Chuyên nghiệp nhưng đầy tính nhân văn, chính xác nhưng cũng không thiếu những quyết định cảm tính là 2 trong số những bài học lớn không chỉ dành riêng cho thể thao Việt Nam, mà cho cả châu Á lẫn thế giới trong nỗ lực chuẩn mực hóa nền thể thao của mình…
Thể thao Việt Nam đã khép lại cuộc hành trình đầy vinh quang nhưng cũng chất chứa nhiều nuối tiếc ở Olympic 2016 (hiệp xếp thứ 3 khu vực Đông Nam Á, sau Thái Lan 2 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ và Indonesia với 1 HCV, 2 HCB). Nếu khu biệt vào chiến công 1 HCV và 1 HCB của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, dĩ nhiên đáng để nở mày nở mặt. Song còn những môn thể thao trọng điểm khác ngoài bắn súng, như bơi lội, điền kinh, cử tạ, đấu kiếm, vật, rowing… cũng cần được nhìn nhận và đánh giá đúng thực trạng để có thể chỉnh đốn chiến lược đầu tư trong tương lai.
Thất bại của cử tạ Việt Nam ở Olympic giúp những nhà quản lý vỡ ra nhiều điều cần gấp rút cải thiện
Olympic 2016 như một tấm gương phản chiếu những điểm mạnh và yếu của một nền thể thao. Đây cũng là thước đo cho sự phát triển, cho khát vọng chuyển mình của những nền thể thao xưa nay bị đánh giá thấp, hoặc ít được để ý.
Như tay vợt Vũ Thị Trang bày tỏ thì sự chuyên nghiệp khâu tổ chức, ý thức tuân thủ kỷ luật cả trong thi đấu lẫn sinh hoạt của các tay vợt cầu lông hàng đầu thế giới mà cô chứng kiến, chính là bài học lớn giúp bản thân cô uốn nắn mình cho tốt hơn. Tương tự, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên cũng thừa nhận khi “bơi ra biển lớn Olympic”, mới biết mình đang ở đâu trong cuộc tranh tài quyết liệt với bạn bè. Ranh giới của chiến thắng và thất bại đôi khi rất nhỏ bé, nhưng để vươn đến đỉnh cao Olympic, luôn là giấc mơ của tất cả những VĐV Việt Nam, kể cả đối với người hùng Hoàng Xuân Vinh.
Điều may mắn là cú hích Hoàng Xuân Vinh đến rất kịp thời, giúp thể thao Việt Nam giữa những trăn trở về chiến lược phát triển, đã nhận ra thực tế rằng lâu nay tiềm năng của bắn súng vẫn chưa được khai phá hết, phải đầu tư lớn và sâu hơn để môn thể thao mũi nhọn này tiếp tục giữ vững vai trò “lá cờ đầu” trong giấc mơ thế giới. Tất nhiên, sau thất bại của môn được kỳ vọng như cử tạ, những nhà quản lý cũng đã hình dung được rằng Thạch Kim Tuấn và Trần Quốc Toàn còn kém xa bạn bè, nếu muốn chiến thắng phải mạnh thực sự, phải tạo nên một cuộc bứt phá dũng mãnh, chứ không thể vừa thi đấu vừa chờ điều may mắn tìm đến.
Giá trị của bài học Olympic thì vô cùng, thể thao Việt Nam đã đi, nhìn thấy và cảm nhận được rất nhiều điều cần bổ khuyết cho sự nghiệp phát triển của mình. Trong vô số những bài học ở Rio de Janeiro, giới chức ngành TDTT hẳn đã rút tỉa được điều gì đó cho tương lai…
LÊ HÙNG