TPHCM chung sức xây dựng nông thôn mới
Trong tổng số hơn 30 ngàn tỷ đồng TPHCM triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015, có đến hơn 18 ngàn tỷ đồng được huy động từ cộng đồng và từ sức dân…
“Vốn mồi” khơi nguồn vốn dân
“Xây dựng nông thôn mới, nhà nước phải bỏ tiền ra làm đường cho dân đi, không thể kêu gọi dân đóng góp được”. “Tôi thấy khu này gần 100 hộ đi lại trên con lộ, vậy mà kêu mỗi tổ mình ngoài mặt đường góp tiền làm cho họ đi là không được”… Cuộc họp tổ nhân dân 3, ấp Trung Bình, xã Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi) đưa chuyện nâng cấp đoạn đường 708 dài 500m từ Tỉnh lộ 8 vào ấp đã bị nhiều hộ dân phản đối. Dù không phát biểu nói rõ có ủng hộ việc làm này hay không, nhưng trong thâm tâm ông Ba Nghi (Ngô Văn Nghi, 88 tuổi, hộ gia đình chính sách) thấy đưa ra bàn khơi khơi như vậy là không ổn, vì dân chưa thông cách làm và chưa thấy ai đầu tàu bàn một cách cụ thể góp bao nhiêu, ai đứng ra làm, nhà nước hỗ trợ cái gì… Một buổi chiều, ông Ba Nghi gọi Trưởng ấp Nguyễn Văn Chinh qua nhà uống trà bàn chuyện làm đường. “Thôi, tao góp 5 triệu đồng làm gương trước”, ông Ba Nghi nói. Bàn một hồi thì hai bên thống nhất vận động thu 25 hộ, ai có nhiêu góp nhiêu, không bổ đầu người, còn thiếu bao nhiêu thì mới xin xã hỗ trợ.
Một tuyến đường nông thôn mới tại ấp Tân Điền, xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ được xây dựng từ nguồn vốn Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Có được 5 triệu đồng “vốn mồi” của ông Ba Nghi, ông Chinh đến từng hộ dân vận động và đưa ra cách thức làm. Kết quả, 1 tháng sau, 25 hộ hai bên mặt đường tự nguyện góp 100 triệu đồng. Bà Bùi Thị Sang và các hộ trong tộc Trần góp nhiều nhất, trong đó có người hiến hơn 300m2 đất và vật liệu cát, đá… Tổng kết công trình, nhờ huy động được công lao động trong ấp tham gia, nên đã giảm được chi phí và số tiền dân đóng góp vừa đủ làm, không phải xin hỗ trợ của xã. “Có đường đi mừng ghê vậy đó. Ấp văn hóa gì mà trước kia người dân cứ gọi ấp xăn quần, vì lầy lội dữ lắm…”, bà Sang vui vẻ kể. Về khoản “vốn mồi” mà ông Ba Nghi bỏ ra trước để làm tuyến đường 708, theo Trưởng ấp Nguyễn Văn Chinh chưa phải là “vốn mồi” đúng nghĩa, mà phải là một phần của nguồn vốn nhà nước bỏ ra trước, sau đó dân góp thêm vào làm. Ông Chinh dẫn chứng tuyến đường Tư Xỏ và 5 con hẻm trong ấp có chiều dài hơn 4km, gần một nửa kinh phí là của Nhà nước, còn lại dân góp tiền, vật liệu, công lao động… Cả xã 2 năm qua làm được 10 tuyến đường, 11 tuyến kênh nội đồng và 7 công trình văn hóa với tổng kinh phí hơn 53 tỷ đồng, trong đó “vốn mồi” của nhà nước chỉ bỏ ra trước một nửa.
Đến Lý Nhơn, xã xa nhất của huyện Cần Giờ, trao đổi với Trưởng ban Xây dựng nông thôn mới Phan Lê Hoài Phong về tiêu chí số 9: “Nhà ở dân cư” thì được ông khẳng định “đã cơ bản hoàn thành, không còn nhà tạm, dột nát”. Nói rồi, ông cử cán bộ đưa chúng tôi xuống hộ anh Lê Minh Vũ ở ấp Tân Điền. Căn nhà khá khang trang, rộng hơn 50m2, nền nâng cao gần 1m chống ngập và được lát gạch men sáng loáng. “Nhà tình thương do một đơn vị ở quận 5 hỗ trợ 50 triệu đồng, còn gia đình chạy lo thêm gần 50 triệu đồng nữa”, anh Vũ khoe với chúng tôi. Theo UBND xã Lý Nhơn, năm 2010, khi bắt đầu triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, cả xã có 72 căn nhà tạm, dột nát. Đến cuối năm, xã vận động các mạnh thường quân đóng góp được gần 2,5 tỷ đồng, cộng với phần đóng góp của dân coi như hoàn thành xong chỉ tiêu. Để đảm bảo tiêu chuẩn nhà ở theo quy định của Bộ Xây dựng, xã cũng vận động được 2,64 tỷ đồng làm “vốn mồi” góp sức với dân thực hiện kiên cố hóa nhà ở. Cộng với phần góp thêm của người dân lên đến 65,54 tỷ đồng, đã hình thành nên những cụm dân cư khang trang, làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn mới ở một xã ngoại thành; trước kia được ví nghèo nhất, xa nhất, khó khăn nhất của huyện Cần Giờ và thành phố.
Nhiều cách làm - Một mục tiêu
Chương trình xây dựng nông thôn mới là một chủ trương đúng đắn, xuất phát từ thực tiễn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đến khu vực nông thôn và đời sống của người nông dân, vấn đề phát triển kinh tế nông nghiệp… Xuất phát từ quan điểm này, ngay khi triển khai, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết chuyên đề về huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ cho các xã xây dựng nông thôn mới. Trong đó, phải kể đến sự tham gia tích cực, có hiệu quả của các doanh nghiệp trên từng lĩnh vực.
Ngành nông nghiệp thực hiện các giải pháp, tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với nền nông nghiệp đô thị; đi kèm theo đó là 28 doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất, hỗ trợ cung ứng các dịch vụ giống và con giống chất lượng cao, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, công nghệ sinh học và sản xuất.
Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè (bìa trái) thăm hỏi hộ chị Nguyễn Thị Dung ở ấp 3 vừa nhận được nhà mới từ Chương trình nông thôn mới.
Ngành thương mại có Co.op Mart với hệ thống siêu thị bao tiêu hầu như toàn bộ các loại rau an toàn do nông dân các xã nông thôn mới sản xuất ra… Đặc biệt, Tổng Công ty Điện lực TPHCM đầu tư hàng trăm tỷ đồng cải tạo lưới điện trung hạ thế, lắp đồng hồ điện miễn phí cho các hộ dân và hoàn thành lưới hóa điện đến 100% hộ dân tại các xã ngoại thành của TPHCM. Trong đó, địa bàn 2 huyện Củ Chi và Cần Giờ được ngành điện thành phố tập trung nguồn vốn đầu tư nhiều nhất cho các chương trình điện và an sinh xã hội. Giám đốc Công ty Điện lực Duyên Hải Nguyễn Ngọc Ẩn cho chúng tôi biết: Đến nay, điện lưới quốc gia đã kéo về toàn bộ các xã của 2 huyện Cần Giờ, Nhà Bè và ngành điện cũng đã lắp đặt đồng hồ điện miễn phí cho 100% hộ dân tại 2 huyện này, trong đó phải kể đến công trình phát triển 5 tuyến dây hạ thế đưa điện về những khu vực xa nhất, đi lại cách trở nhất, để bảo đảm hộ dân nào cũng có điện xài và được hưởng các chính sách ưu đãi của ngành điện về giá điện phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Hay như, toàn bộ địa bàn xã đảo Thạnh An của huyện Cần Giờ đã được ngành điện đầu tư hơn 200 tỷ đồng kéo điện về từng hộ dân, cũng được coi là một kỳ tích, một kết quả thiết thực nhất của cách làm chăm lo đến đời sống, sinh hoạt của người dân và góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở những xã khó khăn nhất của thành phố. Ở chương trình nhà ở, ông Nguyễn Ngọc Ẩn cho biết thêm, Tổng Công ty Điện lực TP vừa hoàn thành và bàn giao 128 căn nhà tình thương trị giá hơn 5 tỷ đồng tặng các hộ nghèo ở xã đảo Thạnh An, giúp xã vùng xa đặc biệt khó khăn này không còn nhà tạm, dột nát.
Trong những ngày đi thực tế tại các xã nông thôn mới, đến đâu chúng tôi cũng ghi nhận một không khí hồ hởi, phấn khởi của người dân trước sự đổi thay, phát triển trên nhiều lĩnh vực, nhất là ở những địa bàn dân cư trước kia được cho là khó khăn nhất nhì của thành phố. Có trường hợp khó khăn như hộ chị Nguyễn Thị Dung (ở ấp 3, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè) mà chúng tôi đã gặp tại căn nhà tình thương gia đình chị mới được một doanh nghiệp xây tặng. Chị nói: “Năm nay có nhà mới lại được nhà nước cho vay vốn ưu đãi đắp lại ao, thả ít cá giống, hàng tháng có thêm thu nhập cũng tạm đủ sống. Gia đình tôi vừa thoát khỏi diện hộ cận nghèo và sang năm nhất định sẽ làm ăn khá hơn…”.
Trường hợp của gia đình chị Dung là một trong số những hộ nghèo, hộ cận nghèo có mức thu nhập bình quân đầu người 15 triệu đồng/người/năm mà UBND xã Nhơn Đức thống kê được từ trước khi thực hiện Chương trình nông thôn mới. Còn hiện nay, như khẳng định của Phó Chủ tịch UBND xã Trần Thị Mạnh, thu nhập bình quân của người dân trong xã đã tăng gấp gần 3 lần, đạt ở mức 38 triệu đồng/người/năm. Một kết quả thể hiện sự quyết tâm, trách nhiệm và hiệu quả từ nhiều cách làm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, cùng chung sức xây dựng nông thôn mới ấm no, hạnh phúc và phát triển.
|
HOÀI NAM