Nhìn lại diễn biến lạm phát và tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam qua các thời kỳ kế hoạch 5 năm, có thể thấy xu hướng biến thiên của đường lạm phát rất phức tạp, biến động mạnh. Điều đó cho thấy kiểm soát lạm phát ở Việt Nam chưa bền vững, sự bất ổn của tiền tệ và kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn lớn. So với các nước trong khu vực, Việt Nam cũng là quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao nhất trong suốt giai đoạn từ 1991 đến 1995 và từ 2006 - 2012. Giai đoạn 1996 - 2005 lạm phát của nước ta ở mức tương đương với khu vực.
Theo kết quả thực nghiệm bằng các mô hình kinh tế lượng về mối quan hệ lạm phát - tăng trưởng ở Việt Nam, lạm phát có tác động tới tăng trưởng cả trong ngắn hạn và dài hạn. Những cú số về lạm phát cao có thể làm giảm tăng trưởng, có nghĩa khi lạm phát quá cao, không những không “thúc đẩy” được tăng trưởng mà còn tác động tiêu cực đến tăng trưởng.
Trong khi đó, những cú “sốc” về tăng trưởng có thể làm tăng lạm phát, nhưng xu hướng tăng trong dài hạn ít hơn trong ngắn hạn. Nghĩa là muốn tăng trưởng cao phải chấp nhận lạm phát ở mức nhất định. Và kết quả nghiên cứu cho thấy, khi lạm phát nằm ngoài khoảng tối ưu thì lạm phát tăng 1% sẽ làm giảm tăng trưởng khoảng 0,014%. Vậy khoảng lạm phát tối ưu của Việt Nam là bao nhiêu? Kết quả phân tích bằng mô hình kinh tế lượng cho thấy: trong giai đoạn 1996 - 2012, khoảng lạm phát tối ưu từ 7,5% - 9,5% và ngưỡng tối ưu cho lạm phát là 7,5%.
Tất nhiên, khi đã bàn đến tăng trưởng cũng không thể bỏ qua vai trò của một yếu tố quan trọng khác: tăng trưởng tín dụng, nhất là khi đại đa số các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang hoạt động bằng vốn vay là chủ yếu. Thực tế mức tăng trưởng tín dụng đã suy giảm mạnh trong hơn 2 năm liền (tính đến tháng 5-2013) và dự kiến sẽ tiếp tục suy giảm trong thời gian tới. Từ đó, có thể thấy chưa thể chờ đợi nguồn tín dụng tác động tích cực đến kết quả tăng trưởng tốt trong năm 2013, kể cả khi tăng trưởng tín dụng đạt được mục tiêu 12% trong 7 tháng còn lại, do độ trễ tín dụng đối với tăng trưởng kinh tế thường phải từ 6 tháng đến 1 năm. Thậm chí, năm 2014 và 2015 cũng rất khó đạt được mức độ tăng trưởng 7% - 7,5% như mục tiêu đề ra.
Trong khi đó, quan điểm chính sách của Việt Nam hiện nay là “tăng trưởng cao, lạm phát thấp” và “ưu tiên cả hai mục tiêu tăng trưởng và lạm phát như nhau”. Đây là quan điểm đúng đắn trong dài hạn, song rất khó điều hành để đạt được trong ngắn hạn. Trong điều kiện suy giảm kinh tế, doanh nghiệp quá khó khăn, thất nghiệp tăng như hiện nay thì nên ưu tiên tăng trưởng và chấp nhận lạm phát ở ngưỡng tối ưu như đã nói trên. Nói cách khác, cần phải kiểm soát lạm phát năm 2013 ở mức ngưỡng lạm phát tối ưu 7% - 7,5% để kích thích tăng trưởng kinh tế đạt được mục tiêu đề ra cho năm 2013 và các năm tiếp theo.
Nếu cố gắng đạt được cả hai mục tiêu trên bằng quyết tâm chính trị thì nền kinh tế có thể sẽ rơi vào vòng xoáy ngược: lạm phát cao, tăng trưởng thấp. Vấn đề là làm thế nào để đạt được cả hai mục tiêu tăng trưởng cao và lạm phát thấp?
“3 đột phá” trong tái cơ cấu kinh tế thực ra có mức độ ưu tiên khác nhau, cụ thể là tái cơ cấu hệ thống tài chính đi trước một bước; sau đó mới tái cơ cấu doanh nghiệp và nhà nước đồng thời với tái cơ cấu nợ công. Bên cạnh đó, cần có một cơ quan thực hiện chức năng phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ độc lập với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính. Cơ quan này có nhiệm vụ tham mưu cho Chính phủ quyết định các quan hệ cân đối giữa các chỉ tiêu lạm phát, cung tiền M2, tăng trưởng tín dụng và các khoản nợ công; đồng thời kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các chỉ tiêu trên. Đồng thời, Chính phủ cần giao cho một cơ quan chức năng độc lập với Ngân hàng Nhà nước quản lý và kiểm soát các chỉ tiêu như: hạn mức tín dụng đối với nền kinh tế; tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP; chỉ tiêu cơ cấu tín dụng; tỷ lệ cung tiền M2/DP...
Một giải pháp khác đòi hỏi sự quyết liệt không kém: nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các tổ chức tín dụng cổ phần lên tối đa 49%. Khi các đối tác nước ngoài trực tiếp tham gia quản trị, điều hành các tổ chức tín dụng sẽ nhanh chóng khắc phục được sự yếu kém trong phân bổ vốn và sàng lọc, giám sát bằng đồng tiền của các tổ chức tín dụng hiện nay.
Cuối cùng, chính sách tài chính cần đổi mới để đảo ngược dòng chảy vốn của xã hội (hiện nay chính sách đang có xu hướng kích thích đầu tư tài chính như mua vàng, ngoại tệ, cổ phiếu, tiền gửi tiết kiệm) sang khuyến khích đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Có thế mới hạn chế tình trạng đầu tư tài chính như Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) mua cổ phiếu của Vinamilk (VNM) như hiện nay. Cụ thể là thực hiện chính sách lãi suất không âm đối với tiền gửi tiết kiệm; lãi suất tiền gửi của doanh nghiệp và tổ chức kinh tế phải thấp hơn tiền gửi của cá nhân. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn phải thấp hơn kỳ hạn dài; chính sách không trả lãi suất đối với các nguồn vốn gửi vào ngân hàng để thực hiện các chức năng phương tiện thanh toán, ký quỹ, bảo lãnh, giữ hộ...
TS NGUYỄN THẠC HOÁT
Trưởng khoa Tài chính tiền tệ, Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch - Đầu tư). Bài viết sử dụng kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu thuộc Học viện Chính sách và Phát triển