Thông thường, bão đổ bộ vào nước ta sẽ bắt đầu từ miền Bắc, dần vào miền Trung, cuối mùa mới đến miền Nam. Diễn biến thời tiết bất thường năm nay đã làm mọi người bất ngờ khi cơn bão số 1 xuất hiện ngoài biển Đông không phải vào mùa mưa bão rồi đổ vào TPHCM. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) Trung ương, 41 năm trở lại đây mới có 2 cơn bão bất thường như thế (trước đó là năm 1982).
Cảnh báo nhưng chưa... động
Như trong bài viết đăng trên báo SGGP ngày 26-3, “TPHCM – cảnh giác với bão lũ”, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Minh Trí đã cảnh báo với những người tham dự buổi triển khai công tác phòng chống lụt bão (PCLB) năm 2102 rằng, dù TPHCM nằm trong khu vực bão lũ ít xuất hiện, nhưng không thể quên rằng 60 năm trước – 1952, bão đã đổ vào khu vực Đông Nam bộ. Điều đó để nhắc nhở những người có trách nhiệm trong việc PCLB các địa phương, sở ngành rằng, tuy là khu vực ít xuất hiện bão nhưng TPHCM không thể lơ là với việc phòng chống.
Bão lũ không chỉ có ở TPHCM 60 năm trước mà năm 1997, bão Linda – cơn bão cũng xuất hiện ở biển Đông vào đầu tháng 11, nhanh chóng đổ bộ và gây thiệt hại nặng nề vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long, kể cả vùng Đông Nam bộ. Hậu quả, cơn bão gây ra số người chết, mất tích và thiệt hại vào loại lớn nhất ở nước ta. Lúc đó, Cần Giờ, huyện biển TPHCM chỉ bị “quét sơ” đã làm vỡ con đê chắn sóng và tốc mái nhiều nhà ở đây. Những năm 2006, 2007, sau đó là 2009, 2010 bão cũng đã xuất hiện và gây thiệt hại tại khu vực Đông Nam bộ. Cần Giờ tiếp tục chịu ảnh hưởng.
Từ năm 2006, việc di dời dân xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ không còn xa lạ. Nhờ đó, có thể nói, Cần Giờ là địa phương duy nhất của TP mà chính quyền và người dân quan tâm cảnh giác với bão. Trong khi đó, ngoại trừ những người có trách nhiệm cao nhất, phần còn lại của TP hầu như vẫn vô tư với bão khi nghĩ rằng đây là khu vực miễn nhiễm với loại thiên tai này…
Và thực tế
Khi cơn bão số 1 xuất hiện, người dân TPHCM mới hiểu thế nào là mưa bão. Các quận huyện của TP đều bị ảnh hưởng. Theo thống kê sơ bộ của các quận huyện, bão số 1 đã làm sập hàng trăm ngôi nhà, trong đó có hàng chục phòng trọ bị hư hỏng nặng; làm tốc mái vài trăm căn nhà, quật ngã gần 400 cây xanh, nhấn chìm 11 ghe tàu đánh bắt cá của ngư dân, nhiều trụ điện, pano quảng cáo bị gãy…
Trong đó, các huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi, quận 9, quận Thủ Đức… thiệt hại nặng nề nhất. Đặc biệt đã có người chết vì bão ở huyện Củ Chi do cây ngã đè lên nhà chòi. Lãnh đạo TPHCM không chỉ kịp thời có mặt ngay tại huyện Cần Giờ trước và trong thời điểm bão đổ bộ vào đất liền mà còn nhanh chóng chỉ đạo việc khắc phục và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng.
Nhưng qua cơn bão này cho thấy nguy cơ không dừng lại ở việc sập nhà, tốc mái hay ngã cây. Theo Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, Đài KTTV khu vực Nam bộ, đây là cơn bão trái mùa nên năng lượng của bão không nhiều vì vậy nhanh chóng bị suy yếu khi vào đất liền, thiệt hại do bão gây ra chưa nghiêm trọng. Biến đổi khí hậu làm cho quy luật thời tiết bị thay đổi nên bão lũ phức tạp hơn, xuất hiện sớm (tháng 3 thay vì từ tháng 5 trở đi) và kết thúc muộn (có thể kéo dài đầu tháng 1 năm sau). Có thể số lượng cơn bão không tăng lên nhưng lại mạnh nhiều hơn so với trước nên thiệt hại sẽ rất lớn.
Như vậy, không loại trừ chỉ xuất hiện vào mùa mưa bão, mà bất kỳ thời điểm nào cũng sẽ có bão đổ bộ vào khu vực TPHCM và các tỉnh lân cận, gây ra mưa to tại chỗ và đầu nguồn, nước về các hồ tăng mạnh phải xả lũ cùng một lúc như Dầu Tiếng, Trị An, Thác Mơ… Lúc đó nhà sập, tốc mái, cây ngã sẽ tăng lên rất nhiều lần so với cơn bão số 1. Trong đó, nguy cơ ngập lụt trên diện rộng và sâu là điều đáng quan ngại hơn, nhất là khi thời điểm đỉnh triều xuất hiện.
Chỉ riêng hồ Dầu Tiếng, năm 1984, khi gặp sự cố phải xả 570m3/giây đã khiến nhiều vùng ven sông Sài Gòn như Củ Chi, Bình Thạnh ngập 2 ngày liền, có nơi ngập sâu đến 2m. Nếu xả lũ theo thiết kế 2.800m3/giây TPHCM sẽ bị ngập như thế nào? Với một TP hơn 10 triệu dân, hệ thống kho tàng, bến bãi, kết cấu hạ tầng dày đặc và đặc biệt nhà cửa người dân xây dựng không như vùng thường xuyên chịu mưa bão nên sự thiệt hại lúc đó sẽ là điều khó lường.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua, người có mặt tại Cần Giờ khi bão số 1 đổ bộ cho rằng, một số đơn vị, quận huyện chưa sẵn sàng đối phó với những tình huống này. Người dân chưa có khái niệm gì về bão đổ bộ vào nội thành. Năm 1997, sau đó năm 2009 khi bão đổ bộ vào các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, vẫn có người chạy ra ngoài… xem bão! Điều này hoàn toàn có thể xảy ra với người dân TP. Vì vậy, nhận thức xã hội là điều quan trọng.
Có thể nói, cơn bão số 1 là bài học thực tiễn quý giá để người dân TP rút ra để ứng phó trong bối cảnh diễn biến bất thường của thời tiết như kỹ thuật xây dựng nhà, trồng cây sao cho an toàn... Điều lớn hơn là việc phối hợp giữa các lực lượng, hỗ trợ kỹ năng chuyên môn, kịp thời ứng phó khi thiên tai xảy ra.
Công Phiên
300.000 cây cao su ngã đổ do bão số 1
Do ảnh hưởng cơn bão số 1, có gần 200.000 cây cao su đang khai thác (trên 400ha) của Tổng Công ty Cao su Đồng Nai bị ngã đổ ở 13 nông trường trực thuộc, hai nông trường cao su Ông Quế và Dầu Giây có hơn 60.000 cây bị ngã. Đây là doanh nghiệp cao su bị thiệt hại nặng nhất ở khu vực Đông Nam bộ và cũng là thiên tai bất ngờ gây ra thiệt hại nặng nhất từ trước đến nay của công ty này. Công ty Cao su Bà Rịa, huyện Châu Đức và Công ty cổ phần Cao su Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lần lượt có 41.000 cây và 50.000 cây cao su bị gãy đổ…
Th.Ch.