Bài học bảo vệ môi trường

Để tái tạo môi trường nước, mỗi năm TPHCM thả hơn 1 triệu cá giống xuống kênh rạch. Thế nhưng, một số người dân đang tận diệt nguồn cá này bất chấp các biển cấm. Khi chính quyền địa phương kiểm tra, ngăn chặn hành vi câu cá ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, những người câu cá lại chuyển qua nhánh sông Sài Gòn, đoạn gần xa lộ Hà Nội (quận 2, TPHCM) và thậm chí lại có nhiều người còn đánh bắt cá bằng lưới hoặc dùng kích điện (ảnh 1).
Bài học bảo vệ môi trường

Để tái tạo môi trường nước, mỗi năm TPHCM thả hơn 1 triệu cá giống xuống kênh rạch. Thế nhưng, một số người dân đang tận diệt nguồn cá này bất chấp các biển cấm. Khi chính quyền địa phương kiểm tra, ngăn chặn hành vi câu cá ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, những người câu cá lại chuyển qua nhánh sông Sài Gòn, đoạn gần xa lộ Hà Nội (quận 2, TPHCM) và thậm chí lại có nhiều người còn đánh bắt cá bằng lưới hoặc dùng kích điện (ảnh 1).

Ảnh 1

Mặc dù nơi đây có đường dây cao thế bên trên, mới tháng trước có người câu cá bị phóng điện tử vong, biển cấm câu cá và cảnh báo nguy hiểm cũng được gắn hai bên bờ, nhưng nhiều người vẫn thách thử “tử thần”, kéo đến đây đánh bắt cá ngày càng nhiều hơn (ảnh 2).

Ảnh 2

Trước đây, nhiều người vẫn biện minh rằng câu cá chỉ để giải trí, nhưng thực tế ai cũng hiểu rằng đó là hành động phá hoại môi trường, đánh bắt cá để kinh doanh. Hiện một số địa phương áp dụng biện pháp tịch thu cần câu và yêu cầu thả lại cá xuống kênh là chưa hợp lý, vì cá bị câu lên đã tổn thương như rách miệng, tróc vẩy, sức sống giảm và có thả trở lại môi trường, cá cũng khó sống được và sẽ làm tăng ô nhiễm nước kênh. Ngoài ra, biện pháp xử lý này chưa đủ sức răn đe, do vậy cần có giải pháp thiết thực hơn và phải bảo vệ đồng bộ ở tất cả các dòng kênh.

Đã hơn 3 năm từ khi các phường, quận cắm các biển cấm đánh bắt cá ở các tuyến kênh rạch, nhưng vì không có chế tài phạt nên không có hiệu quả. Chỉ khi dư luận phản ứng, các phường, quận mới ra quân kiểm tra, rồi sự việc lắng xuống sau đó vài ngày, người dân tiếp tục câu trở lại.

Thiết nghĩ, nên có quy định chế tài buộc người câu cá phải bồi thường việc gây tổn thất cho môi trường bằng cách phải đóng tiền phạt để góp kinh phí mua cá giống về thả xuống kênh, rạch. Thông thường, những việc tự tay mình làm thì sẽ biết chăm chút, ví như khi tự tay quét nhà thì sẽ không xả rác ra nhà, khi tự tay trồng cây sẽ không phá hại cây. Đó sẽ là bài học thiết thực bảo vệ môi trường.

THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục