Tình trạng quy hoạch treo, dự án chậm triển khai ở nước ta, nhất là tại các đô thị là vấn đề đã cũ. Tuy nhiên hiện nay, do khủng hoảng, suy thoái kinh tế kéo dài, nhiều dự án, quy hoạch càng rơi vào bế tắc. Trong bối cảnh đó, làm thế nào để người dân thoát cảnh khổ cực do quy hoạch treo?
Dân chờ quận, quận chờ thành phố
Theo tìm hiểu, trước năm 1997, UBND phường 15, quận Tân Bình (nay là quận Tân Phú) đã có thông báo quy hoạch đối với dự án khu phố 4, 5 phường Tây Thạnh, quận Tân Phú. Đến ngày 1-2-1997, Quyết định 64/TTg giao dự án này cho Công ty SXKD-XNK-DV và đầu tư quận Tân Bình làm chủ dự án xây dựng Khu công nghiệp phụ trợ nhà ở KCN Tân Bình. Sau đó, công ty này không thực hiện dự án với lý do ảnh hưởng phễu bay (hành lang an toàn) của sân bay Tân Sơn Nhất.
Để thu hút doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào dự án này, ngày 12-3-2006, UBND quận Tân Phú đăng báo kêu gọi đầu tư nhưng không hiệu quả. Đến ngày 2-7-2010, UBND TPHCM ban hành văn bản số 3316 giao cho chủ đầu tư khác tiến hành thỏa thuận, bồi thường cho dân để làm dự án khu trung tâm thương mại. Tuy nhiên cho đến nay, các công việc liên quan vẫn chưa được triển khai thực hiện. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP chiều 4-7, ông Phan Tấn Lực, Chủ tịch UBND quận Tân Phú cho biết, hiện quận đang làm việc với lãnh đạo phường Tây Thạnh để tiến hành rà soát, quy hoạch lại khu dân cư cho phù hợp với tình hình thực tế, dự tính trong năm 2012 này sẽ xong (?).
Chị Lê Thị Tuyết Anh, nhà ở phường 5 quận 4 cho biết, hầu hết các nhà dân ở đây đều xập xệ, rách nát và sống trên bãi rác.
Trong khi đó, ông Trần Hoàng Quân, Phó chủ tịch UBND quận 4 cho biết, khu dân cư phường 2, 3, 5 được quy hoạch làm dự án Công viên Khánh Hội với diện tích 18ha từ năm 1996. Dự án này được chia làm 4 giai đoạn và dự tính năm 2015 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, muốn xóa quy hoạch treo khu vực này cần 600 tỷ đồng để bồi thường người dân nhưng hiện thành phố chỉ mới cấp 165 tỷ đồng nên việc bồi thường ngưng trệ. Để giải quyết những bức xúc của người dân, ông Trần Hoàng Quân cho biết thêm, dù trong diện quy hoạch giải tỏa nhưng những hộ dân ở đây vẫn được cấp chủ quyền nhà đất.
Cụ thể, trong giai đoạn 2003 - 2004, quận đã có chủ trương cấp đại trà sổ đỏ cho người dân sống ở khu vực này. Song nhiều hộ vì điều kiện khó khăn không thể làm nên đến bây giờ vẫn chưa được cấp. Tuy nhiên, dù có sổ đỏ hoặc không thì nhà dân tại khu vực này vẫn được bồi thường khi giải tỏa do họ đã sinh sống hơn 40 năm nay. Mức giá bồi thường giai đoạn đầu là 4 triệu đồng/m2 với nhà sàn và 6 triệu đồng/m2 với nhà đất. Còn hiện tại, mức bồi thường đã được điều chỉnh lên 22 - 28 triệu đồng/m² nhà đất và 8,8 triệu đồng/m² nhà sàn. Cộng với nhiều chính sách ưu đãi khác như người dân được hỗ trợ thêm tiền để mua căn hộ tái định cư với tổng diện tích 30m² (theo giá chung cư thấp nhất trên thị trường); được ưu tiên mua nhà tái định cư do quận xây dựng phục vụ cho khu dân cư bị giải tỏa.
Chính sách là vậy nhưng không ít người dân băn khoăn khi cho rằng, trong khi người dân chỉ có thể được hỗ trợ mua nhà với diện tích 30m² nhưng quy định tối thiểu của diện tích nhà chung cư là 45m². Vậy họ sẽ làm gì để có thêm tiền chi trả cho 15m² còn lại khi mà thu nhập của phần lớn người dân ở đây là từ nghề lột hành, chạy xe ôm, phụ hồ, lao động phổ thông, bán vé số… với chưa đến 100.000 đồng/ngày…
Cần rà soát tổng thể để có hướng tháo gỡ
Sống cảnh tạm bợ, nhà cửa lụp xụp, môi trường ô nhiễm… đó là thực trạng mà nhiều người dân ở khu vực bị quy hoạch treo đang phải đối mặt. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này chính là do quỹ đất cũng như nhà ở của người dân đang nằm trong diện quy hoạch làm dự án. Sự chậm trễ trong việc giải tỏa mặt bằng của các chủ dự án, công trình, khiến người dân đi không được, ở cũng không xong. Và quan trọng hơn, trong thời gian chờ đợi đền bù giải tỏa, chính quyền địa phương sẽ làm gì để cải thiện môi trường sống của người dân? Bởi lẽ bao nhiêu năm bị quy hoạch cũng đồng nghĩa với chừng đó năm họ phải sống với hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng, ô nhiễm bủa vây và nhất là phải sử dụng điện nước với giá thành cao.
Thiết nghĩ, trước tình hình khó khăn của nền kinh tế, sự đóng băng của thị trường bất động sản kéo dài trong thời gian qua, UBND TPHCM cũng như các cơ quan hữu quan, chính quyền các địa phương cần tiến hành rà soát tổng thể các dự án, quy hoạch trên địa bàn TP để có hướng tháo gỡ, xử lý kịp thời. Trên cơ sở rà soát lại các dự án, quy hoạch, tiến hành đánh giá, phân loại cụ thể để các dự án, quy hoạch nào còn mang tính khả thi; dự án, quy hoạch nào không còn khả thi, để từ đó có biện pháp xử lý phù hợp. Những dự án, quy hoạch nào còn khả thi, đặc biệt những dự án mang tính công ích, an sinh xã hội, UBND TP cũng như các cơ quan hữu quan cần có biện pháp tăng cường hỗ trợ chính quyền địa phương, các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện. Những dự án, quy hoạch nào đã lạc hậu, không còn phù hợp thì tiến hành thu hồi hoặc hủy bỏ sớm, đồng thời thực hiện ngay việc chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường… để giúp người dân ổn định cuộc sống cũng như thực hiện các quyền và nghĩa vụ về nhà ở, đất ở của mình.
>>Những hệ lụy của quy hoạch treo. Bài 1: Cực khổ trăm bề
NHÓM PHÓNG VIÊN