Bài 4: Cả cơ hội lẫn thách thức

Tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đang bước sang giai đoạn mới, sâu rộng hơn, sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt. Ranh giới thị trường, hàng hóa dần được xóa bỏ. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) sẽ chọn cách nào để tồn tại và phát triển?
Bài 4: Cả cơ hội lẫn thách thức

Hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN - Cơ hội hay thách thức?

Tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đang bước sang giai đoạn mới, sâu rộng hơn, sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt. Ranh giới thị trường, hàng hóa dần được xóa bỏ. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) sẽ chọn cách nào để tồn tại và phát triển?

Sản xuất gỗ tại một công ty liên doanh. Ảnh: CAO THĂNG

Chia đều cơ hội

Theo TS Đặng Đức Long, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Thông tin Kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương), khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành sẽ có rất nhiều thuận lợi hóa thương mại quan trọng như: Cơ chế hải quan một cửa ASEAN, hệ thống tự chứng nhận xuất xứ, hài hòa hóa tiêu chuẩn và công nhận lẫn nhau... sẽ được triển khai. Ngoài ra, ASEAN cũng đẩy mạnh việc xử lý các biện pháp phi thuế quan và thúc đẩy cơ chế giải quyết tranh chấp. Về dịch vụ và đầu tư, ASEAN hướng tới mức độ tự do hóa cao, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ, thông qua Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS) và Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA). “Khi không còn những ngăn cách về biên giới kinh tế, hàng hóa, dịch vụ và vốn được lưu chuyển tự do trong ASEAN thì DNVN hay nhà đầu tư ASEAN đều có cơ hội như nhau trong việc tận dụng, phát huy ưu thế của thị trường chung 10 nước ASEAN” - TS Đặng Đức Long nhấn mạnh.

Theo Bộ Công thương, năm 2013, kim ngạch của toàn khối ASEAN (không tính Myanmar) bình quân đạt 1.329 tỷ USD, xuất khẩu đạt 1.460,8 tỷ USD, trong đó VN chiếm khoảng 7,36% kim ngạch xuất khẩu và 8,5% nhập khẩu. Xuất khẩu của Việt Nam còn có cơ hội tăng trưởng cao, nếu các sản phẩm sử dụng 40% nguyên liệu trong khu vực sẽ được hưởng các ưu đãi khi xuất khẩu sang các thị trường khu vực ASEAN đã có FTA. Nhưng điều đáng tiếc, đến thời điểm này vẫn chưa có nhiều DNVN tận dụng được lợi thế này để tăng lượng hàng xuất khẩu.

TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, nhìn nhận, thế giới đang trong thời kỳ quá độ bởi các cách thức kinh doanh hiện nay đều có tính cách mạng. Tốc độ dịch chuyển của hàng hóa dịch vụ vốn và lao động, đặc biệt là thông tin rất nhanh. Được dịch chuyển ở cả đầu đi và đến. Nổi bật nhất là cuộc cách mạng về công nghệ thông tin. Theo TS Võ Trí Thành, cùng với AEC, nhiều hiệp định thương mại tự do, quan trọng nhất là TPP, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam và châu Âu…, về nguyên tắc sẽ được ký kết trong năm nay hoặc năm 2015. Đây là một trong những nền tảng cơ bản để DNVN và nền kinh tế VN phát triển nếu chúng ta bắt kịp tốc độ và thời khắc. Ngược lại, chúng ta sẽ phải nhường cơ hội cho người khác.

Chọn cách nào trong “cuộc chơi”?

Số liệu không chính thức cho thấy, chỉ khoảng 30% số DNVN có tìm hiểu về hội nhập và sẵn sàng đối mặt với các cuộc chơi chuẩn bị mở ra (trong khi đó, tại một số nước trong khu vực như Malaysia, có tới 90% số DN cho rằng họ sẽ thành công trong hội nhập). Điều đáng mừng, cho dù có ít số lượng các DN có tâm thế sẵn sàng hội nhập, song ở họ đều thể hiện ý chí sắt đá sẽ phải thắng trong cuộc chơi, và rằng, DNVN đừng bao giờ nghĩ mình nhỏ, cũng đừng quan trọng là không phải “chơi với ai” mà là “chơi thế nào?”.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải, cho rằng, kinh doanh trong môi trường toàn cầu chỉ có thể nói đến thắng và thua. Vào thời điểm này, nếu DN mới tính đến chuyện hội nhập như thế nào, cạnh tranh ra sao sẽ là quá muộn. Với Trường Hải, công ty đã xây dựng một lộ trình và chiến lược phát triển dài hạn. Trong lộ trình cũng phải đặt ra mục tiêu cho từng giai đoạn cụ thể và kiên trì thực hiện. “VN nói chung và DN nói riêng chưa có nhiều thời gian để tích lũy kinh nghiệm thì đã bước vào hội nhập. Nhưng nếu DNVN có chiến lược tốt, có ý chí và nghị lực, được sự hậu thuẫn của Chính phủ nhằm thực hiện tốt các chiến lược quốc gia gắn với lợi ích của DN thì nhiều khả năng chúng ta cũng sẽ thành công trong hội nhập” - ông Trần Bá Dương kết luận.

Với ông Cao Tiến Vị, Tổng Giám đốc Công ty CP Giấy Sài Gòn, đưa sức cạnh tranh của DN lên tầm khu vực là con đường hội nhập bền vững nhất. Để đạt được mục tiêu đó, Giấy Sài Gòn đã thực hiện 2 việc chính là củng cố nội lực và tăng trưởng thị phần, trong đó yếu tố con người sẽ quyết định tất cả. Trong 2 năm gần đây, công ty đã đầu tư mạnh cho nguồn nhân lực, củng cố đội ngũ, chuẩn hóa hệ thống, thể hiện ở tăng hiệu suất hoạt động lên gấp 2 lần. Số nhân viên giảm 30% (400 CBNV), chi phí giảm sâu trong khi doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh (doanh số tăng 22%, lợi nhuận tăng thêm 67 tỷ đồng, lãi biến phí tăng 131%) đã tạo lực đẩy cho Giấy Sài Gòn phát triển.

Trong lĩnh vực bán lẻ - lĩnh vực nhạy cảm nhất khi hội nhập, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, nhìn nhận, “miếng bánh” thị phần chắc chắn phải phân chia. Saigon Co.op không ngại “đối đầu” vì mỗi DN có một thế mạnh riêng và chiến lược, giải pháp kinh doanh riêng. Saigon Co.op phải tự điều chỉnh, năng động hơn, đồng thời có sự đầu tư nhiều hơn cho con người, công nghệ thông tin, ứng dụng đổi mới các quy trình. Ngoài thế mạnh kinh doanh siêu thị, cửa hàng tiện lợi, Saigon Co.op đã cẩn thận chọn đối tác để mở rộng đầu tư các mô hình kinh doanh mới như đại siêu thị, đại siêu thị kết hợp với bán sỉ, trung tâm thương mại… Vấn đề còn lại Chính phủ cần có những chính sách và bước đi phù hợp để tạo điều kiện cho các DN trong nước phát triển và lớn mạnh.

Theo ông Hòa, Nhà nước phải quy hoạch phát triển hệ thống phân phối một cách cụ thể, rõ ràng như những khu vực, lĩnh vực nào dành cho nước ngoài; khu vực, vị trí nào thì hướng các DNVN phát triển. Cũng nên có những chính sách linh động trong việc giao đất cho nhà đầu tư. Lâu nay, chúng ta áp dụng hình thức giao đất thu tiền một lần, khiến mức đầu tư bỏ ra rất lớn, đa phần là quá khả năng của DN trong nước. Nên linh hoạt cho DN trong nước được phép lựa chọn hình thức một lần hay trả tiền thuê hằng năm. Với hình thức trả tiền thuê đất mỗi năm, DN sẽ có thể gặp rủi ro khi Nhà nước điều chỉnh chính sách nhưng vẫn có thể chấp nhận được.

Có thể nói, để chuẩn bị cho chiến lược hội nhập và toàn cầu hóa, không còn con đường nào khác, đối với DN là phải tăng năng lực cạnh tranh, còn Chính phủ phải đẩy nhanh cải cách. Ở góc độ DN, để cạnh tranh toàn cầu phải gắn liền với quá trình không ngừng đổi mới và sáng tạo, gắn với học hỏi, quan sát xem thế mạnh của DN đối thủ là gì, từ đó hoạch định chiến lược cho riêng mình. Nếu mỗi DN đều trở thành một tổ chức học hỏi, chắc chắn đội ngũ DNVN sẽ lớn mạnh. Còn với Chính phủ, cần có 1 tầm nhìn thời đại gắn với cuộc chơi mới nhằm cải cách thể chế, giúp tiết giảm chi phí tối thiểu, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho DN. Bởi hiện nay ngoài 30% số DN có thể cạnh tranh, chúng ta vẫn còn tới 70% số DN chưa thể “vươn ra biển lớn”. Cải cách cũng gắn với tiến trình làm cho các luật lệ VN tương thích với thế giới và phải thực thi một cách nghiêm túc. Điều quan trọng, Chính phủ phải từng bước hoàn thiện để hướng đến một chính phủ thân thiện.

THÚY HẢI

- Bài 3: Bán lẻ - không còn “vùng cấm”

Tin cùng chuyên mục