Vụ xác nhận hồ sơ giả để lấy tiền đền bù ở quận 2

Bài 2: Có hài cốt… là có tiền

Bài 2: Có hài cốt… là có tiền

Theo hướng dẫn trình tự lập thủ tục bốc mộ và thanh toán chi phí bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do UBND Q2 ban hành ngày 13-9-2004, mỗi hồ sơ xin bốc mộ phải có đầy đủ 12 loại giấy tờ với cả chục cơ quan ký tên, đóng dấu xác nhận. Thế nhưng, không hiểu bằng cách nào các đối tượng làm hồ sơ bốc mộ giả vẫn dễ dàng lọt qua.

Giấu đầu, lòi đuôi

Để tìm hiểu sự thật về những thủ thuật mà các đối tượng lập hồ sơ mộ giả lấy tiền thật, chúng tôi nhờ đến sự giúp đỡ của anh Nguyễn Hữu Lợi, CSKV khu phố 1, P. An Khánh dẫn đến gặp Đặng Thị Thu Trang – người đầu tiên bị phát hiện đã nhận 18.000.000đ từ 6 ngôi mộ giả mà chúng tôi đề cập trong bài trước. Không chút ngần ngại, thị Trang thừa nhận ngay: “Em chỉ làm mộ giả trên mặt đất thôi. Còn mộ thật ở dưới huyệt em không dám đụng đến”.

Bài 2: Có hài cốt… là có tiền ảnh 1

Dàn dựng bốc mộ giả để kèm vào hồ sơ xin đền bù bốc mộ của ông Lê Văn Tốt Ảnh: P.V.

Vậy bằng cách nào mà thị Trang có đến 6 bộ hài cốt để chứng minh mộ thật? Điều này không khó chút nào. Thị Trang khai nhận: “Vào tháng 6-2005 tôi tìm gặp Huỳnh Văn Nghĩa là thợ đào bốc mộ của cơ sở mai táng Nghĩa Thọ và nhờ Nghĩa tìm cho 6 mộ không có thân nhân để lập hồ sơ xin đăng ký bốc mộ. Biết rõ hàng chục gò đất tại P.An Lợi Đông đều có mộ, trong đó nhiều ngôi mộ không người thừa nhận được chôn cất cả trăm năm nay, Nghĩa tìm đến gò Chuối và gò Bảy Cường. Sau khi xác định vị trí trên gò đất, Nghĩa báo lại cho tôi làm hồ sơ xin bốc mộ. Mỗi vị trí nằm trên gò đất – không cần ở dưới có mộ hay không, tôi trả Nghĩa 500.000đ. Tôi lo hồ sơ xin bốc mộ và làm thủ tục nhận tiền. Còn Nghĩa có trách nhiệm tìm một bộ hài cốt, sau đó tổ chức cho anh em đến vị trí đã được xác định đào đất và đưa bộ hài cốt xuống chụp ảnh chứng minh lỗ đào có hài cốt thật để bổ sung vào hồ sơ. Thủ tục này Nghĩa chỉ làm trong một buổi sáng là xong”.

Đối chiếu với lời khai nhận trên của thị Trang, chúng tôi lật tìm trong bộ hồ sơ mà Trang xin bốc 6 ngôi mộ và phát hiện một chi tiết khá bất ngờ: trong tấm ảnh chụp bằng máy ảnh kỹ thuật số hiện lên dòng chữ điện tử chỉ thời gian chụp là 10:30 25-6 (tức 10g30 ngày 25-6). Trong khi đó biên bản xác nhận và di dời hài cốt có xác nhận của các thành phần lại là 9g ngày 4-8-2005. Biên bản được lập cùng thời gian nhưng lại ở hai địa điểm là gò Chuối và gò Bảy Cường. Trong khi hai địa điểm này cách nhau đến gần 3 cây số (gò Bảy Cường, khu phố 1; gò Chuối, tổ 42, ấp 4, P.An Lợi Đông).

Một khó hiểu khác mà chúng tôi phát hiện được trong hồ sơ xin bốc mộ của các trường hợp: Nguyễn Thị Bích Đào (28/4D, tổ 13, khu phố 1, P.An Khánh; Nguyễn Thị Bích Thủy (28/4G, tổ 13, khu phố 1, P.An Khánh); Lê Văn Tốt (31/3 khu phố 1, P.An Khánh); Lê Thị Cúc (169/22/13 Ngô Tất Tố, P.22, Q. Bình Thạnh… đều giống nhau về phương thức. Thậm chí một số giấy tờ còn giống nhau đến từng nét chữ, cách trình bày và cả chữ ký (đơn xin xác nhận thân nhân của Nguyễn Thị Bích Đào và Nguyễn Thị Bích Thủy).

Và một điểm giống nhau đến lạ kỳ nữa là, hàng trăm ngôi mộ giả mà các đối tượng khai trong hồ sơ đều ở trên các gò đất nằm rải rác tại P.An Khánh và An Lợi Đông. Đặc điểm của những gò đất này thường nằm trong đồng ruộng đi lại khó khăn và rất khó xác định mồ mả chôn cất tại đây. Đây chính là yếu tố dễ xóa sạch dấu vết sau khi đã nhận được tiền và cũng khó khăn trong việc kiểm tra của các cơ quan chức năng sau này.

Có bao nhiêu ngôi mộ giả đã lấy được tiền thật?

Từ trường hợp của Đặng Thị Thu Trang bị phát hiện lập hồ sơ 6 ngôi mộ giả để nhận tiền thật, qua rà soát lại toàn bộ hồ sơ xin bốc mộ tại P.An Khánh và An Lợi Đông, các cơ quan chức năng đã phát hiện có 37 hồ sơ xin bốc hơn 200 ngôi mộ – được nghi là giả với số tiền thật đã nhận là 825 triệu đồng (mộ đất 3 triệu đồng, mộ xây 5 triệu đồng).

Cụ thể, P.An Lợi Đông có 941 mộ được kê khai, đã bốc 841 mộ, trong đó phát hiện 89 mộ giả; P.An Khánh có hơn 1.500 ngôi mộ được kê khai, đã bốc 912 mộ, trong đó phát hiện 127 mộ giả. Đây là số liệu mà 2 phường trên báo cáo sau khi đã có kết quả xác minh ban đầu. Còn trên thực tế, số mộ giả tại hai địa phương này còn lớn hơn nhiều.

Qua tìm hiểu thực tế tại một số khu vực, chúng tôi thấy có nhiều điểm bất hợp lý. Đơn cử như tại tổ 61, 62 khu phố 5, P.An Khánh, người dân cho biết nơi đây là khu cư xá Ba Son gồm 287 căn được xây dựng từ năm 1976. Từ ngày về sinh sống đến nay, đâu có trường hợp nào chết được chôn trong khu vực cư xá. Thế nhưng vẫn có hàng chục hồ sơ xin bốc mộ được ký xác nhận để nhận tiền. Điều này đủ cơ sở để khẳng định, tất cả những ngôi mộ được kê khai trong khu vực này đều là giả. Dư luận đang đặt nhiều câu hỏi: ai đã giúp sức cho những người làm hồ sơ bốc mộ giả để nhận tiền thật?

Bài 3: Vô tư xác nhận hồ sơ bốc mộ giả 

PHẠM HOÀI NAM

Tin, bài liên quan:

Bài 1: Lập mộ giả, lấy tiền thật

Tin cùng chuyên mục