Nhận rõ vị trí chiến lược trọng yếu của Tây Bắc đối với toàn chiến trường Đông Dương, ngày 20-11-1953, thực dân Pháp cho quân chiếm lĩnh Điện Biên Phủ. Ngày 6-12-1953, Tổng quân ủy có báo cáo trình Bộ Chính trị về phương án tác chiến mùa xuân năm 1954. Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thông qua kế hoạch tác chiến của Tổng quân ủy, Bộ Tổng tư lệnh và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Tổng quân ủy được cử làm Tư lệnh, Bí thư Đảng ủy mặt trận Điện Biên Phủ.
Trong thư gửi đồng chí Võ Nguyên Giáp tháng 12-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà cả đối với quốc tế. Vì vậy, toàn dân, toàn quân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Đó là quyết tâm chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh dựa trên sự phân tích sâu sắc, khoa học so sánh lực lượng giữa ta và địch, tình hình phát triển toàn diện của cuộc kháng chiến, bối cảnh trong nước và quốc tế.
Chấp hành chỉ thị của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tài thao lược, trách nhiệm của người chỉ huy đã bàn bạc trong Đảng ủy và Bộ Tư lệnh mặt trận quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Với cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Tổng quân ủy, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thực hiện xuất sắc, sáng tạo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để chuẩn bị tốt hơn về mọi mặt và thay đổi cách đánh nên thời điểm khởi đầu chiến dịch đã lùi từ cuối tháng 1-1954 đến ngày 13-3-1954. Chiến dịch đã toàn thắng vào chiều ngày 7-5-1954.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ có được là sự kết hợp sức mạnh tổng hợp của nhiều nhân tố mà sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo nên sức mạnh tổng hợp đó. Trong chiến thắng lừng lẫy này, đường lối kháng chiến đúng đắn được xác định ngay từ đầu cuộc kháng chiến và không ngừng bổ sung, phát triển. Đường lối đó đã vận dụng và phát triển sáng tạo học thuyết chiến tranh cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện thực tế Việt Nam. Đã kế thừa truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đường lối kháng chiến của Đảng phản ánh sự phong phú, sáng tạo của chiến tranh nhân dân cách mạng Việt Nam và đã thể hiện trong thực tế khoa học và nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những quyết định cụ thể dựa trên sự phân tích, đánh giá tình hình với quyết tâm chiến lược nhằm làm thất bại kế hoạch Navarre của địch. Đó là quyết định trong toàn bộ chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954. Phân tán lực lượng của địch theo nhiều hướng buộc địch bị động đối phó với các hướng tiến công của ta. Từ các cứ điểm tập trung binh lực của địch để đi đến sự lựa chọn chính xác tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo, chỉ đạo đảng bộ các địa phương tăng cường phối hợp với mặt trận Điện Biên Phủ, động viên lực lượng của hậu phương chi viện cho mặt trận. Lãnh đạo phối hợp chiến trường 3 nước Đông Dương và tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc.
Đồng thời, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng quân ủy được thấu suốt trong nhận thức, hành động sáng tạo của Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch, trong các tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên trực tiếp chiến đấu trên mặt trận. Sự lãnh đạo về tư tưởng chính trị có tầm quan trọng đặc biệt tạo nên sự thống nhất về ý chí, hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trở thành động lực để chiến thắng.
Không chỉ giành chiến thắng trên chiến trường, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng lãnh đạo chặt chẽ mặt trận đấu tranh ngoại giao. Ngày 8-5-1954, một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu tới Hội nghị Geneve. Trải qua 75 ngày thương lượng, ngày 21-7-1954, Hiệp định Geneve được ký kết. Các nước công nhận độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuchia. Ở Việt Nam, vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời giữa hai bên.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và toàn thể nhân dân Việt Nam đã quyết tâm chiến đấu vì độc lập tự do và đã phải đương đầu với 20 nội các của Pháp, từ chính phủ của Tổng thống Charles De Gaulle đến chính phủ Joseph Laniel khi diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ và cuối cùng là chính phủ của Thủ tướng Mandes France. Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp cùng toàn thể tướng lĩnh và Quân đội Nhân dân Việt Nam đã phải chiến đấu, đối mặt với 8 viên tướng tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở chiến trường Việt Nam và Đông Dương, từ tướng Ph.Leclerc, E.Valluy đến tướng H.Navarre và tướng P.Esly. Chiến tranh thật sự là một thách thức sống còn đối với một dân tộc và cuối cùng nhân dân Việt Nam đã chiến thắng.
Bài học có ý nghĩa sâu sắc trong chiến thắng Điện Biên Phủ chính là nêu cao ngọn cờ chính nghĩa, phát huy sức mạnh của chiến tranh nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, được sự lãnh đạo đúng đắn của một đảng cách mạng chân chính với khoa học, nghệ thuật quân sự sáng tạo, được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, một dân tộc, quốc gia dù nhỏ, đất không rộng, người không đông, vẫn có thể chiến thắng những thế lực xâm lược hùng mạnh.
PGS-TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC