Bài học xương máu

Sau khi thông tin trận lũ càn quét qua các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, đã có hàng triệu trái tim Việt Nam ở mọi miền Tổ quốc hướng về chia sẻ. Và từng gói mì tôm, lon gạo, tiền… cứu trợ của các tổ chức, nhà hảo tâm đã nhanh chóng đến tay người dân vùng lũ. Đây là hành động thể hiện tính nhân văn và cũng là truyền thống cao đẹp, tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách… của dân tộc ta.

Thực tế, bão táp, lũ lụt xảy ra tại miền Trung đã trở thành căn bệnh thiên tai kinh niên. Năm nào cũng vậy, dải đất miền Trung phải gồng mình hứng chịu bình quân trên dưới mười cơn bão, lũ. Cơn lũ tàn phá Bắc miền Trung những ngày qua cũng không ngoại lệ.

Thế nhưng, dù đã biết trước sao mỗi lần bão lũ xảy ra ở miền Trung con số thiệt hại về người và của vẫn không có cách nào hạn chế? Hậu quả trận lũ lịch sử vừa qua, mất mát đau thương đã thấy rõ. Nhưng có thể dự báo và phòng chống hiệu quả lũ lụt? Đây là câu hỏi người dân vùng rốn lũ luôn canh cánh bên lòng. Và câu trả lời là có thể phòng chống bão lũ… nếu không chủ quan và chính quyền địa phương làm tròn trách nhiệm!

Chúng ta đã có hẳn một ban phòng chống bão lụt từ trung ương đến địa phương. Từ đó, các cấp địa phương khi có thiên tai xảy ra thì tùy thuộc diễn biến lụt bão mà có hướng triển khai hợp lý theo chỉ đạo của đơn vị này, đồng thời chủ động, sáng tạo tùy điều kiện vùng miền. Tuy nhiên, qua trận lũ này cũng như các trận bão lũ đổ bộ vào nước ta lâu nay, quá trình chỉ đạo, phối hợp và chủ động trong phòng chống bão lũ luôn bị “tắc”, thậm chí công tác triển khai của chính quyền có nơi có lúc bị tê liệt. Trong trận lũ tại các tỉnh Bắc miền Trung vừa qua, con số thiệt hại có thể còn lớn hơn nếu không có những người dân chân lấm tay bùn dũng cảm quần thảo cả đêm để cứu người.

Trong khi đó, về phía chính quyền, nhiều địa phương khá lúng túng và thiếu chuyên nghiệp khi lũ ập đến quá nhanh. Hầu hết người dân khi được hỏi đều cho biết, họ thoát chết nhờ những người thân hoặc người làng trên xóm dưới chèo thuyền đến cứu giúp. Cũng dễ hiểu tại sao tỉnh Quảng Bình lại có số người thiệt hại cao nhất. Theo tìm hiểu, trận lũ vừa qua 7 huyện Quảng Bình chỉ có 14 ca nô cứu hộ. Bình quân mỗi huyện 2 chiếc. Còn tại UBND các xã gần như tay không chống lũ. Với trang thiết bị phòng chống như thế, làm sao kịp trở tay với những trận lũ lịch sử?

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã về thăm đồng bào vùng lũ. Nói chuyện với người dân Quảng Bình, Thủ tướng đánh giá cao sự đoàn kết của đồng bào trong vùng bị thiên tai, đã chung sức chung lòng vượt qua cơn lũ. Nhưng Thủ tướng cũng lưu ý Quảng Bình cũng như các địa phương trong cả nước ứng phó trước biến đổi khí hậu cần xây dựng các biện pháp cụ thể, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Và Thủ tướng cho rằng, đây là bài học xương máu cần rút kinh nghiệm đối với tất các các địa phương có bão lũ ập đến.

Quả vậy, nếu cả người dân lẫn chính quyền chuẩn bị phương án phòng chống bão lũ chu đáo, đồng thời không chủ quan trước bất cứ trận bão lũ nào (dù dự báo thời tiết lớn hay nhỏ) sẽ không lặp lại những mất mát tương tự.

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục