Bài học lớn nhất là tạo sức mạnh dân tộc vượt lên trên sức mạnh vật chất

Nhân kỷ niệm 85 năm ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (ảnh) đã trao đổi về bài học phát huy đại đoàn kết toàn dân, nhất là trong bối cảnh hiện nay và giai đoạn tới.
Bài học lớn nhất là tạo sức mạnh dân tộc vượt lên trên sức mạnh vật chất

Nhân kỷ niệm 85 năm ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (ảnh) đã trao đổi về bài học phát huy đại đoàn kết toàn dân, nhất là trong bối cảnh hiện nay và giai đoạn tới.

* Phóng viên: Với cương vị là Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, điều gì khiến đồng chí tâm đắc nhất với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc 85 năm qua?

* Đồng chí NGUYỄN THIỆN NHÂN: Ngay từ khi thành lập Đảng, chúng ta đã thấy rõ, ở một nước thuộc địa, khi 90% người dân là không biết chữ, cuộc sống rất khó khăn thì muốn có một sức mạnh để thắng được chế độ thực dân, áp bức của một đế quốc lớn, không cách nào khác là tạo nên một sức mạnh của tất cả người dân để làm cách mạng. Chưa đầy một năm sau khi Đảng thành lập, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18-11-1930) được thành lập, đó là đặc điểm của cách mạng nước ta. Trong 85 năm qua, chúng ta trải qua những giai đoạn lịch sử khác nhau. Trong suốt quá trình đó, về mặt điều kiện cơ sở vật chất thì có thể thấy chúng ta thua về trang bị quân sự; GDP đầu người thấp hơn các nước. Chúng ta vươn lên trong bối cảnh lúc nào cũng cảm thấy nhỏ bé, nhưng thực sự chúng ta không nhỏ bé. Vì nếu nhỏ bé chúng ta không thắng.

Theo tôi, bài học lớn nhất chính là tạo sức mạnh dân tộc vượt lên trên sức mạnh vật chất. Hình thức mặt trận tập hợp nhân dân là hình thức vô cùng hiệu quả, đây chính là sáng tạo của Đảng ta. Đại đoàn kết dân tộc dựa trên 3 yếu tố là lòng yêu nước, đồng thuận về mục tiêu đường hướng phát triển, huy động sáng tạo của mọi người để tạo nên sức mạnh của cộng đồng. Lòng yêu nước là nền tảng chung, đồng thuận phát triển là yếu tố gắn bó. Phát huy sáng tạo của hàng triệu người và sáng tạo đó được phối hợp, tích hợp với nhau tạo nên sức mạnh mới của dân tộc. Bài học đó còn có giá trị lâu dài.

* Gần đây, mặt trận đã có nhiều hoạt động cụ thể và mạnh mẽ nhằm thể hiện rõ vai trò giám sát và phản biện xã hội, được dư luận nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Trong thời gian tới, MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục hoạt động này ra sao?

*
Mặt trận có vị trí rất quan trọng là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Bộ máy nhà nước rất ít người với một phường xã có vài chục người, ở huyện khoảng 100 người thì không thể thực hiện giám sát được. Chỉ có người dân với hàng chục triệu người mới làm giám sát được, và việc giám sát phải có tổ chức. Trước kia mặt trận làm giám sát đơn giản, nhất là giám sát cán bộ đảng viên ở khu dân cư tham gia bỏ phiếu tín nhiệm với những người được HĐND bầu ra ở cấp xã. Bây giờ giám sát cao hơn, theo chủ đề, có chương trình phối hợp. Đặc biệt là sau giám sát, kết quả phải được chính quyền lắng nghe và trả lời theo quy định của pháp luật.

Từ đầu năm 2014, thực hiện Hiến pháp 2013, ở cấp trung ương, MTTQ Việt Nam phối hợp với các tổ chức thành viên với các bộ ngành đã triển khai 8 chương trình giám sát để rút kinh nghiệm, tạo cơ chế, điển hình là giám sát thực hiện chính sách đối với người có công đã mang lại kết quả rất tốt. Trong năm 2016, chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ chọn một vấn đề mà toàn dân rất quan tâm để huy động hàng trăm ngàn người dân tham gia giám sát, tương tự như cách đã làm giám sát với người có công. Sự hài lòng của người dân là cơ sở quan trọng để đánh giá chất lượng hiệu quả phục vụ của bộ máy chính quyền các cấp. Năm 2015 đã thực hiện thí điểm ở một số đơn vị của 20 tỉnh thành; dự kiến năm 2016 sẽ kiến nghị với Chính phủ để mặt trận tham gia đánh giá sự hài lòng của người dân tại tất cả 63 tỉnh thành.

Còn về phản biện xã hội, vừa qua mặt trận tổ chức góp ý cho văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Hiện nay MTTQ Việt Nam đang tập hợp lại các ý kiến. Trên cơ sở ý kiến của mặt trận, các giới, các địa phương, trong tháng 11 hoặc 12, Bộ Chính trị sẽ nghe tập hợp ý kiến chính thức của tất cả người dân cho văn kiện Đại hội Đảng để đưa ra Hội nghị Trung ương trong tháng 12-2015.

* Hàng chục năm qua, MTTQ Việt Nam đã triển khai nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước một cách toàn dân, toàn diện và có sức sống lâu bền. Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng, những cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước cần được đổi mới như thế nào để phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc?

Bác Hồ đã nói thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Yêu nước thì phải hành động để góp phần cho đất nước phát triển. Mỗi giai đoạn lịch sử của chúng ta là các phong trào thi đua. Trong giai đoạn 20 năm gần đây, mặt trận tập hợp nhân dân qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Ngày vì người nghèo”. Từ thành quả này cần tiếp tục tổ chức các cuộc vận động hiệu quả hơn nữa, có thể ít về số lượng nhưng phải có sức sống lâu bền hơn.

Thứ nhất, từ năm 2016, mặt trận sẽ thực hiện cuộc vận động mới “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” để tích hợp tất cả các nội dung đã thực hiện lâu nay với phong trào mà Chính phủ phát động. Đây sẽ là cuộc vận động trung tâm trong thời gian sắp tới.

Thứ hai, tiếp tục cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sâu sắc hơn, phù hợp hơn với giai đoạn hội nhập ngày càng cao.

Thứ ba, chúng ta có một lợi thế rất quan trọng, đó là con người Việt Nam cần cù, sáng tạo, dũng cảm. Việt Nam hiện đang ở thời kỳ dân số vàng, tức là lực lượng lao động đủ trong vòng 20 năm nữa. Lịch sử thế giới 50 năm gần đây cho chúng ta một bài học: phải hình thành một xã hội mà ở đó những người lớn đến tuổi lập gia đình cần có ít nhất 2 con để tái tạo gia đình mình thì đất nước mới bền vững. Tôi muốn nhấn mạnh, hiện nay bình quân cả nước là một gia đình sinh trên dưới 2 cháu; nhưng ở các đô thị chỉ là trên dưới 1,7 cháu; ở TPHCM là 1,4 cháu. Nếu kéo dài sẽ đẩy Việt Nam rơi vào tình trạng không bền vững về lao động, dân số. Nên nhớ, Nhật Bản, Đức, Singapore, Hàn Quốc… sau 10 năm đều gặp khó khăn về dân số, họ phải ban hành chính sách dân số mới để hỗ trợ việc sinh thêm con. Nên sắp tới cần có một cuộc vận động toàn xã hội xây dựng gia đình hạnh phúc, mỗi người nên có hai con vì mình và vì đất nước để phát triển bền vững lâu dài.

Thứ tư, để phát triển hội nhập thắng lợi thì phải sáng tạo, nên phải có cuộc vận động người Việt Nam sáng tạo thực sự vì quê hương Việt Nam 2045 - thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước. 30 năm tới phải là 30 năm tăng tốc để đất nước phát triển hiệu quả, trong đó sáng tạo là yếu tố quyết định. Chúng tôi rất mong mọi tổ chức đoàn thể, mỗi người Việt Nam ở trong và ngoài nước đều suy nghĩ điều này để làm sao sức sáng tạo của 55 triệu người lao động hiện nay là sức mạnh quan trọng nhất cho phát triển đất nước. Không phải tài nguyên thiên nhiên mà sức mạnh sáng tạo mới là nguồn tái tạo lớn lên không ngừng.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục