Ngày 27-2-1955, nhân dịp Bộ Y tế nước ta tổ chức hội nghị cán bộ y tế, Bác Hồ đã gửi thư cho hội nghị căn dặn 3 điều:
- Trước hết là phải thật thà đoàn kết - Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích.
- Thương yêu người bệnh - Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. “Lương y phải như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng.
- Xây dựng một nền y học của ta - Trong những năm nước ta bị nô lệ thì y học cũng như các ngành khác đều bị kìm hãm. Nay chúng ta đã độc lập tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp Chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta. Y học cần phải dựa trên nguyên tắc: khoa học dân tộc và đại chúng.
Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc Đông và thuốc Tây”.
Với ý nghĩa sâu sắc của bức thư này, từ năm 1985, ngày 27-2 được chọn là Ngày Thầy thuốc Việt Nam.
Trong lịch sử y học của nước ta có rất nhiều lương y để lại tiếng vang muôn thuở như: Hải Thượng Lãn Ông (Lê Hữu Trác), Tuệ Tĩnh… Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và thời kỳ khôi phục xây dựng đất nước, chúng ta cũng có rất nhiều bác sĩ là những tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo học tập như Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Đỗ Tất Lợi, Đặng Thùy Trâm… Cũng vì ý nghĩa cao cả của nó mà những người làm nghề nghiệp này được xã hội tôn vinh là những người thầy.
Tuy nhiên trong những năm gần đây, ngành y của nước nhà cũng bị ảnh hưởng bởi một số người hành nghề nhưng không theo nghiệp, dùng nghề y để kiếm lợi bất chính, coi thường tính mạng của người bệnh, thiếu tận tâm tận lực, làm ảnh hưởng xấu đến thanh danh được xã hội tôn vinh, mà gần đây nhất là vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường gây bức xúc, căm phẫn trong dư luận xã hội. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Nhưng nguyên nhân trực tiếp và quan trọng nhất là một số người làm nghề y dược không chịu học tập, tu dưỡng bản thân theo y đức. Mặt khác, việc giáo dục y đức cho các thế hệ người làm nghề thầy thuốc chưa được coi trọng.
Trong chương trình đào tạo ở các bậc học của ngành y dược, chúng ta có thể tiếp thu những kiến thức tiên tiến của nhân loại, những thành tựu xuất sắc của các nước… Song riêng về giáo dục y đức thì chúng ta phải tự xây dựng lấy trên cơ sở kế thừa các tấm gương đạo đức của các danh y nước nhà, kết hợp với những nguyên lý căn bản về y đạo mà chúng ta đã tích lũy và xây dựng từ bao đời nay. Y đức là bài học đầu tiên của bất cứ người nào muốn bước vào học và hành nghề này.
Mặt khác, những người quản lý và điều hành các cơ sở y tế trong cả nước phải luôn luôn nhắc nhở cán bộ, y bác sĩ của mình tuân thủ theo các quy định về y đức; đồng thời có cơ chế kiểm soát chặt chẽ các hoạt động hành nghề y dược ở mọi nơi, mọi lúc, không để xảy ra tình trạng người bệnh tố cáo các hoạt động vi phạm y đức thì mới biết và xử lý…
Ngày 27-2 là Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Nhưng việc giữ gìn y đức thì phải thực hiện quanh năm, kể cả những ngày lễ, tết. Đó là điều mong mỏi của toàn xã hội.
PHAN LỘC