Bài 2: Bát ngát Bến Hải

1.
Bài 2: Bát ngát Bến Hải

BÊN BỜ HIỀN LƯƠNG

Bến Hải, dòng sông từ thượng nguồn Trường Sơn chảy về Cửa Tùng trải qua bao làng mạc với những trầm tích văn hóa dân ca. Ngày nay, hai bên ven bờ Hiền Lương, không chỉ có lúa mà còn có tôm, có hồ tiêu phía đất bazan màu mỡ Gio Linh và cao su ở đất thép Vĩnh Linh.

Người dân chịu nỗi đau biệt ly của hơn bảy ngàn ngày dưới đạn bom nay đã đổi đời. Để có thành quả đó, từng lớp người ở đây phải vật lộn với đất để vươn lên...

Vĩ tuyến 17 ngày một đổi thay.

1. Sông Bến Hải không lớn cũng không hẹp, sâu trong lòng nó là cả một kho tàng câu chuyện từ thuở con người đến khẩn hoang. Giọt nước đầu tiên của Bến Hải bắt đầu từ núi Động Chân của rặng Trường Sơn. Về xuôi thì gặp sông Sa Lung ở tả ngạn nhập vào rồi đổ ra biển lớn. Phía hạ du của dòng sông chảy qua mảnh làng nhỏ Minh Lương và từng có thời kỳ gọi là sông Minh Lương. Nơi rộng nhất của con sông ấy chỉ 200m, là vùng giáp ranh hai huyện Gio Linh và Vĩnh Linh của Quảng Trị. Ngày trước, con sông này từng được gọi là Bến Hói, vì dòng sông nhỏ nên phong tục địa phương gọi là hói. Sau này người ta đọc trại hói thành hải nên gọi sông Bến Hải. Thời vua Minh Mạng, làng Minh Lương có sông chảy qua cũng được gọi chung là sông Minh Lương, vì húy kỵ, nhà Nguyễn cho đổi tên làng thành Hiền Lương.

Lưu dấu dòng sông là một xứ dân ca hát hò. Mảnh làng nhỏ bé này đến ngày nay vẫn yêu hát, mê hát theo các điệu hò của xứ Bình Trị Thiên. Những ai hát hay nhất xứ có lẽ đều sinh ra ở đây. Làng có hơn 20 nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú như NSND Châu Loan, NSND Lệ Thi, NSƯT Kim Phú, Kim Quý, Châu Dinh, Thu Sen, Ái Chủng, Thanh Thảo… Ông Lê Ngọc Minh, Bí thư chi bộ thôn, tiết lộ: “Tiếng hát Tùng Luật nổi danh cả vùng. Đến thời chia cắt, làng bị bom đạn, nhà cháy sạch nhưng câu hò vẫn vang mãi. Thời đó, những nghệ sĩ có tiếng thường đi hát vận động địch bỏ súng theo cách mạng. Bom đạn bắn rát, nhưng khi nghe tiếng hát thì lính ngụy cũng đứng lặng thinh, ai mà chẳng có bản quán quê hương”.

Dù bom đạn cày xới, dù 20 năm đằng đẵng xa cách, những người như má Phước, như anh Tâm, như chị Nhơn… đều về lại làng, về lại gốc gác nơi chôn nhau cắt rốn. Nhưng cuộc trở về đó thật lắm gian nan. Thế hệ má Phước cũng già, thế hệ K8 như bà Nhơn hay ông Tâm sẽ gánh vác việc dân. Ông Tâm nay là trưởng thôn, tâm sự: “Những năm 90 của thế kỷ trước đúng là khó khăn, cái đói vàng mắt. Ruộng đồng khô cháy, lúa má khó làm. Nắng mùa hè gió Lào phần phật, người cũng hao tổn, nước sông bốc hơi, đồng cô quạnh. Đó là những tháng năm mà bà con mình phải kiếm ăn từng bữa, có khi bới gốc chuối ngoài vườn nấu ăn qua cơn đói. Họp hành trong xóm, trong làng lúc nào cũng cãi nhau, riết thành lệ. Cứ đến họp bàn sản xuất thì chi bộ phê đảng viên, đảng viên phê nông dân bỏ đất bỏ đồng hoang hóa. Nông dân vặc lại nước nôi không có, thủy lợi không kênh, không mương, biết làm sao. Nhưng bàn lui bàn tới cũng có kế ra, dân làng người góp công, chi bộ lãnh đạo khai thông luồng lạch, rãnh dẫn nước vô đồng mà làm lúa cứu đói. Đồng rộng, nước vô lúa xanh, được mùa. Được vụ, cái đói bị đẩy lùi, lúc đó cái đầu mới thoáng nghĩ, mới thoát ra để tính chuyện làm giàu. Thời đó, nhà xây còn ít, đa số vẫn nhà tranh vách đất”. Lúa đồng không thể làm giàu, mọi người lại bàn tính và bắt đầu nuôi tôm. Ông Tâm kể: “Cái ăn dễ thở, người dân mong muốn thoát nghèo để con cái có cái chữ, làng xóm được khang trang, để xây dựng quê hương phát triển”.

2. Và con tôm được đưa về ven bờ Hiền Lương những năm cuối thế kỷ 20. Trong cái nắng của cuối mùa thu, hai bên bờ sông, từng “cánh đồng” tôm như bất tận với guồng chạy nước cấp khí thở. Ông Tâm khẳng định: “Xứ này sống được nhờ con tôm. Mỗi vụ có nhà đã thu được tiền tỷ, còn vài chục triệu hay vài trăm triệu đồng là chuyện đã bình thường”. Cái bình thường mà ông Tâm nói cũng như lời của ông Cầu bên làng Hiền Lương: “Nay làng xóm đổi khác lắm. Nhà tranh biến mất, giờ toàn nhà xây. Đó là nhờ con tôm hợp đất đai, con nước dòng sông này”. Nhà anh Tâm nay cũng nuôi tôm, mỗi vụ trừ hết chi phí, anh còn lãi hơn 30 triệu đồng. Chưa nhiều, nhưng ở làng của những người trở về sau bom đạn, thế là có quả ngọt để gặt hái.

Người bên sông Bến Hải ngày nay không chỉ có hạt lúa, củ khoai, mà sản vật phía biển đã xuất khẩu đi nhiều nước. Cửa Tùng ngày nay là một thị trấn biển đang trên đường phát triển. Nơi đó có cơ sở nước mắm của chị Lệ Thị Huỳnh phát đạt nổi tiếng. Chị lớn lên trong những ngày đất nước khổ cực. Mảnh làng chị ở, sản vật từ biển ngon ngọt lạ kỳ nhưng khó lòng bán chạy bởi cách trở đường xa. Trằn trọc với cuộc sống, chị nghĩ cách làm nước mắm để bán. Cơ sở nước mắm được đặt hiệu Huỳnh Kế gồm tên chồng và tên của chị từ năm 1989. Thời đó, chị Huỳnh vay mượn từng thúng thóc, từng cân cá bán đi để có vốn làm nước mắm. Ở vùng hẻo lánh, đi ra đường phải vượt cát, mẻ nước mắm lúc được lúc mất, lắm khi hỏng cả, vốn liếng thất bát như muốn phá sản. Chị đi tìm mua từng chai nước mắm loại ngon về nêm nếm, để so sánh hương vị. Từ đó mới có bí quyết riêng. Chị kể: “Tài liệu ngày xưa nói hải sản xứ Cửa Tùng có đủ độ mặn nên ngon nức tiếng, làm nước mắm xứ nào cũng ưng. Cả mấy chục lần thất bại vì muốn tìm bí quyết riêng, may mà cuối cùng tôi cũng thành công”. Điều làm nên thành công của chị là chữ tín và phương pháp thủ công. Những mẻ nước mắm tốt ban đầu, chị bán cho người làng biếu khách phương xa. Sau dần, “tiếng thơm” truyền miệng mà nước mắm Huỳnh Kế đi Nam ra Bắc. Nhiều nơi về học hỏi, đánh giá độ đạm, độ ngọt còn hơn nước mắm Phú Quốc. Những lúc như thế, chị cười: “Nước sông Bến Hải ngọt ngào, lòng người Bến Hải thiệt thà nên nước mắm cũng chất phác đi vô lòng người dùng”. Nay chị nhập cách làm nước mắm bằng công nghệ tiên tiến, nên thương lái ở Lào, Thái Lan đặt hàng tới tấp. Mỗi ngày chị thu vào hơn 4 triệu đồng tiền lãi. Có được thành công, chị chắt chiu giúp đỡ dân làng. Ai muốn làm nước mắm, chị giúp vốn, ai muốn buôn bán chị giúp đỡ phương cách, tài chính. Bởi theo chị, người làng giàu lên tốt cho quê hương.

3. Sau 40 năm tại vĩ tuyến 17, mỗi người mỗi việc, mỗi nhà mỗi cảnh nhưng khung cảnh ngày xưa khó khăn nay đã đổi thay. Bên bờ Bắc của dòng sông, đất thép Vĩnh Linh đã tìm được lối ra từ cây cao su tiểu điền. Phía bờ Nam, huyện Gio Linh cũng phát triển hồ tiêu, cao su, lúa và nhiều thứ đặc sản có tiếng khác. Trước đây, ở mảnh đất này, hơn 20 năm trước, trùng điệp núi đồi, chỉ độc một loài cây lá vằng dùng để nấu nước uống, không thể xóa nghèo làm giàu. Tôi từng đi qua thị trấn Bến Quan, thăm nhà người bạn làm kinh tế mới. Hoàng, ngày trước nhà nghèo, theo bố mẹ lên Bến Quan khai hoang từ những năm 90 của thế kỷ trước. Rồi Hoàng tự tìm tòi làm ăn, vay vốn, đầu tư hàng chục hécta cao su. Ngày nay, cuộc sống của Hoàng và nhiều hộ khác đã cho thu nhập đáng kể. Giá mủ cao su không sốt như những năm trước, nhưng mỗi ngày, mỗi hécta cũng đưa lại hơn 600.000 đồng. Vĩnh Linh có 21 xã, thị trấn lấy cao su làm trọng tâm phát triển với diện tích hơn 6.000ha. Những tấm gương làm ăn đủ đầy như Hoàng nay không còn hiếm. Đất thép ngày xưa đã bát ngát xanh. Đi trên mảnh đất của vĩ tuyến 17, bất giác nhớ đến ngày kỷ niệm 60 năm ký kết hiệp định Genève được tổ chức năm ngoái. Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh, Nguyễn Đăng Quang tổng kết: “85 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất là 60 năm kể từ ngày Vĩnh Linh hoàn toàn giải phóng, mảnh đất này luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành quan tâm, giúp đỡ, động viên và Vĩnh Linh cũng đã làm tất cả những gì có thể để vùng đất này hồi sinh và phát triển”.

Bà con Vĩnh Linh, Gio Linh làm ăn với tinh thần hăng hái. Dĩ nhiên khó khăn không ít nhưng cảm hứng phát triển vẫn căng đầy trong huyết quản con người nơi đây. Bến lịch sử dưới cột cờ thống nhất non sông là di tích của một thời chia cắt dìu dắt chân khách hành hương khắp nơi đổ về. Bản nhạc: “Câu hò bên bờ Hiền Lương” lại cất lên đoạn cuối trong quán nhỏ: “Ơi câu hò chiều nay, tôi mang nặng tình ai/ Nơi miền quê xa vắng em có nghe thấu chăng lòng anh /Tình này ta xây đắm nên thủy chung không bao giờ phai”. Mảnh đất kiên cường, gan dạ ấy cũng lãng mạn, hiền từ, từ đất đai mái nước…

MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục