Việc của dân là việc của mình

Bài 2: Xứ mặn mà nghe ngọt cả lòng

Qua phà Bình Khánh (điểm khởi đầu của huyện Cần Giờ, TPHCM), chừng 10km là tới điểm tập kết của Công ty dịch vụ công ích Thanh niên xung phong (BESCO). Sáng, các đội viên của 5 đội bảo vệ rừng đưa ghe về chân cầu An Nghĩa ngay sát đó để kiểm định. Chừng 5 phút sau, một chiếc xe máy xịch đụi chạy tới, người đàn ông ngồi trên xe máy không trẻ cũng chưa già nhìn chúng tôi chằm chằm. 
Đó là anh Vũ Đức Thắng, Đội trưởng Đội bảo vệ rừng Lôi Giang. Anh nói giọng gốc Bắc, lai cái mặn của Cần Giờ, dẫn chúng tôi bằng xe máy tới chốt đầu tiên cách đó chừng 1km. Nắng gió Cần Giờ thổi phần phật, ông anh chạy trước ầm ào, theo thói quen nhìn dáo dác hai bên rừng đước…
Bài 2: Xứ mặn mà nghe ngọt cả lòng ảnh 1 Anh Vũ Đức Thắng tuần tra bảo vệ rừng
 Anh bảo mình 47 tuổi, 25 năm làm TNXP là gắn với rừng ngập mặn Cần Giờ, lấy vợ là người địa phương, cũng làm ăn buôn bán lặt vặt trong nhà, có hai con, đều còn đi học. Nói tới gia đình, anh khoe là giờ chạy vỏ lãi mất tầm 15-20 phút là về tới nhà vào dịp phép, chứ trước chèo tay thì mất cả ngày mới tới nơi.

Cứ vậy, câu chuyện với người đội trưởng đội bảo vệ rừng phòng hộ Cần Giờ trôi đi êm đềm, dù những câu chuyện anh kể lại lao chao sóng gió.

Những chuyến kích đêm

8km đường nhựa, 2.500m2 rừng ngập mặn Cần Giờ; 1 đội trưởng, 1 đội phó, 11 đội viên và 16 hộ giữ rừng. Nhân sự tầm 29 người mà cáng đáng cả một địa bàn rộng lớn. Anh Thắng kể, mỗi ca kích đêm tầm 2-3 người đi một số điểm, hồi trước còn chèo tay, giờ có vỏ lãi đỡ nhiều rồi. “Nhưng nói thiệt, vỏ lãi của mình có muốn dí mấy người trộm rừng thì chạy gì lại. Bọn họ trang bị kỹ hơn mình nhiều. Ở rừng ngập mặn cũng vậy. Lúc trước họ chạy ghe, mình cũng ghe; rồi họ qua vỏ lãi mình cũng vỏ lãi, nhưng máy móc họ xịn hơn mình, nên nhiều khi cho mình “ngửi nước” là chuyện bình thường. Vấn đề là chặn từ trứng nước, từ lúc họ bắt đầu vung dao lên chặt cây, chứ để họ tẩu tán tang vật, lên xuồng bỏ chạy thì thôi rồi”, anh Thắng kể.

Trên thực tế, để ngăn chặn từ lúc họ “vung dao lên chặt cây”, với nhân sự của đội thì khó kham nổi. Lúc này mới thấy, cái lợi của việc vận động người dân sinh sống quanh và trong rừng, cùng đội chống trộm mới quý làm sao. Có lần, nhóm kích đêm của anh Thắng đụng ngay một nhóm người chặt trộm cây ở rừng ngập mặn. Hồi đó, các anh liên lạc với nhau qua điện đàm sóng ngắn, loại này bọn trộm cũng có và bắt được sóng liên lạc của đội. Vậy là tới điểm A, bọn chúng chạy xuống điểm B; kích tới điểm B, chúng lại tẩu tán xuống điểm C. Ngày nọ, đang kích ở điểm B, anh nhận được điện thoại từ một hộ dân sống trên ghe trong rừng, tiếng được tiếng mất: “Anh, có 4 người đi ghe vô, bắt đầu chặt cây ở điểm A rồi. Tới gấp nha”. Anh cho ghe quay đầu, tới gần điểm A tầm 1km là nghe tiếng chặt cây vang dội, anh liền tắt máy chèo tay. Lần này hốt ổ kịp thời. Bọn trộm không kịp thả gỗ xuống sông phi tang, dụng cụ hành nghề cũng còn trên bờ… 

Không chỉ ở đội Lôi Giang mà ở 4 đội giữ rừng còn ai, anh em cũng phải nhờ vào sự hỗ trợ của người dân để có tin báo, ngăn chặn kịp thời các vụ chặt trộm, phá rừng. Và để có được sự tin tưởng của dân, không đơn giản chỉ là chuyện đưa số điện thoại của mình là xong…

Sống với dân như với người thân

Có lẽ, chỉ có người dân nghèo, không có mảnh đất cắm dùi mới lang bạt trên mấy chiếc ghe máy tới khu rừng ngập mặn Cần Giờ đóng chốt, mưu sinh. Và cũng bởi cái nghèo, mà nhiều người trong số họ, chữ nghĩa cũng bập bẹ, hiểu biết có hạn, nhiều khi biết sai nhưng vì miếng cơm manh áo cứ làm tới. Anh Thắng và đồng đội mình hiểu cái khó của người dân nơi khác tới mưu sinh nơi đất mặn nên phải có cách thuyết phục họ sao để hiểu được cái đúng cái sai và hỗ trợ đội hết mình trong việc bảo vệ chính môi trường mà họ đang sống.

Chỉ tay về khu rừng đước ngập mặn, anh Thắng kể: “Họ nghèo, kiếm sống bằng nghề cào ghe điện. Sai quá đi chứ. Làm vầy thì tài nguyên con tôm con cá cạn kiệt hết, rồi bà con chung quanh lấy gì mà sống. Nhưng nếu cứ bắt rồi giao cho lực lượng chức năng xử phạt, chắc chắn họ sẽ tái phạm vì đói quá làm liều, mấy ai nghĩ chuyện lợi hại. Vậy là rỉ rả tâm sự cho họ hiểu thôi. Nói thiệt, ngày nào cũng gặp cái ông áo xanh tràm vô lải nhải miết về việc giữ rừng, giữ tài nguyên, nghe riết họ cũng chán, nhưng chán cũng vẫn phải nghe, và nghe hoài cũng thấm. Mình phải phân tích cho họ đừng vì cái lợi trước mắt mà hại cái lâu dài, anh phá hết - hốt hết, lấy gì cho con anh lớn, lấy gì cho hàng xóm chữa bệnh. Rồi họ nghe, bám trụ lại mảnh đất này cùng hỗ trợ tụi tui giữ rừng. Những tin báo ban đêm, phần lớn do chính những người dân tứ xứ đến đây báo tin đó chứ”. 

Nhưng để giải quyết vấn đề, đâu phải chỉ có nói, mà phải làm, làm tới, làm thiệt tình thì dân họ mới tin. Vợ chồng anh Bùi Công Trinh, Nguyễn Thị Ngọc Lài cùng hai con nhỏ sống ở rừng nhiều năm. Chị Lài kể, cuộc sống của gia đình anh chị cũng khó khăn, may mà được anh Thắng và các anh em trong Đội Bảo vệ rừng đội Lôi Giang thường xuyên động viên, giúp đỡ. “Từ nhà tui đến chợ rất xa, đi ghe cũng mấy cây số, lại nhiều lúc bận canh tác, không đi chợ được. Anh Thắng và mấy anh trong đội tốt dữ lắm, thường chạy lui chạy tới phụ công chuyện gia đình hay giúp nhà tôi ghé chợ mua sữa, quần áo, gạo thóc... Không chỉ riêng nhà tôi, các anh cũng hay giúp đỡ những nhà khác như vậy. Nhà tôi biết ơn các anh nhiều, nhờ các anh mà cuộc sống, công việc mần ăn ổn định. Bởi vậy, khi thấy có người chặt phá rừng, vợ chồng tôi báo cho mấy ảnh hay tin”.

Anh Thắng tự tin “khoe”, khi đi tuần tra, lỡ không về kịp đội ăn trưa ăn tối, cứ ghé đại một hộ dân nào đó là xin được ngay chén cơm nguội, miếng khô cá lót dạ. “Bởi cái mặt mình quen thân quá mà, rảnh rảnh hay tạt qua nói chuyện uống nước trà; rồi rảnh hơn là đi đổi bình sạc hay mua cái này cái kia giúp mấy hộ dân. Anh em trong đội cũng thường bảo nhau là để làm tốt việc bảo vệ rừng thì quan trọng hàng đầu là làm sao để dân tin, hỗ trợ mình tin tức hay bảo vệ từng gốc cây, con tôm con cá ở đây. Muốn vậy thì nhào vô giúp dân thiệt tình. Chứ khơi khơi, nói ai nghe”, anh Thắng tâm sự. 

Giữ cho rừng mãi xanh là tâm niệm của tất cả những TNXP đang làm nhiệm vụ tại Cần Giờ, trong đó có anh Vũ Đức Thắng. Gắn bó với Cần Giờ 25 năm qua, có lẽ là vì “vùng đất “xứ mặn mà nghe ngọt cả lòng” bởi tình đồng chí, đồng đội, tình nghĩa với người dân đã giữ chân anh đến bây giờ.
Trong câu chuyện của anh ngay tại chốt kiểm tra, điều khiến anh lo lắng nhất vẫn là chuyện cải thiện thu nhập cho anh em giữ rừng. Anh nói vui, tháng nào đồng lương gần 4 triệu bạc của anh mà gánh thêm một đến hai đám cưới người quen là khóc ròng. Còn con cái tuổi ăn tuổi học và khối thứ phải lo hàng tháng bên cạnh chuyện giữ rừng, chuyện vận động nhân dân. Xong, anh lại vui vẻ kể về sáng kiến “tăng gia sản xuất” tận dụng ao có sẵn ngay gần các điểm chốt, tổ chức nuôi cua để tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân viên (mua cua ốp, cua lột nuôi sau 20 ngày thành cua chắc, cua thịt). Sáng kiến của anh được công ty đang áp dụng nhân rộng mô hình tại khu vực giáp ranh đội. 

Tin cùng chuyên mục