Japan Times đưa tin, Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực thúc đẩy dự luật mới nhằm mục đích cải cách giờ làm việc của những lao động có kỹ năng đặc biệt trong các tập đoàn có thu nhập cao. Theo dự luật mới, những người lao động có mức thu nhập hơn 10,75 triệu yen/năm (91.500 USD/năm) và có chuyên môn cao không phải chịu sự điều chỉnh của quy định giờ làm.
Chính phủ Nhật Bản cho biết, dự luật mới sẽ phù hợp với những người làm những công việc mang tính sáng tạo và không muốn bị sức ép của giờ làm việc, cho phép người lao động có thể rời sở sớm một khi họ đã hoàn thành công việc và khuyến khích họ sử dụng thời gian của mình hiệu quả hơn. Luật Lao động Nhật Bản hiện quy định, giờ làm việc của người lao động không vượt quá 8 tiếng/ngày và 40 tiếng/tuần. Những người sử dụng lao động phải trả thêm tiền ngoài giờ nếu người lao động phải làm việc vượt quá hạn mức.
Lý do dẫn đến những cải cách trên là tình trạng người lao động Nhật hiện nay phải làm thêm giờ vẫn gia tăng nhanh. Đây được xem là một trong những nguyên nhân cản trở kinh tế Nhật tăng trưởng. Bởi khi làm việc quá giờ sẽ dẫn đến quá sức, năng suất lao động cao nhưng hiệu quả công việc mang lại không nhiều. Tình trạng tự nguyện làm thêm giờ lại là chuyện phổ biến ở Nhật Bản, chiếm tới 85% tổng số người lao động. Ở độ tuổi từ 20 đến 40 - thời gian tốt nhất để làm cha mẹ, người lao động lại làm việc nhiều hơn 60 giờ/tuần.
Theo Tổ chức Hợp tác quốc tế (OECD), văn hóa làm việc thêm giờ đang được cho là góp phần giảm tỷ lệ sinh ở Nhật Bản, tạo gánh nặng về lực lượng lao động đối với nền kinh tế. Làm việc quá giờ liên tục ở Nhật Bản cũng được cho là nguyên nhân dẫn đến tình trạng căng thẳng khiến nhiều lao động đã chết trong lúc đang làm việc. Chính phủ Nhật Bản từng đưa ra mục tiêu trong chương trình chống nạn tự tử là giảm tỷ lệ tự tử xuống còn 20% vào năm 2016.
Ngoài dự luật cải cách giờ làm, Chính phủ Nhật Bản còn khuyến khích người lao động nghỉ phép theo quy định. Theo báo Jiji Press, trong năm 2013, những người lao động Nhật chỉ nghỉ 9 trong số 18,5 ngày phép. Cũng trong năm 2013, cứ một trong số 6 người lao động Nhật lại không tiêu tốn bất kỳ ngày phép nào để tập trung cho công việc. Nếu so sánh con số này với các quốc gia phát triển khác thì đây là con số chênh lệch lớn. Đối với Pháp, người lao động tận hưởng đến 37 ngày nghỉ phép trong 1 năm. Còn ở Tây Ban Nha và Đan Mạch lần lượt là 32 và 29 ngày. Tỷ lệ hưởng ngày phép ở những quốc gia luôn ở mức trên 90%.
Tuy nhiên, những kế hoạch trên có được thông qua hay không còn phải chờ sự chấp thuận của Quốc hội Nhật Bản. Sau khi dự luật được công bố rộng rãi, nhiều ý kiến đồng tình nhưng cũng có không ít những phản đối. Những người chỉ trích dự luật cho rằng dự luật chỉ càng cổ súy cho việc nhiều người phải làm việc nhiều hơn mà không được trả thêm tiền ngoài giờ.
Vào nhiệm kỳ Thủ tướng năm 2006 - 2007, ông Shinzo Abe từng buộc phải rút lại một đề xuất tương tự khi xuất hiện quá nhiều ý kiến không đồng tình. Trong thời gian tới, có lẽ việc cải cách giờ làm việc của người lao động Nhật vẫn là một bài toán khó.
THANH HẰNG