nông, việc giao khoán trồng rừng theo Nghị định 135/2005/NĐ-CP ngày 8-1-2005 của Chính phủ ở Công ty TNHH Gia Nghĩa chưa đúng đối tượng theo quy định, chưa ưu tiên giải quyết đất cho các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Trong 147 hộ được giao khoán đất rừng, chỉ có 2 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và có 27 hộ được giao đất không cư trú hợp pháp trên địa bàn xã, huyện nơi có đất của bên giao khoán. Còn đơn nhận giao khoán phần lớn không có xác nhận của chính quyền địa phương, không có cơ sở để xác định đối tượng giao khoán nhưng vẫn được nhận đất giao khoán. Qua xác minh 90 hộ nhận khoán, Thanh tra tỉnh Đắk Nông phát hiện có 21 hộ không có hộ khẩu thường trú như đã khai trong hồ sơ nhận khoán, nhưng vẫn được giao khoán hơn 83ha đất rừng. Không những thế, công ty này đã giao khoán hơn 204ha đất rừng cho 67 hộ có nguồn gốc từ phá rừng trái phép chưa xử lý, chưa có dự án đầu tư hoặc phương án sản xuất, kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Theo giải trình của Công ty Gia Nghĩa, do áp lực phải trồng lại rừng ngay trên diện tích rừng bị phá theo chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Nông, nên đơn vị này đã bỏ qua thủ tục lập dự án khi thực hiện việc giao khoán (?).

Không riêng gì Công ty Gia Nghĩa, nhiều công ty lâm nghiệp khác trên địa bàn, như: Thuận Tân, Đức Hòa, Quảng Tín, Trường Xuân… cũng giao đất trồng rừng theo Nghị định 135 một cách tràn lan. Vào năm 2007, Công ty Lâm nghiệp Đắk Song (nay đổi tên là Công ty TNHH MTV Thuận Tân - PV) ký hai hợp đồng kinh tế trái quy định giao 16,7ha đất rừng tại xã Thuận Hà (huyện Đắk Song) cho ông Trần Văn Dương (cán bộ Công an huyện Đắk Song) trồng rừng, chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng. Sau khi bàn giao đất, Công ty Lâm nghiệp Đắk Song còn ưu ái cung cấp toàn bộ giống, cây trồng, như: xoan, keo, muồng… để ông Dương trồng trên đất rừng. Ngoài ra, ông Dương còn đi lấn chiếm sang vị trí khác được giao khoán để trồng cây công nghiệp. Từ đó xảy ra tranh chấp đất đai, thậm chí xô xát gây thương tích giữa ông Dương, người làm cho ông Dương với các hộ dân khác và làm mất an ninh trật tự địa phương. Đến cuối năm 2011, UBND huyện Đắk Song thu hồi 6ha đất của ông Dương để thực hiện dự án ổn định dân di cư tự do và cũng ưu ái bồi thường cho ông Dương trái quy định số tiền 740 triệu đồng.

Nhiều cây gỗ lớn bị chặt phá

“Cạo trọc” rừng giao khoán

Thực hiện Quyết định 178/2001/QĐ-TTg và Quyết định 304/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 1999 - 2010, tỉnh Đắk Lắk đã giao khoán 27.000ha rừng và hơn 8.000ha đất rừng cho người dân trồng, chăm sóc. Nhưng đến nay, diện tích rừng bị phá, lấn chiếm, xâm canh trái phép lên đến 10.000ha. Hầu hết các địa phương sau khi triển khai giao đất, giao rừng cho cộng đồng các thôn, buôn, nhóm hộ, hộ gia đình quản lý, bảo vệ đều để xảy ra mất rừng. Năm 2006, huyện Buôn Đôn giao 1.000ha rừng thuộc các tiểu khu 478, 480 và 481 cho 50 hộ gia đình của 2 xã Ea Huar và Krông Na quản lý, bảo vệ. Đến nay, rừng hầu như đã bị thay thế bởi các loại cây trồng sắn, đậu, bắp. Rừng giao khoán chỉ còn lại diện tích nhỏ và phân bố thưa thớt, thậm chí “rỗng ruột”.

Vào năm 2007, UBND huyện Ea Súp cũng giao khoán hơn 4.000ha rừng cho các nhóm hộ của 4 xã Cư M’lan, Ea Bung, Ea Lê và Ia T’mốt. Trong đó, nhóm hộ ở xã Ea Lê sau một thời gian nhận thấy việc nhận khoán bảo vệ rừng không hiệu quả đã làm đơn trả lại hơn 300ha rừng cho huyện. Với những diện tích rừng giao khoán còn lại, sau thời gian được các hộ chăm sóc đã có hơn 2.000ha rừng bị phá trắng. Riêng xã Ea Bung có 13 nhóm hộ được giao khoán rừng, với tổng diện tích 1.735ha, nay đã bị mất khoảng 1.264ha rừng. Với những khu đất này, dân đã cày xới canh tác hoa màu từ lâu. Lý giải về việc rừng giao khoán bị phá trắng, ông Bùi Đức Hạnh, Chủ tịch UBND xã Ea Bung (huyện Ea Súp), cho biết, do số lượng dân nhiều nơi đổ về xã để khai thác lâm sản, xâm chiếm đất rừng làm rẫy nhiều nên áp lực giữ rừng của các hộ gia đình rất lớn. Đặc biệt, nhiều nhóm đối tượng rất hung hãn, manh động trong khi người dân không có bất kỳ công cụ hỗ trợ nào.

CÔNG HOAN

Tin cùng chuyên mục