Những “thủ lĩnh” doanh nghiệp thời hiện đại

Bài cuối: TS - KTS Đào Đức Nghĩa, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP Kỹ thuật Xây dựng - Cotec Group: Hãy xem anh là bạn

Bài cuối: TS - KTS Đào Đức Nghĩa, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP Kỹ thuật Xây dựng - Cotec Group: Hãy xem anh là bạn
Bài cuối: TS - KTS Đào Đức Nghĩa, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP Kỹ thuật Xây dựng - Cotec Group: Hãy xem anh là bạn ảnh 1

Anh được giới báo chí đánh giá là một doanh nhân cởi mở và rất thân thiện với các nhà báo. Quan điểm của anh là hãy xem báo chí như  những người bạn. Khi đã là bạn của nhau thì phải chân tình, cởi mở. Nếu mình sai hay có điều gì chưa tốt, chưa hay thì bạn sẽ góp ý phê bình trên tinh thần xây dựng để mình tiến bộ hơn, còn nếu mình đúng, mình tốt thì bạn cũng sẽ là người động viên khích lệ để mình phát huy, nhân rộng cái điều tốt đẹp đó hơn lên. Tôi muốn dùng quan điểm này của anh để làm thông điệp gửi đến tất cả các vị “thủ lĩnh” doanh nghiệp và cũng là để kết thúc loạt bài viết về những doanh nhân thời hiện đại mà tôi từng biết đến.

Trong quá trình tác nghiệp, cánh nhà báo chúng tôi rất hay bị các doanh nghiệp, mà chính xác là các “ông chủ”, “thủ lĩnh” của nhiều doanh nghiệp né tránh. Không ít người trong số họ còn tỏ ra dị ứng với báo chí nên không giao tiếp, thậm chí còn áp dụng cả chính sách “bế quan tỏa cảng” đối với các nhà báo. Thế nhưng Đào Đức Nghĩa thì hoàn toàn khác.

Anh được giới báo chí đánh giá một doanh nhân cởi mở và rất thân thiện với các nhà báo. Tôi nhớ có một lần trong một buổi họp mặt với các anh chị em báo chí thân quen, anh nói: “Anh rất thích được làm bạn với các nhà báo. Cứ hãy xem anh như là một người bạn”. Nói rồi anh giải thích, nhà báo là đội ngũ tri thức, có trình độ và nhiều hiểu biết, vì vậy nếu làm bạn với các nhà báo thì đó là một tốt đẹp. Đã là bạn của nhau thì phải chân tình, cởi mở.

Nếu mình sai hay có điều gì chưa tốt, chưa hay thì bạn sẽ góp ý phê bình trên tinh thần xây dựng để mình tiến bộ hơn, còn nếu mình đúng, mình tốt thì bạn cũng sẽ là người động viên khích lệ để mình phát huy, nhân rộng cái điều tốt đẹp đó lên. Vậy thì tại sao phải né tránh, phải e dè đối với các nhà báo? “Anh không như thế, anh thích được làm bạn với báo chí” - anh nói như thể để nhấn mạnh lại quan điểm của mình.

Trên thực tế Đào Đức Nghĩa là người sống rất tình cảm, chu đáo, chân tình và rất tốt với bạn bè, dù đó là những người bạn chưa mấy thân quen. Tôi nhớ có lần qua trao đổi điện thoại với tôi anh nói: “Anh mới đi Úc về, có quà cho em đây, đến nhanh không thì hết đấy!”. Tôi thực sự cảm động nhưng vì công việc quá bận rộn nên tôi không thể đến được ngay thời điểm đó. Một thời gian sau, khi có việc cần trao đổi với anh, tôi đến gặp anh và thật bất ngờ “món quà Úc” ngày nào, vẫn còn được anh giữ lại cho tôi. 

Tốt nghiệp đại học và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở Tiệp Khắc (cũ), Đào Đức Nghĩa về nước làm việc trong khoảng thời gian đất nước còn nhiều gian khó và gần như cả đời anh dành cho nghề kiến trúc. Công việc này đòi hỏi sự sáng tạo, linh hoạt và tầm nhìn, vì vậy, với anh công việc quản trị và kiến trúc có nhiều điểm tương đồng, và đôi khi bổ trợ lẫn nhau.

Trong kiến trúc, người ta hướng đến sự hài hòa tổng thể, nhưng song song đó, các chi tiết góp phần hình thành nên cái tổng thể đó, và công việc quản trị cũng thế, nó đòi hỏi cả tầm vĩ mô và vi mô. Công việc kiến trúc sư cần sự lãng mạn, niềm tin và hy vọng, tuy nhiên công việc điều hành, quản trị đòi hỏi có sự quyết đoán, nội lực và khả năng đương đầu, vượt qua khó khăn thử thách. Đề cập đến vấn đề văn hóa doanh nghiệp, anh cho rằng: văn hóa doanh nghiệp là làm ăn bài bản, nghiêm túc, giữ uy tín tuyệt đối với khách hàng, là sự tôn trọng nhau và thành công của công ty cũng chính là thành công của cộng đồng  xã hội. 

Trên thực tế, Đào Đức Nghĩa là người có cuộc sống nội tâm phong phú. Là doanh nhân, chuyên nghiên cứu, làm việc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên nhưng anh cũng là người rất yêu thích thơ văn. Theo anh, văn học sẽ giúp cho trí tưởng tượng của các kiến trúc sư bay bổng, từ đó giúp họ có được những tác phẩm, những công trình đạt yếu tố nghệ thuật, thẩm mỹ cao hơn. “Tôi luôn khuyến khích anh em dù bận rộn thế nào cũng nên cố gắng dành thời gian đọc thêm sách báo, lúc thư thái, hãy bồi dưỡng tâm hồn mình bằng những bài thơ, những bản nhạc trữ tình… Như thế bạn sẽ thấy công việc và cuộc sống của mình ý nghĩa hơn, nhân văn hơn” - anh nói.

Hôm dự lễ động thổ xây dựng Trung tâm Thương mại Cotec Hội An, nhìn anh nhanh nhẹn, hoạt bát và dõng dạc công bố, trao quyết định khởi công cho 4 giám đốc thành viên trẻ trung, năng động của Cotec Group, tôi như thấy hiển hiện trước mắt mình một công trình mới với những tòa nhà đẹp rực rỡ, nườm nượp khách vào ra… Đó phải chăng cũng chính là hình ảnh tươi sáng, sinh động, báo hiệu sự thành công, vững bền của Cotec Group mà anh - vị “thủ lĩnh” đang ngày đêm ấp ủ…

Những “thủ lĩnh” doanh nghiệp thời hiện đại mà tôi biết dường như có một điểm rất chung, đó là niềm đam mê công việc. Dù có thể phong cách làm việc của mỗi người mỗi khác, nhưng tựu trung lại, họ có một tinh thần trách nhiệm rất cao, và sự  năng động, yêu thích khám phá, tìm tòi học hỏi để đạt được hiệu quả tối ưu trong điều hành công việc dường như ở ai cũng có. Trong loạt bài viết này (khởi đăng từ ngày 7-10-2008 trên trang “Doanh nghiệp - Doanh nhân”), chúng tôi lần lượt giới thiệu đến bạn đọc một số gương mặt tiêu biểu, vốn là “thủ lĩnh” của những doanh nghiệp, những ngành nghề đang được xem là “rường cột” của nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên ở đây chúng tôi không giới thiệu những thành tích, những chiến công của các vị “thủ lĩnh”, mà đơn giản chỉ ghi nhận, phản ánh lại một phần, một góc, đôi khi chỉ là một vài chi tiết nhỏ, nhưng lại thể hiện, khắc họa một cách thật sinh động, thật sâu sắc cuộc sống, tâm hồn và phẩm chất tốt đẹp của họ trong điều hành công việc.

Nguyễn Thu Tuyết

Tin cùng chuyên mục