Bài 3: Khơi thông dòng chảy, xây hồ điều tiết

Xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm
Bài 3: Khơi thông dòng chảy, xây hồ điều tiết

TPHCM nỗ lực chống ngập

Mục tiêu của TPHCM từ nay đến 2015 là giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước do mưa và triều tại khu vực trung tâm và phấn đấu xóa các điểm ngập do mưa hiện hữu. Cùng với các giải pháp trước mắt, TPHCM cũng sẽ tập trung vào các giải pháp lâu dài, có tầm chiến lược nhằm giải quyết tình trạng ngập nước.

Đường sá thành phố sẽ hết cảnh ngập nước nếu kịp thời khơi thông dòng chảy và có hồ điều tiết nước.

Đường sá thành phố sẽ hết cảnh ngập nước nếu kịp thời khơi thông dòng chảy và có hồ điều tiết nước.

Xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm

Có nhiều nguyên nhân khách quan gây ngập nhưng cơ bản vẫn chính do con người. Phó Giám đốc Trung tâm chống ngập nước TP Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho rằng: “Do quản lý đô thị chưa tốt. Hệ thống kênh rạch bị lấn chiếm tự phát; tình trạng xả rác, chất thải rắn gây tắc hướng thoát nước... diễn ra trầm trọng. Chỉ riêng trên tuyến rạch xuyên tâm đã có hàng ngàn căn nhà lấn chiếm làm tắc nghẽn dòng chảy, cũng như hạn chế dung lượng trữ nước khi mưa hay triều cường. Quy hoạch phát triển đô thị không chú ý đúng mức đến cốt san nền và thoát nước, dẫn đến tính toán hệ thống thoát nước chưa chuẩn khiến nhiều nơi không có hệ thống thoát nước”. Điển hình như nhiều khu vực ở quận 8, trên đường An Dương Vương (quận 6), ở quận Bình Tân và hầu như nhiều tuyến đường ở các huyện không có hệ thống thoát nước.

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2015, TP thực hiện xong cơ bản chương trình chỉnh trang đô thị dọc hai bên bờ kênh rạch, tạo khoảng không phù hợp để tăng diện tích vùng đệm điều tiết nước và tạo cảnh quan đô thị... Kiên quyết xử lý tình trạng lấn chiếm trái phép để thực hiện việc nạo vét kênh rạch, kết hợp với chỉnh trang đô thị. Khẩn trương hoàn thành quy hoạch xây dựng 1/2000, xác định mép bờ bao, xác định chính xác hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch để phục vụ  công tác giải tỏa lấn chiếm kênh rạch trái phép. Tập trung thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, nhất là công tác bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư cho người dân tại các dự án, công trình đê bao, nạo vét kênh rạch phục vụ tiêu thoát nước; đồng thời kiên quyết di dời các trường hợp lấn chiếm xây cất trên kênh rạch, cửa xả, hệ thống thoát nước.

Ưu tiên nguồn vốn đầu tư

Để thực hiện kế hoạch này, TPHCM ưu tiên nguồn vốn ODA để đầu tư, phát triển hệ thống thoát nước, thu gom nước thải, các công trình hồ điều tiết, đê bao và các cống kiểm soát triều; có kế hoạch bảo đảm đầu tư ngân sách để phát triển hệ thống thoát nước, hệ thống kiểm soát triều. Khuyến khích, huy động nguồn vốn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng hệ thống thoát nước, đặc biệt là các nhà máy xử lý nước thải. Xây dựng lộ trình tăng phí thoát nước đảm bảo đến năm 2015, phí thoát nước đáp ứng đủ cho nhu cầu quản lý, vận hành hệ thống thoát nước, xử lý môi trường nước.

Trong thời gian tới, TPHCM sẽ tập trung quy hoạch hệ thống thoát nước mưa và phát triển hạ tầng kỹ thuật; tăng cường quản lý các quỹ đất, bảo đảm diện tích mặt nước, hệ thống sông rạch phục vụ tiêu thoát nước và chống ngập; quản lý chặt quỹ đất nông nghiệp, bố trí trục cây xanh cảnh quan, mặt nước (chiều rộng 50 - 800m) để hình thành 3 tuyến vành đai sinh thái (chiều rộng 2.000 - 3.000m) dọc hai bên bờ sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Nhà Bè. Đồng thời quản lý chặt chẽ việc san lấp và xây dựng công trình trên sông, kênh, rạch, đầm hồ công cộng; quy hoạch tổng thể hệ thống và xây dựng các hồ điều tiết tại khu vực phù hợp, giảm sự gia tăng dòng chảy để hỗ trợ tiêu thoát nước...

Hướng thoát nước chính trong khu vực là hướng Bắc - Nam, do vậy hệ thống kênh trục thoát nước chính được xác định là các kênh dọc theo hướng này. Trục kênh Rạch Tra - Thầy Cai - An Hạ - Chợ Đệm được cải tạo nạo vét, mở rộng để tải nước từ vùng trũng thành phố về phía Nam. Tuyến kênh Vàm Thuật - Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên đã được UBND TP phê duyệt đầu tư, sau khi hoàn thành sẽ nâng cao khả năng tiêu thoát nước. Các hồ điều tiết bao gồm hệ thống ao, hồ, kênh rạch và một số khu vực đất trũng được cải tạo để có đủ dung tích dự phòng trữ lượng nước mưa đổ ra từ trung tâm thành phố trong thời gian triều cường.

Để thực hiện được những mục tiêu trên, ông Nguyễn Phước Thảo, Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP, kiến nghị ghi vốn cấp bách cho các dự án, tăng nguồn kinh phí duy tu hệ thống thoát nước, sớm triển khai xây dựng nhà máy xử lý nước thải lưu vực Tham Lương - Bến Cát (giai đoạn 1), cống kiểm soát triều Tân Thuận. Trung tâm cũng kiến nghị UBND TP xem xét thông qua danh mục các dự án trọng điểm, cấp bách để sớm áp dụng cơ chế đặc thù về đầu tư xây dựng cơ bản để các chủ đầu tư chủ động triển khai và đẩy nhanh tiến độ thực hiện; cân đối nguồn vốn cho các điểm ngập cần xóa những năm kế tiếp.

Cùng với một số giải pháp trước mắt, hiện trung tâm đang phối hợp thực hiện quy hoạch tổng thể hệ thống các hồ điều tiết. Cụ thể, sẽ xây dựng một hồ điều tiết tại khu vực quận Thủ Đức để làm mô hình chuẩn cho các giai đoạn tiếp theo, đồng thời xây dựng một số hồ điều tiết tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), khu đô thị Tây Bắc (huyện Củ Chi) và ở  huyện Bình Chánh, quận 12. Sau khi hoàn tất xây dựng các hồ này, diện tích chứa nước sẽ tăng lên đáng kể, góp phần giải quyết tình trạng ngập ở nhiều khu vực trên địa bàn TPHCM.

QUỐC HÙNG

Thông tin liên quan

- Bài 1: Nhiều nơi đã hết ngập

- Bài 2: Nguy cơ tái ngập

Tin cùng chuyên mục