Tốc độ tăng của lạm phát đang được kéo xuống nhưng nền kinh tế Việt Nam lại đối mặt với khó khăn mới, đó là tình trạng đình đốn sản xuất khiến khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và nhiều doanh nghiệp suy giảm mạnh. Các chỉ số kinh tế đầu năm đã đưa ra một bức tranh kinh tế đáng lo ngại: GDP chỉ tăng 4%; tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế đến cuối tháng 3 giảm 1,96% so với cuối năm 2011; chỉ số tồn kho tại thời điểm 1-3 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 34,9% so với cùng thời điểm năm trước; nguồn vốn giải ngân FDI, ODA giảm so với cùng kỳ; doanh nghiệp nhỏ và vừa đối mặt với khó khăn do giá xăng dầu tăng...
Các chuyên gia kinh tế hàng đầu đều khẳng định, với thực trạng hiện nay, kinh tế Việt Nam thực sự rơi vào tình trạng rất khó khăn. Những biểu hiện của suy giảm kinh tế nêu trên đã đặt ra một thách thức lớn đối với các nhà hoạch định chính sách. Theo ông Dong Soo Chin, nguyên Chủ tịch Ủy ban dịch vụ tài chính (Hàn Quốc), đối phó với khó khăn của nền kinh tế trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay, các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, là bài toán nan giải khi một bên là chính sách tài chính khắc khổ để lấy lại niềm tin của thị trường với một bên là nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế. Hay đó là sự xung đột giữa nới lỏng chính sách tiền tệ, thắt chặt tài chính và cải cách cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh năng suất.
Giải pháp phục hồi, theo ông Dong Soo Chin, trong ngắn hạn cần giảm bớt các cú sốc từ bên ngoài thông qua việc ổn định chính sách kinh tế vĩ mô, xây dựng các biện pháp vĩ mô thận trọng một cách hợp lý. Về dài hạn, cần cải thiện cơ cấu kinh tế bằng việc cải cách lĩnh vực công và củng cố hệ thống tài chính, thanh lọc hệ thống tài chính, hội nhập kinh tế khu vực và cân bằng tăng trưởng nhằm giảm thiểu các lỗ hổng kinh tế và định chế.
Theo một số chuyên gia, năm 2012 là năm đặc biệt theo nghĩa đây là năm nền kinh tế lâm vào tình thế khó khăn nghiêm trọng, phải tạo bước ngoặt để xoay chuyển nhằm ổn định tình hình (không để lạm phát “khứ hồi”) để khôi phục lòng tin, hạ thấp lạm phát đến mức giúp các doanh nghiệp không lún sâu hơn vào tình thế bi kịch. Ngoài ra, năm 2012 còn một điểm nhấn đặc biệt khác: ngoài các nhiệm vụ chống lạm phát, ổn định vĩ mô thường thấy, Việt Nam còn phải tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế với các hành động thực tế quyết liệt, toàn diện mang tính chiến lược để thay đổi mô hình tăng trưởng. Bởi một trong những hệ lụy của vòng xoáy chống lạm phát, suy giảm kinh tế mà Việt Nam đối mặt trong vài năm qua là hệ lụy của đầu tư từ nhà nước không mang lại hiệu quả tương xứng.
Việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu vừa kiềm chế lạm phát, ngăn ngừa suy giảm kinh tế trong điều kiện nguồn lực hạn chế và dư địa cho hành động chính sách của Chính phủ đã bị “thu hẹp”, rõ ràng là rất khó khăn. Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ngay từ bây giờ, cần quán triệt tư duy “đánh đổi” khi cân nhắc mức độ ưu tiên giữa mục tiêu ổn định – cải cách (tái cấu trúc) và mục tiêu tăng trưởng trên quan điểm lợi ích phát triển dài hạn (lợi ích chiến lược). Về cấp độ ưu tiên, để đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng khó khăn, không thể không ưu tiên cho nhiệm vụ tái cơ cấu (với mục tiêu là làm cho việc thay đổi mô hình tăng trưởng thực sự diễn ra).
Nhưng để quá trình tái cơ cấu có thể diễn ra, cần ổn định nền kinh tế để tái lập lòng tin thị trường, lòng tin xã hội. Đây phải là hai mục tiêu – nhiệm vụ ưu tiên cao nhất. Với tăng trưởng, cần đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng ở mức ít tham vọng nhất. Chính vì vậy, năm 2012 cần bổ sung các mục tiêu và giải pháp: phấn đấu giảm lạm phát xuống 6% - 7% (bền vững); giảm thu ngân sách xuống 22% - 23% GDP. Kịch bản hành động là cần bắt tay ngay vào hành động tái cơ cấu thực sự 3 lĩnh vực ưu tiên mà Hội nghị Trung ương 3 đã khẳng định; tập trung sức mạnh kinh tế quốc gia để cứu doanh nghiệp...
Cũng theo các chuyên gia, kinh tế có biểu hiện của suy giảm nhưng giải pháp đưa ra cũng cần phải tính toán cẩn trọng trong việc cung tiền ra hợp lý, giảm lãi suất cho vay để doanh nghiệp hấp thụ được nhưng phải đảm bảo cho việc ngăn ngừa lạm phát quay trở lại hay chạy theo tăng trưởng có thể ảnh hưởng đến mục tiêu tái cơ cấu, tăng trưởng bền vững.
HÀ MY