Chiếc ghế Tổng thống thứ 45 của Mỹ sẽ được quyết định sau cuộc bầu cử tháng 11 tới. Tổng thống B.Obama đang trong chặng nước rút, dồn sức đưa ra những chính sách hợp lòng dân để có được nhiệm kỳ thứ hai trong bối cảnh đảng Dân chủ đang chịu quá nhiều sức ép từ phía cử tri và sự chỉ trích gay gắt từ phe đối lập liên quan đến những chính sách đối ngoại.
Từ kinh tế đến “mục tiêu mềm”
Trong bài phân tích về những thay đổi trong chính sách xã hội mà chính quyền Tổng thống Obama đưa ra, AP cho rằng, ở thời điểm chỉ còn 5 tháng nữa đến bầu cử tổng thống, ông Obama rất khó có thể làm gì nhiều để tạo nên cú hích mạnh đối với nền kinh tế Mỹ. Nếu chỉ trông vào mũi nhọn kinh tế có thể đảng Dân chủ sẽ phải trả giá rất đắt. Do vậy, hướng đến các vấn đề an sinh-xã hội được cho là hợp lý. Đó là lý do vì sao ông Obama đã dũng cảm tuyên bố trái với quan điểm của mình trước đó về hàng loạt vấn đề. Gần nhất ngày 15-6, Tổng thống Obama tuyên bố ngưng trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp trẻ tuổi, đồng thời cho phép họ có cơ hội xin giấy phép lao động tại Mỹ. Tháng 5 vừa qua, trả lời trên Kênh truyền hình ABC News, ông Obama đã không ngần ngại nói: “Điều quan trọng phải dám tiến lên và xác nhận quan điểm cá nhân ủng hộ những người đồng tính có thể kết hôn”. Trước đó, chính quyền Tổng thống Obama đã đưa ra nhiều cải cách về bảo hiểm bệnh tật, trong đó có kế hoạch trợ giá đối với thuốc ngừa thai.
Canh bạc rủi ro
3 đối tượng cử tri trong chiến lược mới được đảng Dân chủ nhắm tới: người lao động trẻ, phụ nữ và cộng đồng người Hispanic (dân nhập cư nói tiếng Tây Ban Nha). Tuy nhiên, liệu những đối tượng này có tin tưởng vào những tuyên bố của ông Obama một cách vô điều kiện?
Năm 2008, trước khi bước vào Nhà Trắng, ông Obama từng hứa chỉ trong vòng một năm sau khi đắc cử, nước Mỹ sẽ có một đạo luật di trú mới nhưng đến thời điểm này, điều đó vẫn chưa thực hiện được. Tuyên bố mới nhất về việc cải cách di trú được ví như “cơn mưa rào” cuối mùa. Theo đó, những người được phép tiếp tục ở lại lãnh thổ Mỹ phải đáp ứng các điều kiện như tới Mỹ trước 16 tuổi và cư trú tại nước này tối thiểu 5 năm, đã đi học hoặc tốt nghiệp trung học hoặc cựu binh Mỹ giải ngũ chưa quá 30 tuổi và đặc biệt không bị kết án trọng tội hoặc chỉ vi phạm ở mức độ nhẹ. Người đủ tiêu chuẩn có thể nộp đơn để được cấp giấy phép lao động trong thời hạn hai năm và được gia hạn không tính số lần. Hiện có khoảng 12 triệu người nhập cư bất hợp pháp sinh sống tại Mỹ.
Ngoài ra, dự luật Dream Act cũng liên quan đến người nhập cư. Dự luật này cho phép người nhập cư được nhận học bổng tư để theo học tại các đại học của tiểu bang với mục tiêu giúp đỡ người di dân bất hợp pháp có thể được cấp bằng sau khi đã theo học ít nhất 3 năm tại một trường trung học tiểu bang. Dự luật Dream Act đã cho phép hơn 2 triệu thanh thiếu niên nhập cư bất hợp pháp, trong số này phần lớn là người Hispanic, có quyền yêu cầu được nhập quốc tịch Mỹ nếu họ đã hoàn thành ít nhất 2 năm đại học với kết quả tốt hoặc đã tham gia phục vụ trong quân đội. Tuy nhiên, để dự luật này được ban hành thành luật sẽ cần nhiều điều kiện khác, không chỉ xuất phát từ ý chí cá nhân của Tổng thống Obama.
Hiện cộng đồng người Hispanic chiếm 8,7% tổng số cử tri trong nước. Còn nhớ trong cuộc tranh cử năm 2008, chiến thắng của ông Obama có phần ủng hộ không nhỏ của 2/3 số người Hispanic khi ấy. Nhưng cộng đồng nhập cư này đang bị lấn át bởi cộng đồng nhập cư mới từ châu Á. Tờ New York Times dẫn kết quả thống kê mới nhất của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy, hiện số người nhập cư châu Á ở Mỹ đã lên đến 430.000 người, chiếm 36% số lượng người nhập cư mới đến Mỹ từ năm 2010. Còn người Hispanic là 370.000 người, chiếm 31%.
Trái với tuyên bố ngừng trục xuất những người nhập cư trái phép trẻ tuổi vì 2-3 triệu người này có thể mang lại lợi ích cho thị trường lao động của Tổng thống, rất nhiều người Mỹ lại cho rằng lẽ ra những việc làm đó phải được dành cho 20 triệu người Mỹ đang thất nghiệp.
| |
Như Quỳnh (tổng hợp)