Bài 2: Nghịch lý thiếu - thừa

Thiếu đất, làm... liều
Bài 2: Nghịch lý thiếu - thừa

Đổi mới lâm trường quốc doanh: Bình mới rượu cũ?

Trong khi các công ty lâm nghiệp (CTLN) phải ôm hàng ngàn hécta đất rừng, sử dụng không hiệu quả thì người dân tại địa phương, nơi các CTLN “đóng đô”, chủ yếu người dân tộc thiểu số lại thiếu hoặc không có đất để sản xuất.

Người dân tộc Châu Mạ đang sinh sống tại xã Lộc Bảo hiện đang xin cấp đất để canh tác. Ảnh: Huy Anh

Người dân tộc Châu Mạ đang sinh sống tại xã Lộc Bảo hiện đang xin cấp đất để canh tác. Ảnh: Huy Anh

Thiếu đất, làm... liều

Một trong những mục tiêu quan trọng Nghị quyết (NQ) 28 đặt ra trong việc đổi mới lâm trường quốc doanh (LTQD) là nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người lao động và xóa đói giảm nghèo. Để thực hiện mục tiêu này, NQ 28 đặc biệt nhấn mạnh việc phải đảm bảo đất ở và đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, khắc phục nhanh tình trạng thiếu đất ở và đất sản xuất cho người dân.

Trên địa bàn xã Tân Thành tỉnh Lạng Sơn, gần 70% diện tích đất lâm nghiệp đều do CTLN Đông Bắc quản lý nên nhu cầu về đất của người dân tại đây hết sức bức thiết. Ông Đoàn Quốc Anh, Bí thư Chi bộ thôn Cốt Cối cho biết, phần lớn người dân là công nhân lâm nghiệp đã nghỉ hưu hoặc nghỉ việc nên chủ yếu dựa vào đất rừng để sống. Đời sống khó khăn, nhưng mỗi hộ trung bình chỉ nhận được 0,5 - 0,7ha, thậm chí có hộ không được giao khoán nên người dân buộc phải canh tác trên đất của các CTLN để sinh kế. Đó cũng là lý do Cốt Cối trở thành “điểm nóng” tranh chấp và lấn chiếm đất rừng nhiều năm qua.

Ông K’Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng cho biết, diện tích đất lâm nghiệp của xã rất lớn nhưng đến 80% thuộc sự quản lý của CTLN Lộc Bắc. Hiện xã có hơn 200 hộ nghèo (chiếm khoảng 1/4 tổng số hộ trong xã) thiếu đất canh tác. Ông K’ Ba, Trưởng thôn 3 xã Lộc Bảo cho biết, từ những năm 2000 đến nay, nhiều lần người dân trong thôn kiến nghị UBND tỉnh giao đất để ổn định cuộc sống nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Do cần đất để canh tác nên nhiều hộ dân đã quay lại trồng các loại cây hoa màu, công nghiệp trên diện tích đất cũ của mình trước đây để kiếm sống (hiện thuộc CTLN Lộc Bắc và các công ty cao su quản lý). “Do thiếu đất sản xuất mới làm liều chứ chẳng ai muốn vi phạm pháp luật” - ông K’Ba tâm tư.

Thiếu đất canh tác là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến mâu thuẫn đất đai giữa các CTLN, nơi có các diện tích đất tiếp giáp với khu dân cư và các hộ dân. Sự xung đột này xảy ra ở hầu hết các địa phương, nơi có mặt của các CTLN. Ông Lăng Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành, cho biết, việc giải quyết tranh chấp chiếm đến 2/3 thời gian công việc nhưng vẫn chỉ dừng lại ở việc hòa giải, vận động vì không có quy định chế tài để giải quyết.

Phần nổi tảng băng trôi

“Nút thắt” cơ bản, quyết định hiệu quả và thành công của quá trình đổi mới, phát triển LTQD hiện nay chính là vấn đề quản lý và sử dụng đất rừng. Ông Tô Xuân Phúc, Trưởng đại diện Tổ chức Forest Trends tại Việt Nam, cho rằng, sự bất hợp lý trong quản lý và sử dụng đất rừng của các CTLN hiện nay thể hiện ở hình thức khoán mà các CTLN đang thực hiện. Thực tế hầu hết các CTLN vẫn chưa tuân thủ “4 quản” theo quy định khi khoán đất rừng, đó là: quản lý đất, quản lý kỹ thuật, quản lý kế hoạch, quản lý sản phẩm.

CTLN Yên Bình đang giao khoán đất theo 2 hình thức: thứ nhất là công ty đầu tư giống, phân bón, kỹ thuật đến kỳ khai thác thu sản phẩm theo tỷ lệ người trồng rừng 50 và CTLN 50; thứ 2 là giao đất cho người dân tự đầu tư trồng rừng, đến khi thu hoạch công ty sẽ thu khoảng 20% - 25% sản phẩm. Nhưng nhiều người lo ngại hình thức thứ 2 phải chăng là phát canh thu tô? Ông Phạm Đăng Hân, Giám đốc CTLN Yên Bình giải thích: “Một số khu vực xa, gần các khu dân cư thì công ty không quản nổi, cũng không thể trồng rừng vì trồng đến đâu dân nhổ cây đến đó nên phải giao cho người dân theo hình thức này chứ không có cách nào khác và hình thức này đã giảm hẳn việc lấn chiếm”.

Cũng với hình thức giao khoán nhưng CTLN Đông Bắc (tỉnh Lạng Sơn) không được người dân xã Tân Thành huyện Hữu Lũng đồng thuận, dẫn đến tranh chấp kéo dài. Chị Bùi Thị Quý, người thôn Cốt Cối xã Tân Thành, bức xúc: “Chi phí công ty bỏ ra cho cây giống và phân bón chưa tới 4 triệu đồng/ha mà bắt chúng tôi nộp 26m3 gỗ đứng/ha (tương đương theo hợp đồng dân hưởng 30% còn CTLN 70%, giá khoảng 600.000 đồng/m3, khoảng 15,6 triệu đồng - PV) là quá cao. Không chỉ người dân, mà chính quyền địa phương cũng cho rằng, mức khoán này không hợp lý”. “Chúng tôi cũng đã kiến nghị giảm định mức khoán xuống còn khoảng 20m3/ha nhưng CTLN Đông Bắc không đồng ý”, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành Lăng Văn Chiến cho hay. Theo ông Chiến, việc giao khoán trên không mang tính hỗ trợ, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương vì định mức khoán cao, thu nhập của người dân chưa thể cải thiện. Về việc này, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, cơ chế khoán mà các lâm trường đang thực hiện có sai lệch, do chỉ mới khoán một chiều, đó là giao đất cho dân để trồng rừng rồi cuối kỳ thu sản phẩm thay vì phải đầu tư quy trình sản xuất hiện đại về cây giống, phân bón, tư vấn kỹ thuật. “Cơ chế khoán này không tạo ra sự bình đẳng giữa các bên và không mang lại hiệu quả trong việc sử dụng hiệu quả đất rừng” - ông Võ nhận định. Theo ông Võ, cần có sự thay đổi về quản lý về đất rừng, tương tự như đất nông nghiệp thay vì giao cho hợp tác xã thì giao cho người dân, hộ gia đình. Nhà nước nên giao thẳng cho người dân chứ không nên thông qua các lâm trường.

Trong khi người dân đang thiếu đất thì việc thu hồi đất tại các LTQD nhằm tạo quỹ đất cho cộng đồng dân tộc thiểu số, người dân vùng sâu, vùng xa vẫn chưa thực hiện bài bản và còn nhiều bất cập. Trong đó, phần lớn diện tích đất rừng mà các CTLN trả hoặc chỉ giao “phần xương” như diện tích đất bị lấn chiếm khó giải quyết, đất ở những vùng sâu, vùng xa và đất núi, đất đá không thể canh tác hoặc không có đường giao thông kết nối… nên chưa thể giải quyết nhu cầu bức bách về đất cho người dân.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích đất tranh chấp giữa các CTLN và người dân địa phương tính đến hết năm 2011 là 75.650ha. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, con số trên chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi” so với thực tế.

Vấn đề đổi mới LTQD đã được các cơ quan chức năng đặt lên bàn “mổ xẻ” rất nhiều lần nhưng đến nay kết quả đạt được không đáng kể. “Điểm” qua những mục tiêu của NQ 28 cho thấy, sau 10 năm triển khai, NQ 28 vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống. Các chuyên gia cho rằng, để NQ 28 đạt được hiệu quả cần phải đổi “chất” trong việc sắp xếp, đổi mới LTQD.

  • GS-TS Đặng Hùng Võ

"Hiện các CTLN đang hoạt động như một tổ chức trung gian, nhận quản lý đất rồi lại giao khoán đất rừng cho hộ gia đình, công nhân, hay người dân tại các địa phương trồng rừng, sau đó thu một phần lợi cho công ty"

HẠNH NHUNG

- Bài 1: 10 năm và sự thay đổi

Tin cùng chuyên mục