Biển đảo Tây Nam - diện mạo và tư thế
Gia đình, vợ con - chính là chỗ dựa thân thiết nhất của người lính. Chính quyền, nhân dân ở những điểm đóng quân, được coi là hậu phương gần gũi, trực tiếp của bộ đội. Mối quan hệ mật thiết, đoàn kết gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau giữa người lính hải quân, gia đình họ và nhân dân, chính quyền cùng các lực lượng khác trên đảo xa là tình cảm tha thiết tin yêu, hướng tới sự an cư yên bình, phát triển vững chắc, trường tồn của cả vùng biển đảo Tây Nam.
Tổ ấm giữa trùng khơi
Gia đình thiếu úy Đào Minh Thắng, công tác tại trạm 595 là một trong hai hộ định cư tại Hòn Khoai. Nhà ở được dựng lên bằng khung cây, mái và “tường” là vải bạt quây che lại. Ở gian ngoài có một quầy tạp hóa, cũng là quán bán cà phê, nước ngọt với vài bộ bàn ghế nhựa và hàng võng chừng 7 - 8 cái giăng ngang cho khách ngả lưng. Người phụ nữ chừng 60 tuổi, đang ẵm cháu mau mắn mời chào và chuyện trò với khách. Bà là Nguyễn Thị Tiên, mẹ vợ thiếu úy Thắng, từ Thường Xuân, Thanh Hóa mới vô đây 6 tháng, phụ trông cháu ngoại được 7 tháng tuổi. Vợ chồng thiếu úy Thắng đã ở đây được 2 năm. Người vợ tên Lê Thị Thúy trước là công nhân ở Bình Dương. Chị Thúy bộc bạch: “Được đơn vị động viên, ủng hộ, tạo điều kiện nhiều lắm, em mới ra đây. Biết còn nhiều khó khăn nhưng vợ chồng được gần nhau là vui rồi”. Để phụ với chồng, chị vừa trồng rau, nuôi gà, heo và bán hàng tạp hóa cho bộ đội, công nhân đang xây dựng trên đảo và tàu ghe thỉnh thoảng ghé đảo. Bữa cơm trưa, nhìn gia đình thiếu úy Thắng quây quần cùng anh em ở trạm, chúng tôi thấy vui lây. Có lẽ chính từ tình yêu dành cho nhau thật nhiều và cả niềm tin về cuộc sống ngày mai tươi sáng là động lực giúp đôi vợ chồng quyết định xây dựng tổ ấm lâu dài trên đảo xa.
Hiện tại có khoảng 50 gia đình CB-CS hải quân đang sinh sống trên đảo Thổ Chu. Dù đã được chính quyền xã, đơn vị động viên giúp đỡ hết sức những gì có thể nhưng đời sống của đa phần vẫn còn rất nhiều khó khăn vì còn phải thuê nhà ở, người vợ lại không có việc làm. Các chị đã rất chịu thương chịu khó chăn nuôi, trồng trọt hoặc buôn bán nhỏ, hòa nhập nhanh với cuộc sống sở tại. Điều mong ước lớn của mỗi CB-CS là làm sao có được nơi an cư để gia đình có thể lập nghiệp ổn định tại chính nơi họ công tác, phục vụ lâu dài.
Tại xã đảo An Sơn, thuộc quần đảo Nam Du, có 7 CB-CS của trạm 600 đưa vợ con từ quê vào định cư. Điều kiện ở đây có vẻ “rộng cửa” hơn cho những gia đình lính so với Thổ Chu vì họ đều có chỗ ở tại khu tập thể của đơn vị; có 5/7 người vợ đang dạy học và làm việc tại xã. Theo BCH Tiểu đoàn radar 551, có 30% CB-CS của đơn vị có gia đình ở các điểm đảo. Nhiều người đã có đất, đang chắt chiu từng đồng lương để có thể sớm đủ tiền xây được căn nhà cấp 4. “Tổ ấm” nơi đảo xa của những người lính rất cần thêm sự góp sức chung tay của toàn xã hội.
Những tấm lòng sẻ chia
Buổi sáng chúng tôi lên trạm 615, mới khoảng 9 giờ mà trong nhà bếp của đơn vị đã rộn ràng dao thớt, củi lửa. Bốn chị chừng 30 - 40 tuổi đang tất bật cùng bộ đội làm cơm đón khách. Một bà má cũng lụi cụi quét sạch nơi sàn nước. Họ là dân ở dưới gành Nam. Đã thành thông lệ, mỗi khi thấy trạm có khách là các chị lên phụ nấu bếp. Chu toàn xong mọi việc họ lại về, dù “chủ nhà” kèo nài mời ở lại dùng bữa. Một chị tên Bé Hai mau mắn: “Chúng em thân thiết với trạm như người nhà ấy mà. Phụ giúp mấy anh nấu bữa cơm có thấm gì so với mấy anh giúp dân ở đây”. Bà má góp chuyện, khoe: “Phải đó bây, bộ đội còn cho má ở riêng một phòng đó”. Được biết bà má tên Trần Thị Sáu, 78 tuổi. Vợ chồng bà là người đầu tiên ra Hòn Chuối sinh sống cách nay hơn 40 năm. Có 9 người con, 6 người đang ở đất liền nhưng má Sáu chỉ muốn sống trên đảo.
Trạm 615 còn là nơi trú ngụ an toàn của người dân sinh sống, bán buôn, đánh bắt cá ven Hòn Chuối mỗi khi biển động dài ngày hay có bão. Có khi CB-CS phải dồn ở chật lại, nhường chỗ cho bà con. Bộ đội chia sớt với dân từ gạo, nước đến thực phẩm, thuốc men. Đến bữa, quân dân chung tay vào bếp và quây quần ăn uống. Thượng úy trạm trưởng Hồ Hữu Nghĩa, nói: “Bà con tốt lắm và rất tự trọng. Cực chẳng đã, lúc ngặt nghèo lắm mới tới nhờ giúp. Đi biển về, nhiều người lại mang chút sản vật lên cho anh em trạm, gọi là chút quà thơm thảo”. Không chỉ ở trạm 615, mà tất cả các trạm radar, CB-CS luôn dự phòng lương thực, thực phẩm, nước, thuốc men để sẵn sàng giúp dân. Những chiến sĩ hải quân còn chủ động tìm đến thăm hỏi, giúp đỡ, động viên những gia cảnh khó khăn.
Ở Thổ Chu và Hòn Chuối, mỗi năm người dân sống ven đảo phải dời nhà 2 lần tránh gió mùa. Mỗi lần như vậy, dù của cải chẳng nhiều nhưng để dịch chuyển cũng rất vất vả. Thế là lính hải quân và biên phòng lại xắn tay giúp bà con. Các lớp học do các chiến sĩ quân hàm xanh làm thầy giáo - là hình ảnh gần gũi, thân thuộc với người dân đảo. Trong buổi sáng chúng tôi lên trạm 615, cùng vượt dốc với bộ đội là ríu rít tiếng trẻ thơ đến lớp. Việc khám chữa bệnh cho dân được CB-CS ở tất cả các điểm đảo xác định là ưu tiên hàng đầu. Trước khi chúng tôi tới Nam Du một ngày, quân y trạm 600 đã chuyển vào bệnh viện tỉnh cấp cứu kịp thời cho con của một giáo viên trên đảo bị bệnh tim. CB-CS ở trạm 600 còn trích lương 20.000 đồng/người/tháng, thực hiện phong trào “Hũ gạo tiết kiệm” giúp các hộ nghèo.
Bài ca đoàn kết - dựng xây
Các lực lượng làm nhiệm vụ trên đảo thường có hải quân, biên phòng, hải đăng, kiểm lâm... Ở các xã đảo Thổ Chu, An Sơn, Nam Du còn có cả hệ thống chính trị vững mạnh. Sự gắn kết giữa các lực lượng đã luôn tạo thành sức mạnh tổng hợp vì sự bình yên và phát triển đời sống KT-XH của từng điểm đảo.
Buổi tối gặp mặt thân mật và giao lưu văn nghệ tại trạm radar 600, đóng tại đảo Lớn, quần đảo Nam Du - xã An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang sẽ là một kỷ niệm khó quên đối với chúng tôi. Khuôn viên của trạm như chật lại vì thành phần tham dự đông bất ngờ. Có thể nói, đại diện cho hầu như tất cả các ban đảng, ngành, đoàn thể của xã An Sơn cùng các lực lượng đóng quân trên đảo đều có mặt, vui mừng đón chào đoàn công tác của Vùng 5 hải quân cùng đoàn nhà báo. Những vòng tay ôm thắm thiết, những lời thăm hỏi thân tình cùng những lời trao đổi nhanh về công việc… thể hiện sự đoàn kết gắn bó chân thành. Các thầy cô giáo của Trường Tiểu học An Sơn có lẽ là những người vui nhất. Họ say sưa đàn hát trong không khí náo nức, hồ hởi. Các chiến sĩ hải quân trong vai trò chủ nhà, dù tất bật cũng sẵn sàng “lên sân khấu” thể hiện những bài hát hào hùng ca ngợi quê hương, đất nước, biển đảo… Nếu không được giới thiệu, chúng tôi sẽ nhầm nhiều vị khách là CB-CS radar bởi họ tự nhiên, nhanh nhẹn chạy tới, chạy lui lo việc hậu cần thật chu đáo. Anh Vũ Năng Huân, Trạm trưởng hải đăng Nam Du, vui vẻ cho biết: “Vậy đó anh, mỗi khi bên hải quân hay bên tôi có đoàn khách tới thì anh em đều chạy qua nhau phụ giúp và vui vẻ hết mình”. Hải quân và hải đăng luôn là những người hàng xóm gần gũi nhất dù ở Thổ Chu, Hòn Khoai hay Hòn Chuối. Có cơ sở vật chất tốt, nhân sự ít - điều kiện về mọi mặt của những người làm công tác bảo đảm an toàn hàng hải khá hơn so với hải quân. Chính vì thế mà nhiều khi CB-CS hải quân còn phải qua nhà hải đăng “xin tí nước”.
Thượng úy, chính trị viên phó đồn biên phòng 742 Lê Quang Hòa, vắn tắt: “Đồn chúng tôi “lo” cả quần đảo gồm 21 hòn với nhiệm vụ chính là quản lý bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo. Đã có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng như công an, quân sự của xã, huyện - đảm bảo sự bình yên của biển đảo”.
Bài ca đoàn kết dựng xây quê hương biển đảo đẹp giàu đã và sẽ còn ngân vang mãi: Dù đâu đó bóng đen vần vũ; Đất nước vẫn xanh mượt hồn thơ; Sóng mãi vỗ dạt dào, nhắn nhủ; Biển Tây Nam tha thiết ru chờ.
THƯ NAM