Bài học từ Dung Quất

Ngày 5-12-1997, chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất được Quốc hội phê duyệt. Sau gần 14 năm xây dựng với biết bao khó khăn sóng gió, hôm qua, ngày 6-1-2011, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã chính thức khánh thành. Mặc dù bị chậm tiến độ 9 năm và vẫn còn một số vấn đề gây nhiều tranh luận, song sự thành công, ý nghĩa và hiệu quả lớn của dự án là không thể phủ nhận.

Tính đến thời điểm này, nhà máy đã chế biến gần 8 triệu tấn sản phẩm, xuất bán khoảng gần 7 triệu tấn xăng dầu các loại. Năm 2010, doanh thu của nhà máy đạt 60.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 15.000 tỷ đồng, giúp tiết kiệm đáng kể nguồn ngoại tệ cho đất nước, góp phần tích cực trong giảm nhập siêu.

Đặc biệt hơn, kể từ bây giờ, người dân Việt Nam có quyền tự hào về sản phẩm xăng dầu của người Việt - của trí lực Việt, khi Việt Nam đang tự mình quản lý vận hành, làm chủ một nhà máy lọc dầu thuộc diện quy mô lớn và hiện đại nhất thế giới.

Sự thành công của Nhà máy lọc dầu Dung Quất thể hiện quyết tâm của Chính phủ, sự nỗ lực của các ban ngành trong 14 năm thực hiện dự án, thể hiện sức mạnh nội lực của Việt Nam… Dù vậy, trước niềm vui hôm nay, chúng ta cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận lại những tồn tại trong chặng đường 14 năm thực hiện dự án. Và nói như các chuyên gia kinh tế, chúng ta hãy xem những tồn tại đó như là những bài học kinh nghiệm quý giá để thực hiện tốt hơn những dự án, những công trình quy mô lớn của quốc gia trong thời gian tới.

Việc dự án bị chậm tiến độ, theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, nguyên nhân chính xuất phát từ việc Chính phủ chưa chỉ đạo các bộ ngành thực hiện một cách quyết liệt, phương án huy động tài chính gặp khó khăn và việc lựa chọn đầu tư, nhà thầu liên danh chưa thực sự chuẩn xác. Trên thực tế, sau khi chọn địa điểm xây dựng vào năm 1994, đã qua 4 lần thay đổi: liên doanh, quyết định trong nước tự làm, rồi lại xúc tiến liên doanh và cuối cùng là quyết tâm để trong nước tự làm - đã ngốn mất một thời gian dài đến 9 năm.

Sự chậm trễ do tìm kiếm đối tác đầu tư nước ngoài chứng tỏ chúng ta chưa thực sự tự tin vào sức mạnh của nội lực. Nếu quyết tâm tự mình làm ngay từ đầu thì có thể nhà máy đã hoàn thành vào những năm đầu của thế kỷ 21, không quá chậm trễ để rồi tổng vốn đầu tư phải tăng lên gấp đôi như thế (dự toán ban đầu của nhà máy chỉ là 1,5 tỷ USD nhưng đội lên thành 3 tỷ USD). Sự chậm trễ này cũng làm thay đổi kế hoạch xây dựng ngành công nghiệp dầu khí của chúng ta mà lẽ ra nhà máy lọc dầu thứ nhất (là Dung Quất) phải được đưa vào vận hành trong giai đoạn 1996 - 2000, nhà máy lọc dầu thứ hai được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ 21, để phát triển nhanh chóng công nghiệp hóa dầu, giúp sản xuất ra nhiều loại sản phẩm cho công nghiệp và các ngành kinh tế khác.

Một vấn đề nữa là việc lựa chọn Dung Quất làm địa điểm xây dựng dự án. Theo nhiều ý kiến, xét trên góc độ hiệu quả kinh tế chọn Dung Quất là không có lợi, do dầu thô của nước ta được khai thác chủ yếu ở thềm lục địa ngoài khơi Vũng Tàu và phải nhập khẩu từ Trung Đông một số lượng nhất định để trộn với dầu của Việt Nam, vừa xa thị trường tiêu thụ vì miền Nam là thị trường tiêu thụ lớn nhất về xăng dầu. Song, chúng ta chọn Dung Quất vì một lý do khác: Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ là đòn bẩy cho khúc ruột miền Trung - Tây Nguyên đi lên cùng cả nước.

Tính đến nay Khu kinh tế Dung Quất đã cấp chứng nhận đầu tư cho 113 dự án, chấp thuận đầu tư cho 44 dự án, với tổng số vốn đăng ký tương đương 10,3 tỷ USD. Trong số này có 44 dự án hoàn thành đi vào hoạt động, nộp ngân sách nhà nước hơn 700 tỷ đồng, chiếm hơn 40% nguồn thu ngân sách của tỉnh. Các dự án này đã giải quyết được cho gần 12.300 lao động với mức lương bình quân gần 1,2 triệu đồng/tháng. Và đây cũng là một bài học để chúng ta cân nhắc nhiều mặt trong quá trình lựa chọn vị trí cho những dự án trọng điểm quốc gia trong tương lai.

Nguyễn Thu Tuyết

Tin cùng chuyên mục