Bài 3: Làm gì để du lịch tăng mạnh?

Không ai phủ nhận, nếu so với các quốc gia trong khu vực ASEAN, du lịch Việt Nam chẳng kém cạnh về mặt tiềm năng (danh thắng, di tích, lịch sử...), nhưng tốc độ tăng trưởng của ngành dường như vẫn chưa thực sự xứng với tiềm năng sẵn có.

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

>> Bài 1: Đánh thức “nàng công chúa ngủ trong rừng”

>> Bài 2:  Hạ tầng phát triển, nhân lực thiếu hụt

Không ai phủ nhận, nếu so với các quốc gia trong khu vực ASEAN, du lịch Việt Nam chẳng kém cạnh về mặt tiềm năng (danh thắng, di tích, lịch sử...), nhưng tốc độ tăng trưởng của ngành dường như vẫn chưa thực sự xứng với tiềm năng sẵn có.

Bài 3: Làm gì để du lịch tăng mạnh? ảnh 1

Du khách tham quan TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Thiếu các giải pháp mang tính chiều sâu

Theo PGS.TS Nguyễn Trung Lương, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, để ngành du lịch trở thành “gà đẻ trứng vàng” thì cần có sự quan tâm chăm sóc đặc biệt hơn. Đầu tiên cần thay đổi nhận thức của xã hội đối với du lịch. Lấy một ví dụ, khi du khách đặt chân tới Việt Nam, lực lượng làm việc ở sân bay như: nhân viên hàng không, hải quan, công an cửa khẩu là những người đầu tiên tiếp xúc với du khách. Nếu họ không nhận thức được mình là người đại diện cho Việt Nam, không nhận thức được thái độ của mình có tầm quan trọng như thế nào đối với ấn tượng của khách nước ngoài đến với Việt Nam thì dù nước ta đẹp đến mấy, giàu tiềm năng đến mấy, cũng không hấp dẫn được du khách. Ở nước ngoài, họ đã và đang thực hiện rất tốt điều này. Dù đâu đó vẫn còn cảnh đi lẽo đẽo theo khách, lừa đảo, “chặt chém”, nhưng mặt bằng chung, ấn tượng mà họ tạo ra về hình ảnh đất nước và con người vẫn rất đẹp. Đó là sự khác biệt rõ ràng. Chính việc thiếu chuyên nghiệp, cách làm ngắn hạn, đã làm cho du lịch Việt Nam không phát triển được như mong muốn, cũng như chưa thể vào tốp đầu các nước trong khu vực.

PGS-TS Nguyễn Trung Lương cũng cho rằng, nguyên nhân khiến du lịch giàu tiềm năng mà vẫn chưa thực sự cất cánh cũng do sự thiếu chuyên nghiệp trong sự phối hợp giữa các ban ngành. Du lịch chưa có sự kết hợp với ngoại giao, thương mại… nên chưa tạo được sức mạnh tổng hợp. Đó là sự thiếu chuyên nghiệp và thiếu năng lực cả về tài chính, nhân lực cũng như quản lý. Cùng với việc đổi mới tư duy trong phát triển du lịch, chủ động phát triển du lịch một cách sáng tạo trên cơ sở xu hướng phát triển của thế giới (như du lịch khám phá, trải nghiệm, chữa bệnh, tâm linh, hội nghị, hội thảo...), ứng dụng những tiến bộ của công nghệ trong thiết kế tour, quảng bá hình ảnh, quản trị, điều hành…, thì cần gắn phát triển du lịch là quyền lợi, trách nhiệm của cả doanh nghiệp, nhà nước, cộng đồng và người dân. Đồng tình quan điểm này, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết thời gian gần đây đã có nhiều chính sách thiết thực, tác động tích cực tới ngành du lịch như việc miễn phí thị thực cho công dân của một số thị trường trọng điểm Tây Âu, Bắc Mỹ; khởi động hệ thống cấp visa điện tử… Tuy nhiên, theo ông Bình, vẫn cần có những quyết định mạnh mẽ hơn, thể hiện sự ổn định bền vững, chứ không dừng lại ở thí điểm, tạm thời.

Cần những cú hích mạnh

Quảng bá giữ vai trò trọng yếu trong phát triển du lịch, song như một chuyên gia về du lịch từng chia sẻ, không thể cứ nói du lịch Việt Nam “vẻ đẹp tiềm ẩn”, “vẻ đẹp bất tận” mà phải có cách quảng bá cho thương hiệu du lịch một cách chuyên nghiệp hơn. Không phải cứ “ném cả núi tiền” ra quảng bá trên kênh truyền hình tên tuổi mà thu hút được du khách. Du lịch là “hữu xạ tự nhiên hương”, là du khách cảm nhận trong mắt nhìn, tai nghe, trong sự phục vụ ân cần và cách làm du lịch bài bản chuyên nghiệp, “đi mãi nhớ, ở khó quên”! Nhưng điều này thật khó thực hiện khi mà tình trạng nhân lực của ngành “công nghiệp không khói” đang ở trong tình cảnh vừa thiếu, lại yếu. Vì thế, cùng với việc xây dựng chiến lược đào tạo nghề một cách bài bản, chuyên nghiệp, tránh tình trạng học gạo, phải đào tạo lại…, cũng cần đào tạo song song kỹ năng làm du lịch trong cộng đồng dân cư tại địa phương.

Cùng đó, mơ ước được trích 1 USD/khách du lịch quốc tế để tạo nguồn thu cho quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, hướng tới công tác xúc tiến, quảng bá được lãnh đạo ngành đưa ra trước đó, vẫn còn giữ nguyên giá trị. Và sau đó là xây dựng được một môi trường du lịch chuyên nghiệp, an toàn, thân thiện. Trong thời gian qua, chiến dịch nâng cao hình ảnh du lịch Việt thông qua việc duy trì và kiểm soát chất lượng dịch vụ trong hệ thống khách sạn và cơ sở lưu trú đã thu được kết quả tốt, tạo chuyển biến trong nhận thức của xã hội. Hàng loạt khách sạn bị thu hồi sao, nhiều đường dây nóng được lập ra để ngăn chặn tình trạng “chặt chém”, “móc túi” du khách… Như nhiều chuyên gia du lịch đã nhận định, trong bối cảnh toàn cầu hóa, sản phẩm du lịch tạo được dấn ấn thì ngoài sự nổi bật cần đi kèm với chất lượng. Chất lượng du lịch chính là chất lượng văn hóa, chất lượng cuộc sống. Ngành du lịch phối hợp với các ngành khác, mọi công dân, các cấp chính quyền cần quyết liệt vào cuộc, bằng các giải pháp đồng bộ xây dựng nên các thương hiệu chất lượng du lịch tiêu biểu, hiệu quả. Chỉ bằng cách đó - cách không ngừng tăng cường chất lượng du lịch thì kinh doanh dịch vụ du lịch mới sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành kinh tế trọng điểm của đất nước.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục