Gắn kết để cùng phát triển là nhu cầu thiết thực cho sự phát triển của các quốc gia trong cùng một khu vực. Nhu cầu đó lại càng lớn mạnh hơn khi yếu tố ngoại lực - khủng hoảng kinh tế, tài chính - đang tác động mạnh mẽ lên từng quốc gia. Vì thế, gắn kết để tạo sự đồng thuận và xây dựng một khu vực tự do thương mại trở thành xu hướng chung.
Làn sóng “Khu vực tự do thương mại”
Trong bối cảnh các nước châu Á đang gồng mình khôi phục nền kinh tế và tiếp tục nỗ lực để thực sự thoát khỏi khủng hoảng kinh tế thì nhu cầu cấp thiết mà những quốc gia này đưa lên hàng đầu chính là tích cực mở rộng thị trường khu vực. Đây được xem là làn sóng lớn khi số hiệp định thương mại tự do (FTA) ký kết giữa các quốc gia châu Á đã tăng từ 3 hiệp định (năm 2000) nay đã lên đến 56 hiệp định.
Nỗi lo sợ người tiêu dùng Mỹ sẽ tiếp tục thắt lưng buộc bụng trong một thời gian dài nữa đã buộc các nhà hoạch định chính sách châu Á phải chuyển sang xem Trung Quốc, Ấn Độ và các nước láng giềng khác là khách hàng cho hàng xuất khẩu của mình. Khi mạng lưới sản xuất châu Á đan quyện vào nhau và khi các khách hàng châu Á trở nên giàu có hơn, tự do thương mại khu vực trở nên hết sức cần thiết cho sự phát triển kinh tế trong tương lai.
Buôn bán nội vùng giữa các nước trong khu vực năm 2009 đã chiếm tỷ lệ 57% trong tổng khối lượng thương mại của châu Á. Các hiệp định thương mại tự do sẽ giúp khu vực châu Á giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ vì các công ty khu vực này được hưởng ưu đãi khi bán hàng cho các công ty và các khách hàng ở châu Á. Trong khi đó, nhà lãnh đạo lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) Mã Anh Cửu đặt ưu tiên trong chính sách của mình là đạt được một khung hợp tác kinh tế toàn diện nhằm làm cho hàng hóa Đài Loan nhập vào thị trường Trung Quốc được hưởng mức thuế thấp.
Khủng hoảng kinh tế khiến số lao động thất nghiệp tăng cao trên khắp thế giới, các chính phủ đã tập trung nhiều vào việc bảo vệ các nền công nghiệp nước nhà như tại Mỹ, quốc gia luôn ủng hộ mạnh mẽ cho thị trường mở, cũng đã đưa điều khoản “Mua hàng Mỹ” vào gói kích cầu và trợ giúp cho nền công nghiệp xe hơi đang trong cơn “thập tử nhất sinh”. Mới đây nhất, Mỹ đã không ngần ngại áp thuế “trừng phạt” cao ngất lên các mặt hàng ống thép (mức thuế từ 2%-438%, từ 43%-289% đối với sản phẩm lưới thép mắt cáo) và vỏ xe hơi nhập khẩu từ Trung Quốc (35% trong năm đầu, 30% trong năm thứ hai và 25% trong năm thứ ba).
Kỳ vọng
Khu vực tự do thương mại ASEAN - Trung Quốc sẽ là khu vực mậu dịch tự do lớn nhất trên thế giới, là đối trọng với thị trường Liên minh châu Âu (EU) và thị trường Bắc Mỹ (NAFTA). Ngày 1-1-2010, hiệp định thương mại tự do giữa Trung Quốc và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bắt đầu có hiệu lực. Ngay sau đó, một thỏa thuận tương tự cũng đã được ký kết giữa ASEAN và Australia-New Zealand ngày 3-1. Có thể nói, giấc mộng về một khu vực châu Á tự do thương mại lớn mạnh với trung tâm là ASEAN đến nay đã phần nào trở thành hiện thực.
Báo chí Trung Quốc xuất hiện hàng loạt tin để hưởng ứng sự kiện này với hy vọng hiệp định tự do thương mại sẽ mở ra cho Trung Quốc con đường tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn nguyên liệu thô từ các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng như mở ra một thị trường mới lớn mạnh hơn thay thế cho những bạn hàng lâu năm của Trung Quốc là Mỹ và các quốc gia châu Âu.
Xét về tổng thể, ACFTA hứa hẹn tạo thuận lợi hơn cho giao dịch thương mại hàng hóa, dịch vụ trong khu vực và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.
Theo Hiệp định mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc, 6 nước thành viên ASEAN gồm: Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan sẽ giảm 90% thuế hàng hóa và đầu tư hàng hóa với tất cả các mặt hàng. Tuy nhiên, với 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar, việc cắt giảm thuế sẽ được áp dụng vào năm 2015.
Về phương diện văn bản và quy mô, ACFTA có hiệu lực được đánh giá không thua kém gì so với các hiệp định tương tự của Liên minh châu Âu (EU) hay Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Hiệp định này được kỳ vọng khá cao bởi những lợi thế cạnh tranh của nó sẽ góp phần làm thay đổi bức tranh toàn cảnh hoạt động kinh doanh và công nghiệp của một khu vực rộng lớn, trải dài trên diện tích 13 triệu km2 và lớn nhất thế giới về dân số (1,9 tỷ người).
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và khu vực đang nỗ lực gượng dậy từ sau cuộc khủng kinh tế - tài chính kéo dài, sự kiện ACFTA đi vào hoạt động còn góp phần giúp hai bên bớt phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu bên ngoài, tạo ra nhiều cơ hội thúc đẩy trao đổi thương mại. Đây được đánh giá ban đầu là đòn bẩy thúc đẩy thương mại khu vực, hội nhập kinh tế trong vùng diễn ra nhanh hơn. Ngoài ra, đây cũng là một trong những giải pháp nhằm chống lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch dưới mọi hình thức.
Đối với Trung Quốc, việc dỡ bỏ thuế quan hơn 90% mặt hàng theo quy định của ACFTA sẽ giúp nước này bù đắp sự sụt giảm xuất khẩu sang thị trường Mỹ kể từ khi xảy ra khủng hoảng đến nay. Đây là cơ sở để các chuyên gia kinh tế đưa ra dự báo trao đổi thương mại Trung Quốc - ASEAN sẽ tăng lên mức kỷ lục vào năm 2010, khoảng 200 tỷ USD so với mức 100 tỷ USD của năm 2005. Việc khai thác tốt ACFTA được cho là yếu tố không nhỏ giúp Trung Quốc dần chinh phục vị trí nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới trong thời gian ngắn.
Vì thế, Trung Quốc xem đây là cơ hội thực sự lớn cần phải nắm bắt và thúc đẩy phát triển. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là liệu Hiệp định tự do thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN có thực sự mang lại những tác động tốt cho thương mại khu vực hay đây chỉ là một sự phát triển về bề rộng mà thiếu chú trọng đến chiều sâu?
ASEAN và các hiệp định tự do thương mại
Với các nước ASEAN, hiệp định tự do thương mại mang tới “một dấu hiệu mạnh mẽ” cho thấy khu vực Đông Nam Á đã và đang thực sự thực hiện việc mở cửa thị trường khu vực. Hiệp định Thương mại tự do (FTA) ASEAN - Hàn Quốc bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-6-2007. Theo đó, Hàn Quốc miễn thuế 7.991 mặt hàng trong tổng số 12.063 mặt hàng được miễn giảm thuế, trong khi các nước ASEAN giảm thuế còn từ 0%-5% đối với 45% danh mục mặt hàng.
Đối với Việt Nam, nhiều mặt hàng nông sản, trong đó có cà phê, trái cây nhiệt đới, gạo có cơ hội thâm nhập thị trường Hàn Quốc. Phụ tùng ôtô, vải sợi, da nhân tạo, hóa mỹ phẩm, giấy, xe máy, văn phòng phẩm, hàng gia dụng xuất xứ Hàn Quốc có cơ hội cạnh tranh nhiều hơn do được hưởng mức thuế ưu đãi. ASEAN là bạn hàng lớn thứ năm của Hàn Quốc với kim ngạch thương mại 53,5 tỷ USD năm 2005, chiếm khoảng 9,8% tổng kim ngạch thương mại của Hàn Quốc.
Trong khi đó, Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Nhật Bản và ASEAN chính thức có hiệu lực từ ngày 1-12-2008. Theo thỏa thuận, Nhật Bản sẽ miễn thuế đối với 93% hàng hóa nhập khẩu từ ASEAN trong vòng 10 năm thỏa thuận có hiệu lực. Trong khi đó, 6 thành viên ASEAN là Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan sẽ miễn thuế đối với 90% hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản trong vòng 10 năm. Lộ trình miễn giảm thuế sẽ được thực hiện muộn hơn đối với 4 thành viên ASEAN là Myanmar, Campuchia, Lào và Việt Nam.
Ngày 13-8-2009, Ấn Độ và 10 nước thành viên ASEAN đã ký kết hiệp định thương mại tự do sau 6 năm đàm phán, mở đường cho sự gia tăng giao lưu thương mại giữa hai bên. Hiệp định sẽ làm giảm thuế suất nhập khẩu hàng loạt sản phẩm hàng hóa, từ điện tử, hóa chất, máy móc, hàng dệt may - hiện chiếm khoảng 80% khối lượng thương mại giữa ASEAN và Ấn Độ (không bao gồm phần mềm và công nghệ thông tin).
Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Ấn Độ có hiệu lực từ ngày 1-1-2010, và thuế suất các mặt hàng điều chỉnh bởi hiệp định này sẽ giảm xuống 0% trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến 2016. ASEAN là bạn hàng lớn thứ tư của Ấn Độ, sau Liên hiệp châu Âu, Mỹ và Trung Quốc. Kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Ấn Độ và ASEAN đạt 47 tỷ USD vào năm ngoái.
Một điểm đặc biệt của hiệp định này là Ấn Độ được quyền bảo vệ ngành nông nghiệp bằng cách đặt ra ngoài danh mục giảm thuế 489 loại sản phẩm, chủ yếu là nông sản phẩm, kể cả cao su. Thuế suất các mặt hàng được coi là “nhạy cảm cao” như dầu cọ và cà phê sẽ được giảm dần trong vòng 10 năm, nhưng mức giảm rất khiêm tốn.
Quan hệ thương mại Trung Quốc - ASEAN đã tăng mạnh trong thập kỷ qua. Theo số liệu thống kê chính thức, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN đã đạt gần 250 tỷ USD trong năm 2008, so với mức 19,5 tỷ USD của năm 1995. Đặc biệt trong 4 năm qua, hoạt động thương mại đã tăng gấp đôi với việc ký kết các thỏa thuận về trao đổi hàng hóa, dịch dụ và một hiệp ước về khuyến khích đầu tư liên khu vực. Theo Phó Tổng thư ký ASEAN Sundram Pushpanathan, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của ASEAN, sau Nhật Bản và châu Âu. Ông dự báo trong vài năm tới, Trung Quốc sẽ trở thành đối tác số một của khu vực này. Trong khi đó, nhà kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Jayant Menon, cho rằng Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Trung Quốc và ASEAN sẽ là “bàn đạp” để cộng đồng châu Á vốn đa dạng, hội nhập hơn nữa và có thể dẫn tới một hiệp ước thương mại đa phương quy mô lớn hơn trên toàn khu vực. (Theo website Chính phủ) |
THIÊN NHƯ (tổng hợp từ THX, The Times, Economist)
Thông tin liên quan:
>> Bài 2: ACFTA: Cơ hội lớn – thách thức không nhỏ
>> Bài 1: Sức mạnh kinh tế mới từ châu Á