Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước TPHCM
Chưa bao giờ hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trở nên sôi động như hiện nay. Hàng loạt “ông lớn” như Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và sắp tới sẽ là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines)… tiến hành IPO (chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng). Thế nhưng, thấy gì qua các phiên đấu giá? Chúng ta có đạt được mục đích “lột xác” doanh nghiệp (DN) hay chỉ là thay “vỏ bọc” cho DN; các DNNN bán cổ phần cho nhau khiến nguồn vốn chạy lòng vòng, chuyển từ tay này sang tay kia…
Sau cổ phần hóa, Vietnam Airlines có nâng chất?
Bán, nhưng không muốn buông!
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, từ đầu năm 2014 đến nay, thông qua các hoạt động đấu giá cổ phần, Nhà nước đã thu về khoảng 7.000 tỷ đồng. Đương nhiên, góp phần to lớn vẫn là các vụ IPO của các tổng công ty lớn. Đáng kể nhất là vụ IPO của Vietnam Airlines vào ngày 14-11 vừa qua, thu về gần 1.100 tỷ đồng. Trước đó là phiên đấu giá của Vinatex thu về hơn 1.200 tỷ đồng.
Thế nhưng, số tiền thu về lớn là vì công ty có vốn lớn, chứ không phải do DN được đánh giá cao trên thị trường. Nếu lấy giá cổ phiếu để đánh giá DN thì cần phải nhìn nhận lại hiệu quả hoạt động của các DNNN qua giá đấu. Cụ thể, một DN mang tầm cỡ quốc gia, giữ nguồn vốn Nhà nước hơn 14.000 tỷ đồng như Vietnam Airlines mà giá mỗi cổ phiếu trung bình bán ra chỉ được 22.307 đồng. Trong khi đó, rất nhiều DN nhỏ có vốn vài chục tỷ đồng nhưng cổ phiếu trên sàn giao dịch cao hơn gấp mấy lần. Mặc dù, Vietnam Airlines có mức đấu giá cao nhất lên đến 223.000 đồng/cổ phiếu, cao gấp 10 lần giá khởi điểm, thế nhưng, đối với các chuyên gia, đấy chỉ là “xảo thuật”. Theo phân tích, giá khởi điểm là 22.300 đồng/cổ phiếu, mức đấu giá cao nhất gấp 10 lần nhưng cuối cùng giá bình quân chỉ 22.307 đồng/cổ phiếu - chỉ cao hơn 7 đồng/cổ phiếu so với giá khởi điểm. Như vậy, có nghĩa là cổ phiếu có giá cao kia chỉ bán được khoảng 1.500 cổ phiếu. Tương tự, Vinatex IPO với giá khởi điểm 11.000 đồng/cổ phiếu nhưng hầu như chỉ bán bằng với giá khởi điểm, chỉ một lệnh mua với giá 12.000 đồng/cổ phiếu với khối lượng giao dịch chỉ 200 cổ phiếu. Nếu so sánh với các DN ngành dệt may trên thị trường chứng khoán thì cổ phiếu của Tập đoàn Dệt may bị đánh giá quá thấp - mặc dù Vinatex nắm giữ đến 5.000 tỷ đồng vốn Nhà nước. Chẳng hạn, Công ty SX TM May Sài Gòn (GMC) vốn điều lệ chỉ hơn 100 tỷ đồng nhưng giá cổ phiếu giao dịch trên sàn hiện nay là 36.000 đồng/cổ phiếu; Công ty CP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công có vốn điều lệ chỉ 450 tỷ đồng nhưng giá giao dịch trên sàn là 36.000 đồng/cổ phiếu…
Điều đó cho thấy, giá trị DN được đánh giá qua hiệu suất lợi nhuận, chứ chẳng nhà đầu tư nào quan tâm đến “bề thế” của DN. Bởi trong thời kỳ mở cửa theo cam kết WTO thì mọi DN bình đẳng với nhau hơn trên thị trường. Bộ máy lớn, dàn trải chỉ tăng thêm chi phí và làm “teo” lợi nhuận; hoạt động kinh doanh thiếu chuyên nghiệp càng trở nên khó cạnh tranh thời mở cửa. Đó cũng là lý do Nhà nước đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN với mong muốn tạo được một bước tiến lớn ảnh hưởng đến cấu trúc quản trị của DN. Thế nhưng, với hoạt động cổ phần hóa hiện nay, DN chỉ bán cổ phần ở một tỷ lệ nhỏ thì hoạt động quản trị có lẽ chẳng thay đổi. Nhìn lại những tập đoàn, tổng công ty đã và sẽ cổ phần hóa trong thời gian tới sẽ thấy chưa DN cổ phần hóa nào thật sự mang lại những thay đổi đáng kể về chất. Trong số 24 công ty mẹ của các tập đoàn, tổng công ty 91 có 9 công ty mẹ được cổ phần hóa. Nhưng ngay cổ phần hóa ở các công ty mẹ, Nhà nước cũng nắm giữ vốn ở mức rất cao: 51%, 65%, 75%, thậm chí 97%. Cụ thể, ở Vietnam Airlines và Vinatex, Nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối khi chỉ quyết định bán ra 24% - 25% giá trị DN trong đợt IPO vừa qua. Vấn đề là chúng ta muốn cổ phần hóa DNNN để thúc đẩy tái cơ cấu, tăng trưởng, nhưng lại vẫn muốn nắm giữ quyền quản lý! Trong khi hai lĩnh vực hàng không và dệt may không phải là lĩnh vực trọng yếu buộc phải giữ phần vốn lớn thuộc sở hữu nhà nước.
Mua lẫn nhau: vốn chạy lòng vòng!
Muốn nâng cao giá trị DN sau cổ phần hóa, việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược là vô cùng quan trọng. Bởi sau khi mua vốn, nhà đầu tư chiến lược còn phải cam kết hợp tác lâu dài, hỗ trợ kinh nghiệm quản trị, nâng cao hoạt động DN. Do vậy, khi IPO, DN nào cũng mong muốn tìm được nhà đầu tư chiến lược là những DN mạnh, để hỗ trợ mình. Đó cũng là lý do nhiều DN khát khao tìm được đối tác chiến lược là DN nước ngoài.
Thế nhưng, nhìn lại hoạt động IPO của Vinatex, sẽ thất vọng khi rất ít DN và cá nhân nước ngoài quan tâm đến cổ phiếu này. Đối tác chiến lược của tập đoàn này là hai nhà đầu tư trong nước gồm Tập đoàn Vingroup (VIC) và Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Phát triển VN (VID). Hai nhà đầu tư này chiếm đến 24% cổ phần nhưng lại kinh doanh trong các lĩnh vực bất động sản, phân phối… chứ ít liên quan đến hoạt động dệt may!
Phân tích cổ đông của Vietnam Airlines trong đợt IPO vừa qua, sẽ thấy nhiều vấn đề lo ngại đang đặt ra. Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Ngọc Tươi phân tích, Vietnam Airlines chỉ bán 25% giá trị DN, nhưng số lượng bán ra ngoài cho cổ đông nhỏ lẻ chỉ 3,5%; bán cho người lao động 1,5%, số còn lại 20% dành cho cổ đông chiến lược. Thế nhưng, nếu mong muốn cổ đông chiến lược là DN nước ngoài cùng ngành nghề, có kinh nghiệm, có tầm cỡ để giúp DN lớn mạnh sau cổ phần hóa thì ắt hẳn chúng ta sẽ thất vọng. Bởi hai nhà đầu tư chiến lược của Vietnam Airlines lại là Ngân hàng Vietcombank và Techcombank. Chỉ nghĩ đến nợ xấu trong hệ thống ngân hàng nói chung đã khiến nhà đầu tư khác e ngại. Ngạc nhiên hơn nữa là ở chỗ chính Vietnam Airlines từng là cổ đông lớn của Techcombank trước khi thực hiện thoái vốn ngoài ngành theo yêu cầu của Nhà nước, nay Techcombank quay lại mua cổ phiếu để trở thành đối tác chiến lược của Vietnam Airlines! Đối với Vietcombank, như trong bài trước đã đề cập, hiện nay các tổng công ty nhà nước đang trở thành “nạn nhân” khi trước đây mua cổ phiếu của Vietcombank với giá cao ngất ngưởng, giờ buộc phải thoái vốn ngoài ngành thì bán không ai mua. Hơn nữa, Vietcombank là ngân hàng do Nhà nước chiếm cổ phần chi phối, giờ Vietcombank mua cổ phiếu của Vietnam Airlines thì khác nào vốn được chuyển từ tay này sang tay kia, chạy vòng vòng trong các DNNN với nhau!
Rõ ràng với kiểu cổ phần hóa như thế, DN sau cổ phần hóa chỉ thay đổi vỏ bọc với tên gọi là “cổ phần”, nhưng bản chất vẫn như cũ. DN vẫn chịu sự can thiệp, chi phối của Nhà nước, lãnh đạo DN vẫn là cán bộ Nhà nước thiếu kinh nghiệm thương trường. Đó là điểm thua xa với các DN tư nhân, khi DN tư nhân được chủ động thuê giám đốc điều hành (CEO) giỏi - kể cả CEO người nước ngoài - để quản trị DN và việc đánh giá hiệu quả quản trị DN qua lợi nhuận, cổ tức. Chắc hẳn sẽ rất ít nhà đầu tư nước ngoài nhắm tới cổ phiếu của DNNN khi hoạt động cổ phần hóa kiểu… nửa vời như thế!
HÀN NI
- Bài 2: Phải hấp dẫn, IPO mới thành công