Bài toán khó

Nỗ lực chấm dứt bạo lực kéo dài 10 năm qua tại Afghanistan vừa bị giáng một đòn nặng nề bằng một loạt hoạt động tấn công khủng bố của Taliban nhằm vào các cơ quan của Mỹ và NATO. Mới đây nhất là cái chết của Chủ tịch Hội đồng hòa bình tối cao Afghanistan, ông Burhanuddin Rabbani.

Nỗ lực chấm dứt bạo lực kéo dài 10 năm qua tại Afghanistan vừa bị giáng một đòn nặng nề bằng một loạt hoạt động tấn công khủng bố của Taliban nhằm vào các cơ quan của Mỹ và NATO. Mới đây nhất là cái chết của Chủ tịch Hội đồng hòa bình tối cao Afghanistan, ông Burhanuddin Rabbani.

Dù các cuộc tấn công không được tổ chức chu đáo như vụ tấn công vào các cơ quan đại diện Mỹ và NATO hay được lên kế hoạch kỹ càng như vụ ám sát ông Burhanuddin Rabbani thì cũng có thể khẳng định chúng có ý nghĩa rất quan trọng đối với tình hình an ninh nước này. Điều này có nghĩa Taliban đã bắt đầu thay đổi chiến lược, đánh trực diện vào các cơ quan đầu não của liên minh nước ngoài và chính phủ trong nước, chứ không đối đầu trên chiến trường như trước đây. Những cuộc tấn công này theo các nhà phân tích chính là thông điệp Taliban gửi đến chính quyền nước này và NATO rằng họ đã thật sự trỗi dậy và quyết tâm “mời” NATO ra khỏi Afghanistan chứ không còn là những cuộc chiến làm tiêu hao sinh lực.

Đây còn là dấu chấm hết cho chính sách đối thoại chấm dứt bạo lực mà chính quyền Kabul đang theo đuổi. Giới chức phương Tây luôn xem ông Rabbani là một trong số ít các nhân vật đủ tầm thuyết phục Taliban ngồi vào bàn đàm phán. Nhiều người lạc quan tin tưởng rằng những cuộc gặp gỡ như vậy sẽ dẫn đến một kết quả sáng sủa trong tương lai của Afghanistan. Sau cái chết của ông Rabbani, sự sụp đổ niềm tin vào chính sách đối thoại hòa bình, hòa hợp dân tộc đã xuất hiện. Liên minh phương Bắc, tổ chức chống Taliban và có tiếng nói quan trọng trong Chính phủ liên minh Afghanistan, tuyên bố không thể đặt niềm tin vào Taliban. Nhà lãnh đạo Liên minh phương Bắc Abdullah Abdullah, kêu gọi Tổng thống Afghanistan, ông Hamid Karzai, tỉnh ngộ để nhận ra bộ mặt của những người mà ông Karzai gọi là “người anh em thân thiết”. Tháng 5 vừa qua, hơn 10.000 người dân tại Kabul đã xuống đường biểu tình phản đối chính sách ông Karzai đã đưa ra. Giới quan sát nhận định biện pháp đối thoại chắc chắn sẽ vấp phải nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Vụ ám sát ông Rabbani nối tiếp hàng loạt vụ tấn công nhằm vào những nhân vật có thế lực của chính quyền Kabul, trong đó có vụ ám sát em trai Tổng thống Hamid Karzai, ông Wali Karzai hôm 12-7. Các vụ ám sát thành công liên tiếp vào các nhà lãnh đạo cấp cao Afghanistan sẽ gây ra tâm lý sợ hãi, bất an đối với người dân Afghanistan. Theo nhà bình luận chính trị tại Kandahar, Yunos Kafor, người dân Afghanistan sẽ mất lòng tin vào chính quyền; nếu sự an toàn của người dân vẫn tiếp tục bị thách thức, họ sẽ không thể lựa chọn một chính phủ không thể bảo vệ người dân của mình.

Với những gì đang diễn ra tại Afghanistan, dư luận cho rằng tìm được hòa bình đối với vùng đất mà bạo lực đang ngự trị chắc chắn vẫn là bài toán khó, chưa thể có lời giải trong một sớm một chiều như Mỹ và NATO mong đợi. Trong 10 năm qua, số người thiệt mạng trong cuộc chiến tại Afghanistan do Mỹ phát động đã lên tới gần 20.000 người, trong đó theo nghiên cứu của Trường Đại học Brown (Mỹ), khoảng 14.000 dân thường là nạn nhân vô tội chưa kể hàng chục ngàn người khác thiệt mạng một cách gián tiếp, hàng triệu người đang sống trong cảnh nhà tan cửa nát.

Đỗ Văn

Tin cùng chuyên mục