Bài 1: Khi “thứ yếu” cứu “chủ lực”

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản từng được ví là “bệ đỡ” nền kinh tế của nước ta vào những thời kỳ suy thoái kinh tế thế giới (như năm 1997, 2008), đặc biệt là nhóm hàng nông, thủy sản chủ lực như gạo, cà phê, cao su, tôm, cá… Nhưng diễn biến xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2015 lại có sự đảo chiều về 2 nhóm mặt hàng.
Bài 1: Khi “thứ yếu” cứu “chủ lực”

Vì sao xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 2015 sụt giảm?

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản từng được ví là “bệ đỡ” nền kinh tế của nước ta vào những thời kỳ suy thoái kinh tế thế giới (như năm 1997, 2008), đặc biệt là nhóm hàng nông, thủy sản chủ lực như gạo, cà phê, cao su, tôm, cá… Nhưng diễn biến xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2015 lại có sự đảo chiều về 2 nhóm mặt hàng.

Giá trị xuất khẩu thủy sản 7 tháng chỉ đạt 3,5 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ 2014. Ảnh: Cao Thăng

Sụt giảm mạnh nhóm mặt hàng chủ lực

Đã quen với việc tăng trưởng như nhiều năm qua của các mặt hàng nông sản nói chung, nên khi tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản 7 tháng qua giảm 3,6% so với cùng năm 2014 - chỉ đạt 16,9 tỷ USD - đã dấy lên những băn khoăn. Trong số này, giảm mạnh nhất là nhóm mặt hàng nông, thủy sản chủ lực như cà phê, cao su, gạo, nhóm mặt hàng thủy sản.

Dù chưa có con số chính thức, nhưng lượng gạo xuất khẩu 7 tháng năm 2015 khoảng 3,7 triệu tấn đạt giá trị 1,5 tỷ USD, giảm 3,1% về lượng và 8,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Trước đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2015 giảm 4,64% so với cùng kỳ năm 2014, chỉ còn 431,1USD/tấn. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2015 với 38,1% thị phần. 6 tháng đầu năm 2015 xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc giảm 9% về khối lượng và 13,2% về giá trị. Thị trường xuất khẩu gạo thế giới diễn biến bất lợi, nhu cầu không ổn định và cạnh tranh gay gắt giữa các nước có nguồn cung lớn. Do cung vượt cầu và nhất là sự tồn kho quá lớn của Thái Lan, nên những nước hay nhà nhập khẩu lớn luôn khai thác tối đa áp lực này khi đàm phán để ép giá, yêu cầu chất lượng cao hơn.

Hai mặt hàng nông sản sụt giảm mạnh hơn gạo là cà phê và cao su. Trong đó, 7 tháng năm 2015 xuất khẩu cà phê hơn 792.000 tấn với giá trị 1,6 tỷ USD, so cùng kỳ năm 2014 giảm gần 40% về lượng và 33,7% về giá trị. Mặt hàng cao su, 7 tháng xuất khẩu 519.000 tấn, đạt 760 triệu USD giá trị, tăng 13,6% về lượng nhưng giảm 9,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Cũng giống như mặt hàng gạo, sụt giảm này chủ yếu do cung vượt cầu khi diện tích cao su các nước xuất khẩu hàng đầu, trong đó có Việt Nam, đều tăng nhanh trong thời gian qua. Nhưng đáng ngại nhất là sự sụt giảm mạnh nhóm mặt hàng thủy sản, giá trị xuất khẩu 7 tháng chỉ đạt 3,5 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2014. Mặt hàng chủ lực nhất, chiếm gần 50% kim ngạch xuất khẩu thủy sản là tôm nước lợ bị giảm mạnh. Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm là 1,2 tỷ USD, giảm 29% giá trị. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2015 vào khoảng 3,2 tỷ USD, giảm khoảng 700 triệu USD so với năm 2014, do nguồn cung các nước tăng mạnh nhờ khắc phục được dịch bệnh. Với mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác là cá tra, dự báo cũng sụt giảm khoảng 4% so với năm 2014, còn khoảng 1,7 tỷ USD. Với tình hình này, nếu không có gì đột biến trong những tháng cuối năm, xuất khẩu thủy sản năm nay khó có thể đạt kế hoạch.

Thu hoạch tôm tại huyện Nhà Bè. Ảnh: CAO THĂNG

Sự trỗi dậy của nhóm mặt hàng “thứ yếu”

Trong lúc nhóm mặt hàng nông, thủy sản chủ lực suy giảm thì nhóm mặt hàng “kém chủ lực” lại có sự trỗi dậy khá ấn tượng, như rau quả, nhân hạt điều, hồ tiêu và cả sắn (khoai mì). Lượng nhân hạt điều xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2015 đạt 184.000 tấn với 1,3 tỷ USD, tăng 11,8% về lượng và 26,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá điều xuất khẩu bình quân là 7.213 USD/tấn, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm rồi. Theo ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, giá xuất khẩu điều tốt hơn năm rồi, do hậu quả của khô hạn nên giá nhiều loại hạt trên thế giới tăng lên trong đó có hạt điều. Với đà này, cả năm 2015 có thể xuất khẩu 300.000 tấn nhân hạt điều với giá trị 2,2 tỷ USD trở lên, ít nhất cũng bằng năm 2014. Nếu tính thêm những sản phẩm chế biến sâu từ hạt điều hay dầu hạt điều thì kim ngạch xuất khẩu cả ngành điều vào khoảng 2,5 tỷ USD.

Với mặt hàng hồ tiêu còn ấn tượng hơn, xuất khẩu 7 tháng đạt  98.000 tấn với giá trị 920 triệu USD, dù giảm 20,6% về lượng nhưng lại tăng gần 2% về giá trị. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 6 tháng đạt 9.302 USD/tấn, tăng gần 30% so cùng kỳ năm 2014. Có thể nói, đây là mặt hàng nông sản duy nhất mà Việt Nam có thể chi phối thị trường và giá bán. Nhưng nếu nói về con số tuyệt đối, tăng mạnh nhất là sắn và các sản phẩm từ sắn (7 tháng đạt 2,8 triệu tấn với giá trị 886 triệu USD, tăng 35,4% về lượng và gần 40% về giá trị so cùng kỳ năm rồi). 

Việc xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục đà tăng trưởng như nhiều năm qua, 7 tháng đạt 3,7 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2014. Với tốc độ tăng trưởng bình quân 2 con số, năm nay kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này có thể chạm ngưỡng 7 tỷ USD. Tương tự, mặt hàng rau quả, sau thời gian dài trì trệ, vài năm gần đây lại có sự tăng trưởng khá ấn tượng, bên cạnh những thị trường truyền thống, yêu cầu chất lượng chưa cao, ngày càng có nhiều mặt hàng rau quả xuất vào những thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Nhật, Hàn Quốc... Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm gần 881 triệu USD, tăng 22,8% so cùng kỳ năm 2014. Nhìn chung, xuất khẩu rau quả 2 quý đầu năm 2015 tăng trưởng ở hầu hết các thị trường. Một số thị trường có mức tăng trưởng cao như Đức tăng 50%, Anh tăng 31,3%... Nhiều chuyên gia nhận định xuất khẩu rau quả năm nay có thể  tăng mạnh do từ nay đến cuối năm là mùa xuất khẩu chính, cùng với việc nhiều thị trường mới được mở cửa, nếu tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm đạt trên 25%, thì khả năng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đạt 2 tỷ USD là hoàn toàn có thể.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục