Chuyện kinh doanh

Bài bản và chuyên nghiệp

Mới đây, tại buổi họp báo về Lễ hội Lâm sản (sẽ được tổ chức ở TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định vào cuối tháng 3-2011), ông Trần Đức Sinh, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores) cho biết, năm nay dự kiến các doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ sẽ xuất khẩu khoảng 3,1 tỷ USD (năm 2009 là 2,6 tỷ USD) nhưng ngành chế biến gỗ Việt Nam phải bỏ ra hơn 1 tỷ USD để nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ các nước, chiếm hơn 1/3 kim ngạch xuất khẩu, làm giảm lợi nhuận cho DN và người trồng rừng trong nước bị lao đao vì đầu ra.

Nhưng vài năm gần đây, cũng theo ông Trần Đức Sinh, việc trồng rừng đã thu hút khá nhiều DN trong và ngoài nước tham gia. Các DN phải cạnh tranh nhau để xin giấy phép đầu tư. Điều này trái ngược với nhiều năm về trước, không ai chịu trồng rừng. Đây là điều đáng mừng không chỉ cho môi trường mà cả ngành chế biến gỗ, có thể chủ động được nguồn gỗ nguyên liệu chế biến, không phải lệ thuộc nước ngoài (gần 80% nguyên liệu gỗ hiện nay phải nhập khẩu). Và điều này cũng sẽ giúp cho ngành chế biến gỗ Việt Nam được cân đối và bền vững hơn giữa trồng và chế biến.

Một trong những địa phương đi đầu trong trồng rừng và liên kết các tỉnh để trồng rừng là Bình Định. Đây cũng là địa phương có lực lượng DN chế biến gỗ hùng hậu, làm cho TP Quy Nhơn trở thành một trong 2 nơi chế biến và xuất khẩu lớn nhất cả nước. Theo ông Nguyễn An Điềm, Chủ tịch HĐQT, Tổng Công ty Sản xuất đầu tư dịch vụ xuất nhập khẩu Bình Định (PISICO), đây là một trong những DN trồng rừng từ khá lâu, nhận trồng và chăm sóc 12.000 ha cho các nhà đầu tư Nhật Bản từ năm 1995.

Có làm việc với các nhà đầu tư này mới thấy được tính bài bản, chuyên nghiệp và tầm nhìn chiến lược của họ hơn ta ngay từ đầu. 2 bên có cùng thời điểm trồng rừng (keo, bạch đàn) như nhau, trong khi chúng ta vô tư trồng chưa nghĩ ngợi gì nhiều thì họ đã âm thầm hoàn thành tất cả các thủ tục để có được chứng chỉ FSC (chứng chỉ rừng trồng).

Đây là một yêu cầu mà thời điểm đó chưa hẳn là bắt buộc, nhằm tiến tới việc trồng, khai thác rừng và chế biến làm sao cho cân đối, bền vững. Các thủ tục này không hề đơn giản, điều quan trọng là phải có thông tin ngay từ đầu, tầm nhìn và hoàn thiện các yêu cầu. Do vậy, trong quá trình này, khi khoán chúng ta trồng, chăm sóc cho đến khi thu hoạch thì họ cũng đã làm xong thủ tục để được cấp FSC. Kết quả, gỗ của họ bán cao giá hơn gỗ của DN Việt Nam khoảng 30% dù cùng kích cỡ và thời gian trồng.

Đến lúc đó, các DN trong nước mới vỡ lẽ và tiến hành làm các thủ tục nhưng không hề đơn giản, đặc biệt là đụng chuyện quy hoạch sử dụng đất, giấy chứng nhận cấp đất (sổ đỏ), một trong những yêu cầu phải có. Không những vậy, những nhà đầu tư này lại còn mua lại gỗ nguyên liệu của doanh nghiệp trồng rừng trong nước và bán lại, hưởng mức chênh lệch không dưới 30%.

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục