Vì sao doanh nghiệp tư nhân chậm lớn?

BÀI 3: Cải cách thực sự môi trường kinh doanh

 Để đạt được mục tiêu hiện thực hóa mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, cần cải cách thực sự môi trường kinh doanh.
Sản xuất tại Công ty Bitis Ảnh: CAO THĂNG
Sản xuất tại Công ty Bitis Ảnh: CAO THĂNG
Hội nghị Trung ương 5 khóa 12 đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, với mục tiêu kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây sẽ là nền tảng quan trọng hiện thực hóa mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp (DN) vào năm 2020. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần cải cách thực sự môi trường kinh doanh.

Nâng sức cạnh tranh của DN

Năm 2016, lần đầu tiên nước ta có trên 110.000 DN thành lập trong một năm, với số vốn đăng ký 891.094 tỷ đồng, tăng 48,1% so với năm 2015. Số lượng DN đăng ký thành lập tăng kỷ lục đã trở thành điểm nổi bật của kinh tế năm 2016. Bất chấp những khó khăn, số lượng các DN tư nhân vẫn phát triển mạnh mẽ.

Quy mô của DN mới thành lập cũng có sự cải thiện so với giai đoạn trước đó. Số vốn đăng ký bình quân trên một DN trong năm 2016 đạt 8,1 tỷ đồng, tăng 27,5% so với năm 2015. Trong đó, mức tăng vốn bình quân cao nhất là nhóm công ty cổ phần, với mức tăng 38,9%. Đây cũng là nhóm DN có mức vốn đăng ký thành lập cao nhất, chiếm 42,2% tổng vốn đăng ký trong năm.

Theo tính toán, khu vực kinh tế tư nhân hiện chiếm gần 40% GDP cả nước. Tuy nhiên, xét về năng suất lao động, khu vực kinh tế này có xu hướng tăng rất ít và thấp hơn nhiều so với mức chung của cả nước (chỉ xấp xỉ bằng 50%), thấp hơn nhiều khu vực nhà nước (chỉ bằng 1/6) và chỉ bằng gần 1/9 khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Có không ít nguyên nhân khách quan cản ngại sự lớn mạnh của các DN tư nhân, tuy nhiên, tự thân các DN cũng đang làm khó chính mình vì thiếu sự nhạy bén, đầu tư thỏa đáng cho các sản phẩm chủ lực hoặc không có định hướng phát triển rõ nét…

Giám đốc một DN kể với chúng tôi, trong phong trào khởi nghiệp, gia đình ông cũng có ít nhất vài người đăng ký thành lập DN. Nhưng khi ông hỏi làm thế nào để xoay ra vốn, công nghệ, thị trường và cả nguồn nhân lực thì họ rất lúng túng, ngay cả ngoại ngữ giao tiếp bình thường cũng không đạt yêu cầu. Như vậy, mục tiêu lập DN chỉ để được kiếm ít tiền, coi như tự trả lương cho mình, thêm chức giám đốc cho vui!

Theo ông Cao Tiến Vị, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn, hội nhập kinh tế là xu hướng tất yếu, nên chỉ còn một con đường duy nhất là đưa sức cạnh tranh của DN lên tầm khu vực mới có thể phát triển bền vững. Để đạt được mục tiêu đó, bản thân mỗi công ty phải thực hiện 2 việc chính là củng cố nội lực và tăng trưởng thị phần, trong đó yếu tố con người là quyết định. Những năm gần đây, Giấy Sài Gòn đã đầu tư mạnh cho nguồn nhân lực, chuẩn hóa hệ thống, thể hiện ở tăng hiệu suất hoạt động gấp 2 lần. Số nhân viên giảm 30%, chi phí giảm sâu trong khi doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh đã đưa Giấy Sài Gòn cạnh tranh ngang ngửa với các DN FDI ngành giấy lớn tại Việt Nam. Ông Lý Ngọc Minh, Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Minh Long 1, cũng cho rằng, hơn 45 năm hình thành và phát triển là chừng đó thời gian Minh Long không ngừng tìm tòi, sáng tạo để đưa ra những sản phẩm ưu việt nhất cho thị trường. Đây cũng là một trong những DN thành công cả ở thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Thực tế chứng minh, DN phải luôn sáng tạo, sản phẩm phải có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và có tính cạnh tranh cao trên thị trường mới có thể lớn nhanh và mạnh.

“Chặt đứt” mối quan hệ thân hữu

Bàn về hướng phát triển bền vững cho các DN, nhiều ý kiến cho rằng tự thân các DN nếu không có sự liên kết, chắc chắn sẽ không thể cạnh tranh và phát triển. 
Ông Trương Trọng Nghĩa, chuyên gia kinh tế, cho rằng sự liên kết phải đặt trong mối quan hệ sâu rộng hơn, đó là liên kết giữa Nhà nước với DN, giữa DN với DN, giữa DN với người tiêu dùng… Trong đó, Nhà nước cần đảm bảo sự công bằng, làm tốt vai trò thuyền trưởng, dẫn dắt các DN trong hợp tác quốc tế, phải có đội ngũ làm công tác hành chính trong sạch, không nhũng nhiễu DN. Nhà nước cần chặt đứt quan hệ thân hữu, sự phân phối nguồn lực không cân bằng. Còn các DN có trách nhiệm cùng nhau lành mạnh hóa môi trường đầu tư, có tiếng nói chung trong đối thoại về chính sách với Nhà nước, cũng như có cơ chế để liên kết trong sản xuất, kinh doanh. Trong quá trình đó, DN phải tuân thủ theo 3 quy tắc: sự tự tôn dân tộc, đạo đức kinh doanh, tôn trọng pháp luật. Theo ông Nghĩa, liên kết không chỉ là kết nối, mà phải tương tác với nhau, sáp nhập và hội nhập. Cạnh tranh cũng là liên kết, cạnh tranh lành mạnh sẽ tạo ra liên kết lành mạnh để tạo ra sự phát triển. 

Cùng quan điểm trên, ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm WTO TPHCM, cũng cho rằng cải thiện năng lực cạnh tranh của DN là yếu tố quyết định thành công của hội nhập. Bên cạnh nỗ lực của các DN, sự hỗ trợ của Nhà nước là không thể thiếu. Có 3 vấn đề chính quyền cần quan tâm khi hỗ trợ các DN: Thứ nhất, hoạt động hỗ trợ phải xuất phát từ nhu cầu thực của các DN và đảm bảo đến được DN. Muốn vậy, phải thoát khỏi tư duy bảo trợ từ phía Nhà nước, mà hãy chuyển giao hoạt động hỗ trợ cho các hội ngành nghề, sát với DN nhất. Các chính sách hỗ trợ khi xây dựng cần phải có đủ 3 thành phần tham dự là cơ quan chức năng, chuyên gia và DN chịu ảnh hưởng. Thứ hai, hỗ trợ kèm theo các điều kiện để DN tự vươn lên và lớn mạnh, thoát khỏi bảo trợ của Nhà nước, chứ không thể dựa dẫm trong ngắn hạn. Thứ ba, hỗ trợ lớn nhất của Nhà nước chính là cải thiện thực sự môi trường kinh doanh và đầu tư. Trong đó, sự đồng hành giữa chính quyền và DN phải là thực chất. Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ là một tín hiệu tốt, nhưng cần làm mạnh mẽ hơn nữa ở các địa phương, nơi chủ yếu tạo ra môi trường kinh doanh của các DN.

Tin cùng chuyên mục