Bài 2: Những rừng trà trong mây

Điều thú vị với tôi trên mỗi hành trình tìm về các vùng trà cổ thụ là ở mỗi điểm đến, lại thêm một khám phá không chỉ là phong vị độc đáo liên quan đến cây trà, mà qua đó, tôi được tiếp cận nhiều hơn với một mảng đặc biệt khác liên quan đến văn hóa, phong tục của những chủ nhân vùng trà cổ.
Bài 2: Những rừng trà trong mây

Điều thú vị với tôi trên mỗi hành trình tìm về các vùng trà cổ thụ là ở mỗi điểm đến, lại thêm một khám phá không chỉ là phong vị độc đáo liên quan đến cây trà, mà qua đó, tôi được tiếp cận nhiều hơn với một mảng đặc biệt khác liên quan đến văn hóa, phong tục của những chủ nhân vùng trà cổ.

Rừng trà Tủa Chùa quanh năm cuộn mình trong mây núi. Ảnh NGUYỄN ĐÌNH

Rừng trà Tủa Chùa quanh năm cuộn mình trong mây núi. Ảnh NGUYỄN ĐÌNH

Lễ cúng trà tổ

Chúng tôi đã gặp nét độc đáo ấy trong những ngày sống cùng người Mông ở xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, nơi có vùng trà cổ thụ ở độ cao trên 1.371m so với mực nước biển. Dù đã tìm hiểu nhiều tư liệu về văn hóa trà Việt, nhưng tôi không khỏi ngạc nhiên khi phát hiện ở Suối Giàng có lễ cúng trà, thường diễn ra vào vụ trà đầu tiên của năm mới. Vậy là ở Việt Nam, duy nhất người Mông ở Suối Giàng có nét văn hóa độc đáo này.

Phần việc chuẩn bị cho lễ cúng được thầy cúng và dân bản thực hiện ngay dưới gốc cây trà cổ nhất Suối Giàng, được xác định có tuổi đời hơn 300 năm. Lễ vật cho lễ cúng khá đơn sơ, gồm một con gà trống, đôi chai rượu nấu, cùng một số dụng cụ tre nứa, giấy dán, bùa chú để thầy cúng cùng dân bản dựng bàn thờ dưới gốc cây trà.

Nhân vật quan trọng nhất là vị thầy cúng của bản, đây là người đức độ, tuổi cao, được cộng đồng tín nhiệm, và phải biết tiếng Quan Hỏa - ngôn ngữ cổ của người Mông xưa mà nay không còn mấy người có thể nói được - để thể hiện lời cúng lên thần linh. Người thầy cúng ở Suối Giàng, ông Giàng A Lử cho hay: “Lễ cúng trà tổ nay đã được giản lược rất nhiều. Sau khi lập bàn thờ, tôi sẽ đem các tấm giấy trang trí tượng trưng cho vàng bạc đi hóa vàng và khẩn nguyện lên thần linh, tiếp đến ban rượu cúng và chia lễ vật gồm thịt gà vừa luộc, xôi, để dân bản cùng ăn mừng, chuẩn bị bắt đầu một mùa trà với mong ước bội thu”.

Cả vùng Suối Giàng nay còn hơn 190 hécta trà cổ thụ, hơn 2.400 nhân khẩu của Suối Giàng sống dựa vào rừng trà từ bao đời qua. Lễ cúng trà tổ như một mối dây liên kết hoàn hảo giữa các thế hệ gắn bó cùng cây trà và là nét văn hóa đậm đà bản sắc, góp thêm cho hành trình về vùng trà cổ thụ những nét đẹp mới, như để minh chứng rằng tìm về vùng trà cổ thụ là tìm về cả một vùng văn hóa.

Hương vị thần tiên

Xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La - quê hương của Mỵ và A Phủ trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài - cũng chính là quê hương của giống trà cổ thụ nổi tiếng. Những con dốc khúc khuỷu, thăm thẳm nối từ Bắc Yên lên đỉnh Tà Xùa đưa tôi đến bản Mống Vàng với những nếp nhà đơn sơ, giản dị của người Mông, nơi đang lưu giữ một báu vật của đất trời, được người đời ví von là vị thần tiên của đỉnh núi Tà Xùa, đó chính là những gốc trà đại thụ hàng trăm năm tuổi. Mọc ở độ cao đến hơn 2.000m và được chăm sóc rất cẩn thận, nên các búp trà Tà Xùa tươi mập và phủ đậm tuyết hơn so với tất cả các vùng trà cổ khác mà tôi từng đi qua.

Lễ cúng trà tổ ở Suối Giàng của người Mông

Lễ cúng trà tổ ở Suối Giàng của người Mông

Trà vừa hái được đưa về bản, cho lên chiếc chảo gang trên bếp lửa hồng để làm héo, và qua những bàn tay kinh nghiệm, những búp trà xoăn lại theo từng nhịp vò. Việc sao trà ở Tà Xùa do phụ nữ đảm nhiệm, bắt nguồn từ tổ tiên, bà truyền cho mẹ, rồi mẹ truyền cho con, mối liên kết vững bền ấy từ bao đời qua vẫn không hề mai một.

Ngập trong khói bếp của gia đình chị Sùng Thị Lan với mẻ trà vừa hái đang được sao chế, tôi càng cảm nhận rõ sự gian nan vất vả của những người làm nên hương vị độc đáo trà cổ Tà Xùa. Chỉ với chiếc chảo gang và đôi tay nhỏ bé, sản vật trà Tà Xùa từ mỗi lần sao chảo chỉ là một nhúm nhỏ, chẳng thế mà hương vị độc đáo của giống trà quý hiếm này không dễ để người dưới xuôi có dịp thưởng thức.

Trong gian nhà nhỏ ấm cúng trước cái se lạnh của mây núi Tà Xùa, gia chủ mời chúng tôi hương vị thần tiên của đỉnh Tà Xùa là những búp non vừa sao xong. Trà vừa rót, tôi đã cảm nhận ngay sự khác biệt độc đáo từ hương trà dịu ngọt lan tỏa, màu nước sánh vàng như mật ong mang vị chát nhẹ, hậu ngọt thanh hiếm giống trà nào bì kịp.

Cuộn trong mây núi

Huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên là địa danh cuối cùng trong dải trà cổ thụ kéo dài từ Đông Bắc sang Tây Bắc. Trước hành trình, dù đã tìm hiểu thông tin từ những người làm trà lâu năm, tôi vẫn chưa có được những hình dung sơ lược về vùng trà cổ này.

Khi đến thành phố Điện Biên Phủ, hình ảnh cây trà Tủa Chùa từ tấm pano của một doanh nghiệp khiến tôi ngỡ ngàng, bởi cây trà thân to gần 3 người ôm, cao vút, cành nhánh khỏe khoắn vươn dài nhả đầy búp non xanh mướt, mọc trong vùng núi huyện Tủa Chùa, giáp tỉnh Lai Châu và tỉnh Sơn La.

Bài 2: Những rừng trà trong mây ảnh 3

Những gốc trà cổ thụ trên đỉnh Tà Xùa

 

“Đi qua các vùng trà cổ thụ trên khắp Việt Nam, mỗi điểm đến, mỗi vùng trà lại thêm trong tôi một kỷ niệm đáng nhớ, để khi quay trở lại cuộc sống nhộn nhịp nơi thị thành, nhấp chén trà cổ thụ đem về từ miền cao Đông Bắc, Tây Bắc, cứ ngỡ như đang được trải lòng với báu vật của đất trời - chính là những đọt trà, nơi kết tinh những phong vị hoàn hảo từ non cao xa xôi”.

 

Tôi tìm đến anh Phan Trọng Nhất, người có thâm niên hơn 15 năm làm trà trên Điện Biên, cũng là người duy nhất đang khai thác vùng nguyên liệu trà cổ Tủa Chùa. Đang khấp khởi mừng vì gặp đúng người có thể đưa mình tìm đến vùng trà cổ, tôi cụt hứng với câu trả lời của Nhất: “Lên vùng trà chẳng ai dám chở vì đường đi khó khăn và nguy hiểm lắm, hơn nữa đồng bào dân tộc sống trên vùng trà thấy người lạ lỉnh kỉnh máy ảnh thì cũng rầy rà lắm đấy”.
 
Sau màn thuyết phục của tôi, Nhất hiểu ra hành trình tôi đang theo đuổi và nhiệt tình nhận lời làm người dẫn đường đến vùng trà cổ bằng chiếc xe tải nhỏ, kèm lời dặn dò kỹ lưỡng: “Anh chưa hình dung nổi đường sá xấu đến mức nào đâu. 260km nhưng đi cả ngày may ra mới tới, khi đi phải chuẩn bị lều võng, nồi niêu cơm gạo để ăn ngủ, vì trên vùng ấy chẳng có dịch vụ gì”.

Từ Điện Biên Phủ, chúng tôi khởi hành lên Tủa Chùa với đồ nghề như một chuyến đi rừng dài ngày.

Đường từ Điện Biên Phủ xuống Tuần Giáo thật êm ái, nhưng vào gần đến Huổi Lóng, đường xấu dần, ngập đầy bùn, hậu quả của cơn mưa rừng nặng hạt đêm trước. Xe nằm lại, chờ thông đường lại đi, lại mắc kẹt ở những đoạn sình lầy khác. Đến được vùng trà cổ đầu tiên của Tủa Chùa ở xã Tả Sìn Thàng, trời đã sập tối, nhìn lại, chúng tôi mất 11 giờ đi đường, người lấm lem bùn đất. Một trải nghiệm ngoài sức tưởng tượng.
 
Sớm hôm sau, chúng tôi thuê những chiếc Win để vào vùng trà cổ ở Tả Phình, Sính Phình, Tả Sìn Thàng và Xín Chải, trong đó Tả Sìn Thàng và Xín Chải có khoảng 7.000 cây trà cổ. Rừng trà đẹp nhất vùng là ở bản Hấu Chua, với những thân trà gốc 2 người ôm, mọc sát nhau cao trên chục mét. Đây là vùng trà cổ năng suất cao nhất của Tủa Chùa, nhờ suốt ngày cuộn mình trong mây núi. Cây trà to nhất bản là của ông Hạng A Chư, được chủ nhân cho biết nó đã sống qua 8 đời người.
 
Ở bản Trình cũng thuộc xã Xín Chải là vườn trà của ông Thào A Cùa, với những thân trà cổ thụ một năm hái đến 3, 4 lần, mỗi lần toàn trên 20kg trà tươi. Trong hành trình khám phá những nét đẹp của vùng trà cổ Tủa Chùa, tận hưởng phong vị độc đáo của cây trà cổ, tôi phát hiện điểm mạnh của giống trà Tủa Chùa chính là độ chát đậm, vị ngọt thanh, sắc trà vàng óng như mật ong và pha uống rất được nước.

NGUYỄN ĐÌNH

Bài 3: Lợi ích của trà với sức khỏe

>> Bài 1: Theo dấu trà cổ

Tin cùng chuyên mục