Giảm nghèo bền vững là mục tiêu quan trọng trong chiến lược “tam nông” nhằm hiện đại hóa khu vực nông thôn, cải thiện đời sống nông dân, giúp người dân có cuộc sống ổn định, đủ điều kiện vươn lên hội nhập. Do vậy, việc xây dựng một khung giảm nghèo chung để tránh trùng lắp về nội dung, liên thông và đồng bộ hóa các giải pháp là đòi hỏi của tình thế mới.
- Thời kỳ mới cần chính sách mới
Hiện nay, Bộ LĐTB-XH đang phối hợp cùng với các bộ, ngành liên quan triển khai dự thảo nghị quyết của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2015. Trong đó, mục tiêu tổng quát giảm nghèo bền vững phải thể hiện toàn diện mọi mặt công tác giảm nghèo, bảo đảm về ăn, mặc, ở, chữa bệnh, học hành, cơ sở hạ tầng…
Xác định nhóm đối tượng nào cần ưu tiên trước để triển khai thực hiện. Đây là lần đầu tiên các ngành nhất trí việc xây dựng một chương trình giảm nghèo chung để tránh trùng lắp về nội dung với các dự án, chính sách giảm nghèo hiện có và không để sót về đối tượng; ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư cho các nhóm đối tượng, địa bàn nghèo nhất; khuyến khích tính chủ động vươn lên của các địa phương, người nghèo.
Theo bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH, thời gian qua, chương trình giảm nghèo đang thiếu một “nhạc trưởng”. Bà Mai đề nghị Bộ LĐTB-XH phân tích 2 loại nghèo: nghèo kinh niên và nghèo tạm thời. Với nghèo kinh niên phải có chính sách riêng hoặc chuyển qua nhóm bảo trợ xã hội. Nhóm nghèo tạm thời có thể tác động bằng các chính sách giảm nghèo. “Việc xây dựng chính sách giảm nghèo sắp tới, chuẩn nghèo chỉ là mức sàn, còn lại giao cho địa phương tự quyết định. Như vậy giảm nghèo sẽ đi vào thực chất hơn”, bà Mai nói.
Đề xuất ý tưởng giảm nghèo ở cách tiếp cận chung nhất, các chuyên gia cho rằng, không thể giúp người nghèo thoát nghèo bằng cách tặng nhà, tặng phương tiện sống... Đây là cách xóa nghèo nhanh nhưng chỉ tức thời, không bền vững. Muốn xóa nghèo bền vững, cơ quan chức năng cần phải cấp cho người nghèo một phương thức phát triển mới mà tự họ không thể tiếp cận và duy trì. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ, ngăn ngừa, loại trừ các yếu tố gây rủi ro chứ không chỉ nỗ lực khắc phục hậu quả sau rủi ro. Đặc biệt, sự hỗ trợ giảm nghèo này phải được xác lập trên nguyên tắc ưu tiên cho các vùng có khả năng, điều kiện thoát nghèo nhanh và có thể lan tỏa sang các vùng lân cận.
Theo UNDP, sở dĩ những năm qua tỷ lệ người nghèo vẫn cao là do các chương trình, chính sách giảm nghèo của Việt Nam còn rời rạc và phân mảng. Nguyên nhân do Việt Nam đang triển khai quá nhiều chương trình giảm nghèo dẫn đến sự chồng chéo giữa các chính sách giảm nghèo. Nhìn chung, để giảm nghèo bền vững, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia về kinh tế - xã hội, lao động - việc làm đều cho rằng, cần hỗ trợ phát triển hạ tầng, hỗ trợ nghề cũng như các điều kiện tiếp cận cơ hội phát triển kinh tế dựa vào cộng đồng.
Do vậy, chương trình khung về giảm nghèo sắp tới cần xây dựng theo hướng giảm nghèo bền vững, trong đó xác định chính sách sàn và chính sách đặc thù. Làm thế nào để người nghèo ở đâu cũng được hưởng chính sách giảm nghèo chung (chính sách sàn). Tùy điều kiện từng địa phương, có thể nâng mức chuẩn nghèo để đời sống của người nghèo được cải thiện hơn. Chương trình chung của Chính phủ sẽ chỉ tập trung ưu tiên cho các địa phương khó khăn hơn. Chương trình này tách bạch các nhóm đối tượng: nhóm đối tượng được tạo sinh kế, thực hiện theo giải pháp giảm nghèo; nhóm đối tượng “nghèo kinh niên” được thực hiện bảo trợ xã hội. Việc phân nhóm đối tượng như vậy để đảm bảo tính minh bạch trong tổ chức thực hiện.
- Bức bách giải quyết việc làm nông thôn
Giảm nghèo gắn với tạo việc làm được các nhà quản lý đề cập nhiều nhất và đánh giá là một trong những giải pháp khả thi. Nhóm người nghèo phần lớn thuộc khu vực nông nghiệp, nông thôn. Khi tạo cơ hội giúp họ tiếp cận với lĩnh vực phi nông nghiệp, khả năng thoát nghèo rất lớn. Song phần lớn người nghèo không có được cơ hội đó bởi hiện chính sách đào tạo nghề và chuyển đổi sản xuất cho khu vực nông thôn vẫn chưa thật sự hiệu quả. Như vậy, ngoài chương trình chung về giảm nghèo, trong quá trình triển khai Nghị quyết 26 Trung ương về tam nông, liên thông các giải pháp ở cấp cơ sở là việc rất cần thiết, nhằm giải quyết vấn đề lao động nông thôn và công ăn việc làm cho nông dân.
Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, đây là vấn đề khó bởi phần lớn nông dân có trình độ học vấn thấp, khó tiếp thu các kỹ thuật và phương thức sản xuất hiện đại. Thời gian qua, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được chú ý nhưng hiệu quả không cao do đào tạo đại trà, thiếu gắn kết với đặc điểm kinh tế - xã hội vùng miền. Mấu chốt của vấn đề này hiện nay là bên cạnh chương trình đào tạo 1 triệu lao động nông thôn, cần phát triển và xây dựng doanh nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, trên thực tế, số doanh nghiệp tính trên đầu người ở khu vực nông thôn còn thấp.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTB-XH) cho biết: Để đào tạo nghề có hiệu quả, gắn với giải quyết việc làm và giảm nghèo cho lao động nông thôn, trước tiên phải xác định được nhu cầu học nghề của lao động nông thôn ở từng vùng, miền và theo từng nghề cũng như cấp độ đào tạo. Nếu không nắm rõ nhu cầu sẽ dẫn tới tình trạng “cái cần không dạy, cái không cần lại dạy”.
Giảm nghèo - muốn đạt kết quả tốt và bền vững - chắc chắn phải được tiến hành đồng bộ với các chương trình phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương. Do đó, Ban chỉ đạo giảm nghèo ở các địa phương cần có kế hoạch cụ thể, đảm bảo phối hợp được các cơ quan và nguồn lực cho chương trình giảm nghèo của địa phương mình. Ban chỉ đạo cần phân công, giao lĩnh vực cho các thành viên thật cụ thể, từ đó họ huy động và sử dụng cả bộ máy vào cuộc
TRẦN MINH TRƯỜNG
Các bài đã đăng:
>> Giảm nghèo – hướng tới bền vững - Bài 1: Kỳ tích thoát nghèo
>> Giảm nghèo – hướng tới bền vững. Bài 2: Đối mặt thách thức mới