Đó chưa phải là cuộc trình diễn hay nhất, bàn thắng đẹp nhất hoặc khoảnh khắc quan trọng nhất của Les Bleus từ trước tới nay. Nhưng với nước Pháp trong những ngày này, một đường chuyền thành bàn và một cú sút quyết định như vậy vẫn có thể biến Payet thành một người hùng, một thần tượng ngay lập tức.
1. Lần gần nhất nước Pháp rơi nước mắt vì mừng là khi nào? Từ Stade de France, câu trả lời của kênh thể thao ESPN: Mới đây thôi, khi Dimitri Payet thấp bé ghi bàn thắng quyết định 2-1 vào lưới Rumani ở phút 89. Một cú sút gần 30 thước bằng chân trái, bóng đi vào dưới sát xà ngang và cũng rất gần chiếc cột dọc, khiến cho thủ thành Rumani chỉ có thể quay người nhìn theo bằng ánh mắt vô vọng.
Đương nhiên đây chưa phải là bàn thắng đẹp nhất của Les Bleus, vì Zidane ngày nào có nhiều pha còn hay hơn thế. Đây cũng chưa phải là cú ghi bàn thót tim nhất, quyết định nhất đối với cả giải đấu nếu chúng ta nhớ lại cú sút bàn thắng vàng của David Trezeguet ở trận chung kết EURO 2000. Thế nhưng, với bóng đá Pháp và với cả nước Pháp trong những ngày này, thử hỏi còn gì quý hơn sự loé sáng của tài năng, sự xung phong gánh vác giữa muôn trùng bế tắc và sự khích lệ trong vô vàn lo ngại?!
Dimitri Payet đã chơi một trận đấu tyệt vời
2. Để lột tả cái khung cảnh trước cái lúc Payet bừng sáng ấy, các cây bút ESPN viết: Sau các cuộc khủng bố hồi tháng 11, trong đó có 3 quả bom ngay gần bên ngoài sân bóng này, có vẻ cả nước Pháp chỉ còn biết sợ sệt. Sợ những điều xấu tiếp tục xảy ra. Sợ có thêm nhiều vụ nổ, nhiều súng đạn, nhiều máu. Đặc biệt là người dân Paris chỉ còn sống như thể cuộc sống thanh bình và niềm vui thuần khiết sẽ không còn là của họ.
Hát lên bài La Marseillaise, họ thấy nhẹ nhõm một chút. Hoà vào khúc ngân cao của quốc ca, họ hãnh diện, tự hào. Nhưng rồi khi trận khai mạc EURO 2016 diễn ra, tâm trạng phập phồng lo sợ đã tức khắc trở lại theo những pha nguy hiểm của đối thủ. Chỉ trong ít phút đầu, Rumani đã có một quả phạt góc tạo ra lộn xộn lớn trước khung thành, một cú sút rất gần trong tư thế không hề bị kèm mà rất may là bóng đi ngay vào người thủ môn Lloris.
3. Và Payet bắt đầu hiện ra từ lúc ấy. Anh không hề mang bộ mặt căng thẳng như Pogba, Griezmann. Anh cũng chẳng tỏ ra đạo mạo như Giroud. Thay vào đó, anh vẫn giữ cho mình vẻ bình tĩnh, tinh quái y như những khi anh dẫn dắt hàng tấn công West Ham trong các trận chiến Premier League với Chelsea, Arsenal, Liverpool, Man.United hay Man.City vậy. Qua đó, anh đã khởi đầu và dẫn dắt hàng loạt cú đáp trả của đội nhà nhằm về phía khung thành đối phương. Không nổi tiếng, không được chờ đợi bằng nhiều đồng đội nhưng Payet lại là nhân vật chính của các pha tấn công ấy.
Anh cung cấp hết đường chuyền này đến đường chuyền khác, hết cơ hội này sang cơ hội khác. Do nóng vội, các đồng đội của Payet đều sút chệch cột, đánh đầu vọt xà hoặc dứt điểm vào tay thủ môn Rumani. Nhưng Payet không hề nhụt chí. Anh vẫn miệt mài xoay trở, đi bóng, chuyền bóng đủ mọi kiểu. Để rồi đến phút 57, một quả rót bóng từ cánh phải đã tìm đến đúng cái đầu của Giroud và trở thành bàn mở tỷ số 1-0.
4. Hầu như cả đội Pháp đã nhào tới ôm chầm lấy Giroud. Riêng Payet vẫn một mình đứng gần vị trí anh vừa chuyền, vung nắm tay về phía khán giả. Họ đáp lại bằng cách rối rít vẫy vô số lá cờ Pháp trên tay. Thời điểm ấy, chỗ ấy, con người ấy chính là những gì đất nước ấy cần nhất - sự reo vui, và cơ hội chiến thắng - mặc dù trận cầu chưa thể gọi là ngã ngũ, thắng lợi chưa hề nắm chắc trong tay.
Đúng vậy, chưa an bài! Chỉ ít phút sau đường chuyền của Payet và quả đánh đầu của Giroud, đối phương gỡ lại một quả từ chấm 11m. Từ đó cho đến lúc gần kết thúc là một chuỗi dài chờ đợi đầy sốt ruột đến nghẹn cổ lặng thinh. Rumani phòng ngự quá chặt chẽ. Hầu hết những pha tấn công của Les Bleus đều dội lại như thể húc phải bức tường. Tuy nhiên, suy cho cùng thì sự đoạ đày ấy vẫn có cái... hay của nó: Càng sốt ruột bao nhiêu, cái khoảnh khắc Payet tung cú sút hoàn hảo bằng chân trái càng vỡ oà bấy nhiêu. Các vị trí chung quanh càng bế tắc bao nhiêu, càng thấy vai trò người hùng của Payet bấy nhiêu.
5. Nhưng có lẽ Payet sẽ chẳng màng đến điều đó. Giữa lúc tứ phía khán đài với hàng vạn con người đang dậy lên tiếng reo hò, anh lại rơi nước mắt khi được HLV Deschamps thay ra. Đó là nước mắt hạnh phúc, nước mắt của một người đàn ông vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ với đầy áp lực nặng nề và cũng đầy xúc cảm. “Đúng vậy, quá nhiều sức ép, nhiều cảm xúc”, Payet nói, “Nhưng giờ thì chúng tôi đã có thể nghỉ ngơi và thanh thản chuẩn bị cho trận kế tiếp rồi”...
Anh đã một mình tạo ra 8 tình huống ghi bàn, trong khi cả tập thể Pháp còn lại chỉ tạo ra 9 tình huống. So với 4 kỳ EURO gần nhất, Payet chỉ kém Wesley Sneijder của Hà Lan và Mesut Ozil của Đức. Sneijder đã tạo ra 10 cơ hội ghi bàn ở trận gặp Đan Mạch tại EURO 2012. Ozil tạo ra 9 tình huống trong trận Hy Lạp cũng tại EURO 2012. Đáng lưu ý: Không riêng gì trận thắng Rumani vừa qua, Payet cũng đã tạo ra 8 cơ hội ghi bàn ở 3/4 lần thi đấu gần nhất dưới màu áo West Ham và đội tuyển Pháp. Payet đã 45 lần chạm bóng ở các khu vực tấn công, gần gấp đôi so với mọi cầu thủ còn lại trên sân. Cú sút quyết định của Payet đến ở phút 89. Tính trong thời gian thi đấu chính thức, từ trước đến nay chỉ có Zidane ghi bàn muộn hơn - đó là bàn thắng ở phút 90+3 trong trận gặp Anh tại EURO 2004. Đây là bàn thứ tư của Payet trong màu áo đội tuyển. Cả 4 đều thực hiện từ ngoài vòng cấm địa. Tuy nhiên, có một điểm đặc biệt: Bàn thắng vừa rồi cũng là lần đầu tiên Payet ghi bàn cho đội tuyển bằng chân trái. Rất hiếm khi anh sử dụng cái chân này. Trong 69 lần sút bóng ở mùa giải Premier League vừa qua, Payet chỉ sút bằng chân trái 4 lần và tất nhiên là 4 lần ấy không tạo ra bàn thắng nào. PHƯƠNG LAN |
HƯNG NGUYÊN (tổng hợp)