Tại buổi họp báo sau khi kết thúc kỳ họp thứ 2 của Quốc hội Trung Quốc khóa 12, Thủ tướng Lý Khắc Cường đề ra những định hướng cho chính sách kinh tế trong năm 2014. Lần đầu tiên, Bắc Kinh cảnh cáo nhiều doanh nghiệp nhà nước có thể bị phá sản.Tuyên bố trên được đưa ra không lâu sau khi Chaori Solar, tập đoàn cung cấp trang thiết bị pin mặt trời nhìn nhận mất khả năng thanh toán. Theo AFP, Trung Quốc đang thực hiện chính sách đã được Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra năm 2013, theo đó dành cho thị trường một vai trò quan trọng hơn trong các hoạt động kinh tế.
Nợ xấu của các ngân hàng Trung Quốc trong quý 4-2013 đã tăng thêm gần 5 tỷ USD, chạm ngưỡng cao nhất kể từ tháng 9-2008. Đây cũng là quý thứ 9 liên tiếp chỉ số này gia tăng. Thực tế là đà tăng trưởng của Trung Quốc đang chậm lại và Chính phủ Trung Quốc đang nói nhiều hơn về chất lượng tăng trưởng, bất chấp khả năng nước này có thể không đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 7,5% trong năm 2014.
Trở lại với vụ tập đoàn cung cấp trang thiết bị chế tạo pin mặt trời Chaori Solar ở Thượng Hải thông báo vỡ nợ trái phiếu được phát hành cách đây 2 năm. Đây là lần đầu tiên một công ty của Trung Quốc mất khả năng thanh toán ngay trên sân nhà mà không một ngân hàng nhà nước nào hay chính quyền thành phố Thượng Hải can thiệp để cứu giúp. Điều này hoàn toàn mới khi từ trước tới nay, Chính phủ Trung Quốc, qua trung gian hệ thống ngân hàng do nhà nước kiểm soát hay các chính quyền địa phương, luôn can thiệp tránh để cho các doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
Được thành lập cách nay hơn chục năm, Chaori đã phát triển rất nhanh theo mô hình vay thêm nợ mới để thanh toán nợ cũ. Tất cả đã diễn ra suôn sẻ cho đến khi Trung Quốc bắt đầu bước vào gia đoạn tạm gọi là “vỡ bong bóng pin mặt trời”. Tức là số xí nghiệp lao vào khu vực năng lượng tái tạo này ngày càng nhiều, họ mạnh dạn đi vay để mở rộng khả năng sản xuất trong lúc nhu cầu trên thế giới và ở ngay chính thị trường Trung Quốc bắt đầu bão hòa. Chaori là tập đoàn đầu tiên tại Trung Quốc bị vỡ nợ vì không bán được hàng mà không có sự cứu giúp của chính phủ.
Ngoài ra, theo South China Morning Post, với việc công bố bán 30% cổ phần của Sinopec, tập đoàn lọc dầu lớn nhất châu Á, Trung Quốc cho thấy họ đang thúc đẩy tư nhân hóa các tập đoàn nhà nước. Sắp tới, cũng theo tờ báo này, nhiều tập đoàn tầm cỡ thế giới của Trung Quốc cũng sẽ được giảm bớt cổ phần của nhà nước. Theo Ủy ban giám sát tài sản nhà nước, thời gian tới sẽ tập trung gia tăng cổ phần của nhiều thành phần kinh tế khác trong các tập đoàn nhà nước trong các lĩnh vực hóa dầu, năng lượng và viễn thông… ngoại trừ các lĩnh vực liên quan chặt chẽ đến an ninh quốc gia. Những tuần gần đây, chính quyền địa phương ở một số tỉnh cũng cho biết sẽ tìm kiếm thêm các nhà đầu tư ngoài nhà nước.
Trong 20 năm qua, Trung Quốc đã thành công trong việc đưa các tập đoàn nhà nước lớn nhất của nước này vào niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đến cuối năm 2012, Trung Quốc có 378 doanh nghiệp nhà nước và các chi nhánh của nó có mặt trên thị trường chứng khoán toàn cầu. Tuy nhiên, do quy mô lớn và được nhiều đặc ân, không ít trong số các tập đoàn này làm trì trệ nền kinh tế với tình trạng lãng phí và tham nhũng ngày càng lớn.
KHÁNH MINH