Bài 2: Đích đến còn xa, nếu chậm trễ…

Áp lực sĩ số, giáo viên thiếu chuẩn
Bài 2: Đích đến còn xa, nếu chậm trễ…

Làm sao dạy và học tiếng Anh hiệu quả?

Mặc dù đã vạch ra lộ trình mở đại trà chương trình tăng cường tiếng Anh (TCTA) từ bậc tiểu học, nhưng đến nay tỷ lệ phủ sóng và học sinh của TPHCM tham gia vẫn còn hạn hẹp. Trừ những trường ở các quận nội thành có điều kiện mở nhiều lớp TCTA, còn lại số đông các trường chỉ mở được vài lớp ở một khối học và tỷ lệ học sinh thụ hưởng chương trình này chỉ chiếm khoảng 30%.

Áp lực sĩ số, giáo viên thiếu chuẩn

Theo quy định, muốn mở lớp TCTA, nhà trường phải đảm bảo cơ sở vật chất và cùng với yêu cầu tổ chức bán trú, đảm bảo sĩ số 35 em/lớp, điều kiện này đang trở thành bất khả thi với nhiều trường sĩ số đông, chật hẹp và ở những địa bàn “nóng” thường xuyên thiếu chỗ học như các quận ven: quận 12, Bình Tân, Tân Phú, huyện Bình Chánh… Trong cơn sốt chỗ học năm nay, không chỉ “hy sinh” chuẩn để đôn sĩ số lên 50 - 60 học sinh/lớp, nhiều trường ở quận 12, Bình Tân, Tân Phú… buộc phải giảm, co hẹp số lớp bán trú nên không thể mở rộng chương trình TCTA. Đó là tâm trạng buồn của nhiều lãnh đạo phòng giáo dục ở quận ven khi nói về đòi hỏi, thách thức nâng cao trình độ tiếng Anh cho học trò của mình.

Bên cạnh cái khó lưu cữu về thiếu chỗ học, áp lực sĩ số quá đông thì rào cản về đội ngũ giáo viên thiếu chuẩn vẫn chưa thể giải quyết căn cơ. Bên cạnh đó, chương trình tiên tiến - tiếng Anh tích hợp vừa triển khai và được kỳ vọng nhiều nhất cũng chỉ là những điểm sáng mới thắp vì mỗi trường tổ chức nhiều lắm cũng được 1 đến 2 lớp là cùng. Nguyên nhân do chi phí học chương trình này quá cao (150 USD/tháng) và rất ít học sinh có điều kiện theo học dù rất muốn tham gia. Tính đến nay, cả TP mới có vài ngàn học sinh theo học chương trình này. Còn với mô hình trường học tiên tiến hội nhập quốc tế được đề cao và chứng minh hiệu quả với sản phẩm đầu ra - học sinh năng động tự tin, có năng lực tiếng Anh tốt, thì toàn TP mới có 3 trường THPT thực hiện và sự mong muốn mỗi quận, huyện sẽ có một trường thí điểm vẫn mãi nằm trên giấy.

Không thể chậm trễ hơn

Hiện nay, Sở GD-ĐT TPHCM triển khai song song 3 chương trình dạy tiếng Anh, gồm: chương trình của Bộ GD-ĐT, TCTA và tiếng Anh tích hợp. Bằng những nỗ lực tiên phong, mạnh dạn đột phá - áp dụng phương pháp dạy và học tiếng Anh tiên tiến, theo chuẩn, thí điểm dạy toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh, TPHCM đã tạo nền tảng cơ bản, cơ hội học tiếng Anh hiệu quả. Không những thế, TP còn tạo nhiều sân chơi thử thách tài năng, khuyến khích học sinh tham gia đánh giá năng lực tiếng Anh theo chuẩn quốc tế. Nhờ có chủ trương, lộ trình dài từ TCTA đến thực hiện “Đề án tăng cường sử dụng năng lực tiếng Anh cho học sinh phổ thông”, thì nay toàn TP đã có 84,4% trường dạy tiếng Anh với 76% học sinh tham gia.

Dù có nhiều nỗ lực nhưng TPHCM chưa thể tháo gỡ những rào cản khó khăn như nêu trên để mở rộng chương trình dạy và học tiếng Anh, hiệu quả, theo chuẩn quốc tế. Điều đáng nói, trong số học sinh có trình độ chuẩn tiếng Anh, có đến 30% chọn đi du học, còn lại mới theo học ĐH, các chương trình liên kết quốc tế trong nước.

Trước yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo trình độ kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp theo chuẩn quốc tế, rất nhiều hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ than rằng khó thể tuyển đủ  học sinh có năng lực ngoại ngữ tiếng Anh để học các chương trình tiên tiến, liên kết với quốc tế. Thậm chí, ở nhiều trường ĐH, sinh viên cũng kêu trời khi phải học với giảng viên nói tiếng Anh sai, thiếu từ ngữ thể hiện, chuyển tải và ngữ điệu kiểu thuần Việt.

Theo nhiều chuyên gia, muốn cải thiện năng lực tiếng Anh của học sinh, TPHCM phải tạo một cuộc cách mạng về dạy và học, đầu tư cơ sở vật chất, chuẩn hóa giáo viên… Bởi lẽ, muốn học sinh giao tiếp tốt bằng tiếng Anh thì phải tạo môi trường chuẩn để các em thực hành, trau dồi kỹ năng nghe nói thật nhiều.

“Đừng đẩy các em vào ngõ cụt học ngoại ngữ kiểu “ba rọi”, tốn thời gian công sức nhưng chỉ để phục vụ mục đích thi cử”, đó là nỗi niềm bức xúc chung của các chuyên gia ngoại ngữ, giáo viên dạy tiếng Anh giỏi. Như thế, TPHCM phải có cơ chế riêng, được quyền chủ động dạy - học tiếng Anh và đánh giá học sinh theo chuẩn quốc tế. Tại sao Bộ GD-ĐT hô hào đổi mới nhưng không trao thực quyền cho ngành GD-ĐT TPHCM?

Một tiết học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài ở Trường THCS Nguyễn Văn Tố

Th.S Nguyễn Trần Chân Ái, Tổ trưởng Tổ Anh văn Trường THCS Nguyễn Văn Tố, nêu cụ thể: Giảm tải chương trình và tăng thêm thời lượng để luyện tập kỹ năng nghe nói cho học sinh. Bên cạnh đó, đổi mới cách ra đề thi, đánh giá năng lực của học sinh theo 4 kỹ năng, bỏ hẳn kiểu ra đề chỉ nghiêng về ngữ pháp, từ vựng, tự luận, trắc nghiệm như vẫn làm. Nếu ngành GD-ĐT TPHCM không đổi mới cách ra đề thi, đánh giá học sinh theo chuẩn thì các em vẫn phải cắm đầu, cắm cổ học ngữ pháp, từ vựng và không thể nghe, nói được.

Trước mắt để có đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, TPHCM phải mạnh dạn tuyển chọn giáo viên trẻ có năng lực và thay thế dần giáo viên không thể đạt chuẩn cũng như thay đổi kỹ năng dạy ngoại ngữ theo phương pháp tiên tiến, hiện đại. Theo một chuyên gia ngoại ngữ, với những giáo viên “bị lỗi” do đào tạo sai, lệch chuẩn từ trường sư phạm thì nên cho nghỉ việc vì có bồi dưỡng, đào tạo lại cũng chỉ mất thời gian, công sức vì khó có thể nâng cao năng lực, kỹ năng nghe, nói tiếng Anh của họ. Nhiều hiệu trưởng kiến nghị nên trao quyền tuyển chọn giáo viên tiếng Anh cho các trường, thay vì ấn xuống chỉ tiêu như hiện nay. Phải đầu tư đến nơi đến chốn, tạo ra môi trường sử dụng tiếng Anh đúng nghĩa, chứ không phải học chỉ để thi cử như hiện nay.

Nhiều hiệu trưởng, giáo viên kiến nghị TP nên bỏ hẳn chương trình tiếng Anh của Bộ GD-ĐT vì dạy lẫn học không hiệu quả. Không chỉ ngán ngẩm khi bị phân công dạy chương trình bắt buộc này, nhiều giáo viên còn “tẩy chay”, chỉ thích dạy tiếng Anh tăng cường vì giáo trình hay hơn, có thu nhập cao hơn. Riêng học sinh cũng chán nản vì học đối phó, tiết học xơ cứng, nội dung không hấp dẫn.

KHÁNH BÌNH

Thông tin liên quan:

>> Bài 1: Những điểm sáng nhỏ nhoi

Tin cùng chuyên mục