Bài 2: Sáng tạo Việt, nộp thuế... ở nước ngoài

Bên cạnh những ứng dụng tiêu cực thì hàng trăm ngàn nhà phát triển độc lập ở Việt Nam hiện ra sức để đưa những ứng dụng bổ ích của người Việt ra với thế giới. Tuy nhiên, nhiều nhóm phát triển và cá nhân sống bằng nghề viết ứng dụng cho Android, hay Apple... ngồi ở Việt Nam làm việc nhưng lại nộp thuế cho nước ngoài, đang làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách thuế và hỗ trợ phát triển ứng dụng khởi nghiệp (startup).
Bài 2: Sáng tạo Việt, nộp thuế... ở nước ngoài

Báo động nội dung số thiết bị di động

Bên cạnh những ứng dụng tiêu cực thì hàng trăm ngàn nhà phát triển độc lập ở Việt Nam hiện ra sức để đưa những ứng dụng bổ ích của người Việt ra với thế giới. Tuy nhiên, nhiều nhóm phát triển và cá nhân sống bằng nghề viết ứng dụng cho Android, hay Apple... ngồi ở Việt Nam làm việc nhưng lại nộp thuế cho nước ngoài, đang làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách thuế và hỗ trợ phát triển ứng dụng khởi nghiệp (startup).

Một ứng dụng game trên kho của Google do người Việt thiết kế

Kiếm tiền từ công nghệ cao

Đầu tháng 8-2015, nhóm 25 nhà phát triển ứng dụng độc lập từ TPHCM và Hà Nội có cuộc nghỉ dưỡng tham quan hang động ở Quảng Bình. Đó là một nhóm rất trẻ, thông minh, kiếm tiền bằng công nghệ cao, viết các ứng dụng hấp dẫn rồi đưa lên các chợ ứng dụng của Google và Apple store... Chúng tôi được mời tham dự cuộc thảo luận của nhóm này với điều kiện không nêu bất cứ tên dự án hoặc bất cứ tên của ai lên các bài viết hoặc mạng xã hội hay tiết lộ ở bất cứ đâu. Nhóm những bạn trẻ này có thu nhập tính bằng vài ngàn USD đến vài chục ngàn USD mỗi tháng với các ứng dụng của họ trên CH play và App store... H. một người bạn trong nhóm, cho biết: “Ngày trước người ta nghĩ kiếm tiền nhiều là bất động sản, chứng khoán... nhưng nay giới công nghệ xem kiếm tiền với các ứng dụng khởi nghiệp là yếu tố được đề cao nhất. Bởi chỉ cần viết ứng dụng tốt, hấp dẫn, lượt tải về nhiều thì được Google hoặc Apple store trả tiền từ bán các quảng cáo trên ứng dụng mà người dùng tải về máy. Việc kiếm vài ngàn đến vài chục ngàn USD mỗi tháng hiện nằm trong tầm tay của cộng đồng các nhà phát triển ứng dụng độc lập ở Việt Nam”.

Cũng theo H. mỗi ứng dụng đều có hai bản, bản miễn phí và bản bán bản quyền. Bản trả phí mỗi lần tải chỉ từ 21.000 đồng đến hơn 30.000 đồng, nhưng hàng trăm ngàn lượt tải về sẽ được các chợ công nghệ tính toán, chi trả qua tài khoản của ngân hàng quốc tế, gửi về tài khoản Việt Nam. Trả từng tháng, từng quý hay theo mỗi tuần, tùy thuộc vào việc chấp nhận của các chợ công nghệ của những ông lớn. Hiện nhóm của H. viết các ứng dụng cho Google play và chợ của Apple, mỗi người sở hữu ít nhất từ 25 - 30 ứng dụng và hái ra tiền nhờ đặt các quảng cáo của các doanh nghiệp kỹ thuật số. H. cho biết thêm: “Nhóm đang rất băn khoăn khi tiền thuế đều do Google và Apple chiết khấu theo luật pháp Hoa Kỳ. Sở hữu trí tuệ do người Việt, nhưng môi trường chợ ứng dụng đặt máy chủ và hệ sinh thái thuộc bảo hộ luật của Hoa Kỳ, nên các hãng công nghệ trước khi chuyển tiền cho nhà phát triển thì họ đều trừ thuế theo luật liên bang Mỹ”.

Niềm tin đồng hành

Trên thực tế, không chỉ nhóm độc lập của H. đóng thuế ứng dụng của mình cho nước ngoài mà hàng trăm ngàn nhà phát triển ứng dụng độc lập khác cũng tuân theo luật chơi của những ông lớn Google, Apple… Ngoài ra, cũng không ít doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp của Việt Nam cũng đóng thuế cho nước ngoài mà trên các diễn đàn chia sẻ công nghệ, diễn đàn game, diễn đàn hệ sinh thái Android, iOS... đều có thông tin về việc này. Một chuyên gia phát triển độc lập các ứng dụng cho các chợ công nghệ quốc tế đánh giá, thị trường startup Việt Nam đang phát triển vũ bão bởi lực lượng viết ứng dụng không chỉ là các chuyên gia mà còn là học sinh trên ghế nhà trường và sinh viên mảng công nghệ; đặc biệt, sinh viên các ngành khác cũng mày mò tự viết các ứng dụng cũng nhiều không kém.

Ngày 12-8 vừa qua tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì một hội nghị bàn về sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ ngành về khởi nghiệp các doanh nghiệp startup. Tại đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh rằng: “Chính phủ sẽ hết sức ủng hộ, từ vấn đề thuế, thủ tục đầu tư kinh doanh, quỹ đầu tư… dù rằng đó không phải là những vấn đề dễ dàng, phải tìm cách tháo gỡ dần, đừng để chỉ vì chính sách thuế không phù hợp mà nhiều startup, người ngồi ở Việt Nam, ăn cơm Việt… nhưng lại mở công ty ở nước ngoài và đóng thuế cho nước ngoài. Và thậm chí, chính sách phải tạo được sự hấp dẫn, sức hút để người nước ngoài mở công ty tại Việt Nam”.

Năm 2014, Nguyễn Hà Đông nổi tiếng với game Flappy bird đứng số 1 trên Google play và Apple store. Từ đó, các ứng dụng do người Việt viết ra ngày mỗi nhiều với hàng chục ngàn ứng dụng trên nhiều hệ sinh thái mà nổi bật nhất là hai hệ điều hành Android và iOS. Chính vì thế, lần gặp các doanh nghiệp khởi nghiệp bằng các startup ngày 12-8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khích lệ: “Cộng đồng startup với những cá nhân tâm huyết, dám mơ ước, có niềm tin, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước. Đặc biệt là giữa lúc những người giàu có nhất tại Việt Nam chủ yếu đi lên từ bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, thì các startup đang đi lên bằng con đường công nghệ mới”.

Cần đổi mới chính sách thuế

Cộng đồng những nhà phát triển startup hiện nay đông đảo với hàng trăm ngàn nhân công phát triển độc lập. Không ít trong số đó viết các ứng dụng khiêu dâm, 18+ để kiếm tiền bằng mọi cách, nhưng cũng có rất nhiều nhà phát triển có cách nhìn tích cực để khởi nghiệp một cách chân chính và muốn đóng góp đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Ông Nguyễn Văn Hướng, chuyên gia tin học của một cơ quan ở miền Trung cho biết: “Cộng đồng các nhà phát triển ứng dụng độc lập cũng muốn nộp thuế tại Việt Nam, nhưng các chính sách hiện hành chưa rõ ràng, dẫn đến người ta chọn cách nộp thuế một lần thông qua các chợ ứng dụng công nghệ cao. Ví dụ với Google, họ tự động chiết khấu thuế, nhà phát triển không cần ký bất cứ văn bản nào và cũng không cần tiếp xúc với cơ quan thuế cấp nào, tất cả đều qua giao dịch của Google nên tiết kiệm thời gian rất lớn để những nhà phát triển chuyên tâm viết ứng dụng, không phải mất thời gian ngồi chờ khai thuế, hoặc ngồi chờ cán bộ thuế tiếp nhận tờ khai...”.

Trước nhiều khó khăn của việc xây dựng các starup mà pháp luật Việt Nam chưa theo kịp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị Văn phòng Chính phủ lập kênh thông tin trên cổng thông tin điện tử Chính phủ thu nhận các thắc mắc của cộng đồng startup về chính sách phát triển để chuyển đến các bộ ngành liên quan xem xét, xây dựng chính sách hỗ trợ. Trong khi đó, Bộ KH-ĐT đang xây dựng đề án hệ điều hành khởi nghiệp. Hiện còn rất mới mẻ nhưng sẽ được trình Chính phủ trong thời gian tới và có lẽ, về ngắn hạn, các startup Việt sẽ không còn cảnh ăn cơm Việt nộp thuế làm giàu cho nước ngoài mà dành nguồn lực đó đóng góp cho phát triển trong nước.

Minh Phong

- Bài 1: Tạp nham trên chợ ứng dụng

Tin cùng chuyên mục