Gần đây, sau khi TP Đà Nẵng đồng ý cho một đơn vị tư vấn thiết kế Hàn Quốc quy hoạch lại hai bờ sông Hàn, cũng như việc tạm dừng một số dự án bến du thuyền… đã gây ra nhiều tranh cãi.
Phá vỡ cảnh quan
Dự án bến du thuyền tại bờ Tây sông Hàn được UBND TP Đà Nẵng cấp đất và cho phép đầu tư xây dựng từ năm 2009. Sau khi điều chỉnh vị trí và bảo vệ đồ án kiến trúc trước UBND TP Đà Nẵng, đến đầu tháng 7-2015, Công ty TNHH I.V.C tiến hành rào khu vực công trình để chuẩn bị thi công. Tuy nhiên, ngay sau đó, UBND TP Đà Nẵng và Sở Xây dựng TP có văn bản đề nghị tạm dừng thi công dự án này vì hiện nay đang quy hoạch cảnh quan sông Hàn (do Công ty LiNa Architects - Hàn Quốc thực hiện). Việc đột ngột dừng dự án khiến chủ đầu tư dự án này bức xúc nhưng người dân lại ủng hộ. Lý do người dân ủng hộ bởi bất cứ một công trình nào lấn sông đều dẫn đến phá vỡ cảnh quan, môi trường không chỉ của dòng sông Hàn mà của cả TP Đà Nẵng.
Giới kiến trúc sư cho rằng, dự án bến du thuyền trên sông Hàn (Đà Nẵng) gây ảnh hưởng xấu đến cảnh quan, môi trường không chỉ của dòng sông mà còn cả bộ mặt của Đà Nẵng. Ảnh: Nguyên Khôi
Để tạo cảnh quan thoáng đãng cho sông Hàn, nhiều năm trước lãnh đạo TP Đà Nẵng đã cương quyết phá bỏ các nhà hàng, những công trình lấn chiếm lòng sông ở bờ Tây; giải tỏa những dãy nhà chồ nhếch nhác ở bờ Đông... trong sự đồng thuận của nhân dân. Nhờ thế, đến nay sông Hàn có một hấp lực đối với du khách thập phương. Vì vậy gần đây, khi Đà Nẵng tái hiện những dự án lấn chiếm dòng sông làm bến du thuyền đã bị dư luận phản ứng. Tại bờ Đông, bến du thuyền do Công ty D.H.C đầu tư xây dựng quy mô, hoành tráng với hình dáng một du thuyền cỡ lớn cũng lấn ra dòng sông (khởi công gần 2 năm trước). Bên cạnh đó có đài phun nước “cá chép hóa rồng” và một quán cà phê nằm một nửa trên vỉa hè và một nửa trên sông.
Đừng giẫm vào “vết xe đổ” bãi biển
Công trình bến du thuyền của D.H.C đang là cái gai trong mắt của người dân thì trong quá trình quy hoạch sông Hàn, việc Công ty LiNa Architects - Hàn Quốc đưa vào quy hoạch nhiều công trình cũng lấn sông càng khiến người dân và giới kiến trúc sư (KTS) bức xúc bởi sẽ làm thu hẹp dòng sông. Cụ thể, sông Hàn đoạn gần cầu Nguyễn Văn Trỗi rộng gần 800m, qua quy hoạch chỉ còn 500m; đoạn cầu sông Hàn rộng 420m nay quy hoạch còn 350m... Giới KTS lo ngại, nếu như tiếp tục quy hoạch và xây dựng nhiều công trình lấn sông thì không mấy chốc sông Hàn trở thành một dòng kênh không hơn không kém.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, KTS Hồ Duy Diệm, nguyên cán bộ Viện Quy hoạch (Bộ Xây dựng), Trưởng phòng Quy hoạch UBND TP Đà Nẵng (cũ), hội viên Hội KTS Việt Nam, Tổng Thư ký Hội Quy hoạch đô thị TP Đà Nẵng, nêu vấn đề: “Khi các bến du thuyền xuất hiện sẽ làm hẹp cửa sông, lúc thủy triều lên sẽ khiến rác đọng lại gây ô nhiễm môi trường. Còn khi gặp lũ, các bến du thuyền trở thành vật cản lớn ngăn dòng chảy của sông Hàn nên nguy cơ cả nội thành Đà Nẵng bị ngập là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, lãnh đạo TP Đà Nẵng phải kiên quyết xóa bỏ những dự án bến du thuyền trên sông Hàn, nếu không muốn “mang tội” với tương lai”.
Nhân chuyện này, KTS Hồ Duy Diệm cũng nhắc lại những sai lầm lớn mà Đà Nẵng cũng như các tỉnh miền Trung gặp phải gần 20 năm trước khi quy hoạch bãi biển. “Ngày xưa khi cho xây resort dày đặc trên bãi biển khiến những ngôi làng dưới rừng thông ven biển Hòa Hải gắn liền với những chiến công hiển hách trong lịch sử bị xóa sổ. Không chỉ vậy, những “hàng rào” resort đã chắn lối ra biển của nhân dân, khiến đất đai khu vực ven biển bị tụt giá thảm hại và tác động xấu đến cảnh quan danh thắng Ngũ Hành Sơn. Quy hoạch nhưng chỉ thấy lợi ích trước mắt mà quên đi lợi ích lớn chung quanh là sai lầm. Đây là bài học lớn mà Đà Nẵng cần rút kinh nghiệm trong quy hoạch, xây dựng sông Hàn trước khi quá muộn” , KTS Hồ Duy Diệm cho biết.
Nguyên Khôi