Bài học lắng nghe dân

Ngày 20-2-2014, Báo SGGP đã đăng bài “
Bài học lắng nghe dân

Ngày 20-2-2014, Báo SGGP đã đăng bài “Tiền chờ dân, dân chờ huyện?”, phản ánh tình trạng chậm trễ trong việc triển khai giải phóng mặt bằng để thi công đường dây 220kV nhằm kịp tiến độ đóng điện tăng nguồn cung cấp điện mùa khô cho TPHCM. Sau khi bài báo được đăng tải, đã có sự phản hồi tích cực.

        Một tháng bằng nửa năm

Đến giữa tháng 2-2014, có 2/3 số mặt bằng giải tỏa đền bù để xây dựng 78 móng trụ điện đã được người dân đồng thuận. Tuy nhiên, đơn vị thi công chưa thể triển khai công việc, do địa phương chưa có phương án bồi thường cho dân. Ngay hôm Báo SGGP đăng bài phản ánh việc này, lãnh đạo TPHCM đã triệu tập cuộc họp khẩn, chỉ đạo huyện Củ Chi và các ngành chức năng liên quan quyết liệt vào cuộc để đẩy nhanh tiến độ.

Ngày hôm sau 21-2, UBND huyện Củ Chi đã tổ chức cuộc họp để giải quyết các vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Một tuần sau, hội đồng bồi thường huyện đã thông qua phương án bồi thường phần hành lang lưới điện giai đoạn 1 cho 366 hộ dân và sau đó vài ngày, tiếp tục phê duyệt và thông qua phương án bồi thường, hỗ trợ 78 vị trí móng trụ. Tiếp đó, trong các ngày 6, 7 và 10-3, huyện công bố phương án đền bù tới tận các hộ dân tại các xã có công trình đi qua.

Ông Nguyễn Văn Đuộc, chủ cơ sở sản xuất bánh tráng ở xã Phú Hòa Đông (bìa trái) cho biết sẵn sàng ủng hộ công trình nhà nước, nhưng đừng để dân thiệt thòi.

Ông Nguyễn Văn Đuộc, chủ cơ sở sản xuất bánh tráng ở xã Phú Hòa Đông (bìa trái) cho biết sẵn sàng ủng hộ công trình nhà nước, nhưng đừng để dân thiệt thòi.

Trong 3 ngày 10, 11 và 12-3, huyện Củ Chi tiếp tục công bố phương án bồi thường phần hành lang lưới điện giai đoạn 2 cho các xã còn lại; truy tìm chủ sở hữu các thửa đất bị ảnh hưởng bởi dự án nhưng không cư ngụ tại địa phương, để thỏa thuận việc bồi thường. Việc chi trả tiền đền bù phần móng trụ cho dân đã được thực hiện và huyện công bố tiếp giai đoạn 2 đền bù phần hành lang.

Tính từ khi Báo SGGP phản ánh tình trạng công trình bị trì trệ, chỉ trong chưa đầy một tháng, việc đền bù, giải phóng mặt bằng đã đạt 90% - một khối lượng công việc phải làm trong nửa năm. Ông Lê Viết Toản, Giám đốc Ban Quản lý dự án lưới điện, chủ đầu tư công trình, tâm sự: “Công trình ảnh hưởng đến hơn 1.000 hộ dân, với rất nhiều phần việc như kiểm kê, làm hồ sơ, khảo sát, gặp dân thỏa thuận… Do vậy, huyện và chủ đầu tư phải tích cực kết hợp làm ngày làm đêm”. Tính đến ngày 27-3, đơn vị thi công đã dựng được 45 trụ và 62 móng.

        Tìm kiếm sự đồng thuận

Thái độ khắc phục tình trạng trì trệ, trở bộ quyết liệt của các ban ngành chức năng huyện Củ Chi rất đáng được ghi nhận. Yếu tố quan trọng góp phần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng chính là biết lắng nghe dân để kịp thời tháo gỡ vướng mắc.

Khi đến trụ sở UBND xã Phú Hòa Đông, chúng tôi thấy ngay tại bàn tiếp dân, chính quyền xã đặt hộp thư tiếp nhận thư góp ý của người dân về đền bù đường dây 220kV Cầu Bông - Củ Chi. Cán bộ xã giải thích: “Chúng tôi lập hộp thư này để bà con chưa hài lòng điều gì về công tác đền bù, bồi thường có thể góp ý, xã sẽ tổng hợp gửi lên huyện”. Trước đó, huyện phối hợp với xã tổ chức gặp dân, công bố phương án đền bù để bà con góp ý và còn nhắn nhủ: Nếu chưa hài lòng, người dân hãy đề đạt nguyện vọng bằng thư góp ý, sau đó, huyện sẽ tiếp tục gặp dân để trao đổi, tìm kiếm hướng đồng thuận.

Các cán bộ trong Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện kể rằng mấy hôm rày đi gặp dân liên tục, gặp ban ngày rồi còn gặp cả ngoài giờ, vì có người bận đi làm. Đi gặp dân cũng đầy đủ ban bệ: các ban ngành của huyện, xã, chủ đầu tư, kể cả đơn vị thi công, để có thể giải thích thấu đáo cho dân những vướng mắc về mặt kỹ thuật. Ông Nguyễn Văn Đuộc, chủ hộ sản xuất bánh tráng xuất khẩu tại ấp Phú Hòa, xã Phú Hòa Đông, có 300m2 mặt bằng bị ảnh hưởng để xây móng trụ số 34, nói: “Đoàn vận động đã gặp tôi 2 lần. Mặt bằng này là nơi phơi bánh tráng, dành đất để nhà nước trồng trụ điện thì tôi ủng hộ, nhưng đơn vị thi công phải có phương án thi công cụ thể để không ảnh hưởng đến sản xuất, đồng thời đừng để tôi thiệt thòi quá là được”.

Tính đến nay, chỉ còn vướng 5 hộ chưa đồng ý mức đền bù dù đoàn vận động đã tiếp xúc 3 lần. Theo một cán bộ huyện, trong tuần tới, chủ tịch huyện sẽ đích thân gặp các hộ này để trao đổi và tìm kiếm sự đồng thuận.

THƯ LÊ

Tin cùng chuyên mục