Năm - là số lượng thẻ tín dụng trung bình mỗi người dân Hàn Quốc đang sở hữu, biến quốc gia này đứng đầu bảng xếp hạng nước có số thẻ tín dụng trên đầu người nhiều nhất thế giới. Lý do gì khiến một quốc gia tiết kiệm trở thành quốc gia “phát cuồng” vì thẻ tín dụng như hiện nay.
Tờ Businessweek lý giải nguyên nhân này xuất phát từ việc các ngân hàng ra sức quảng bá việc thuận tiện khi sử dụng thẻ tín dụng trong thanh toán, với những hứa hẹn hấp dẫn khi “vay trước trả sau”. Bên cạnh đó cũng là nguyên nhân văn hóa tiêu dùng đang xâm lấn nền kinh tế của Hàn Quốc. Theo Bank of Korea, năm 2011, trung bình mỗi người dùng thẻ để thực hiện 129,7 giao dịch, tăng so với 114,9 lần của năm 2010, bỏ xa người Canada (89,6 giao dịch trong năm), Mỹ (77,9). Ông Young Sik Jeong, chuyên gia theo dõi khoản nợ hộ gia đình cho biết: “Vào những năm 1990, rất khó cho một hộ gia đình muốn vay tiền ngân hàng để làm gì đó. Bây giờ thì quá dễ cho mọi người với tới các khoản vay ngân hàng và có trong tay nhiều thẻ tín dụng. Người ở ngân hàng còn bày những chiếc bàn gấp ở vỉa hè để dụ khách qua lại điền giấy đăng ký mở thẻ”.
Hậu quả của hình thức tín dụng luôn sẵn sàng là trên vai người Hàn Quốc phải gánh những khoản nợ không nhỏ. Nếu vào năm 1990, người dân Hàn tiết kiệm 22,2% thu nhập thì đến năm 2012, khoản tiết kiệm này rớt xuống còn có 3,4% và tỷ lệ nợ của hộ gia đình so với thu nhập sau thuế là 160%, cao hơn nước Mỹ vào năm 2007, ngay trước kỳ bong bóng bất động sản ở Mỹ vỡ. Ước tính các khoản vay thế chấp chiếm 2/3 nợ của hộ gia đình và việc giá nhà cao khiến các khoản vay càng thêm trầm trọng. Trong khi đó, vay mượn để đầu tư cho con cái học hành cũng ngày càng lớn dần. Trong một xã hội cạnh tranh như Hàn Quốc, học những trường tinh hoa hay du học ở nước ngoài, theo quan niệm của các bậc cha mẹ, là điều kiện tiên quyết để thành đạt. Ông Tom Coyner thuộc Công ty tư vấn tài chính Soft Landing ở Seoul nhận định cả nền kinh tế Hàn Quốc đang vận hành trên nguyên lý sử dụng đòn bẩy tài chính quá mức. Người dân nước này đang sống trong tâm trạng, nếu anh không sử dụng đòn bẩy tài chính, người khác sẽ đầu tư nhiều hơn và anh sẽ bị bỏ lại ở phía sau.
Câu chuyện hiện nay diễn ra tại Hàn Quốc nhắc người ta phải nhớ đến cuộc khủng hoảng tài chính hơn 5 năm trước xảy ra tại Mỹ. Nhiều chuyên gia kinh tế khi nhìn nhận lại cuộc khủng hoảng này đều cho rằng nó là hệ quả của quá trình phát triển rất nhanh các ngân hàng và tổ chức tài chính - tín dụng với những sản phẩm tín dụng phát sinh mới lạ, đa dạng và không thể kiểm soát nổi trong 10 năm trở lại đây. Hệ thống tài chính - tín dụng đã vươn quá xa so với chức năng truyền thống của mình là trung gian tín dụng và thanh toán. Từ đó tạo nên sự bùng nổ về đầu tư, đầu cơ trên các thị trường nhạy cảm như vàng, dầu mỏ, địa ốc, chứng khoán, bảo hiểm… đã tạo ra cung - cầu giả tạo. Người dân dần quên mất khả năng tiết kiệm, lao vào việc chi tiêu không có kế hoạch và tất yếu là phải gánh trên vai những khoản nợ khổng lồ. Mất khả năng chi trả và nợ xấu đẩy về các ngân hàng và khiến các tổ chức tài chính này phải sụp đổ. Những hệ lụy của cuộc khủng hoảng này vẫn còn ám ảnh nước Mỹ đến tận thời điểm này.
Nhìn lại Hàn Quốc, hiện tại, việc lạm dụng thẻ tín dụng chưa phải là vấn đề lớn đối với Hàn Quốc nhưng đó sẽ là một nguy cơ đối với quốc gia này nếu mọi thứ đều vượt tầm kiểm soát và thói quen chi tiêu ngày càng lấn át thói quen tiết kiệm.
THANH HẰNG