Bài toán phân cấp

Hiện nay, nhu cầu phân cấp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao tính chủ động, linh hoạt, làm tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy công quyền càng trở nên cấp thiết.

Hiện nay, nhu cầu phân cấp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao tính chủ động, linh hoạt, làm tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy công quyền càng trở nên cấp thiết.

Hiến pháp 2013 có đề cập nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương. Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới được Quốc hội thông qua có làm rõ vấn đề phân quyền, phân cấp, ủy quyền cho cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Sẽ có các luật quy định cụ thể hơn về phân quyền, phân cấp nhằm đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn, trong đó có tháo gỡ những khó khăn trong quản lý của chính quyền địa phương, đặc biệt là đối với đô thị lớn như TPHCM.

Việc phân định thẩm quyền giữa trung ương và địa phương theo hình thức phân quyền, phân cấp trên nguyên tắc bảo đảm quản lý nhà nước thống nhất về thể chế, chính sách, chiến lược và quy hoạch đối với các ngành và lĩnh vực, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính quốc gia; phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương; kết hợp chặt chẽ quản lý theo ngành với quản lý theo lãnh thổ; phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị; chính quyền địa phương được đảm bảo nguồn lực và chịu trách nhiệm trong phạm vi được phân quyền, phân cấp... Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp có trách nhiệm giám sát trong thực hiện phân quyền, phân cấp.

Thời gian qua, pháp luật nước ta chưa phân định rõ trong quản lý hành chính ở đô thị và nông thôn. Để đáp ứng yêu cầu phát triển, vừa qua, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo, tháo gỡ những vướng mắc cho TPHCM. Nghị định 93/2001 của Chính phủ phân cấp cho thành phố một số lĩnh vực về quy hoạch, kế hoạch đầu tư và phát triển kinh tế-xã hội; quản lý nhà đất và hạ tầng kỹ thuật đô thị; quản lý ngân sách; tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ công chức. Tuy nhiên, do cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, quá trình phân cấp mang tính tình thế, trong thực tế còn nhiều bất cập, làm hạn chế việc phát huy tiềm năng, nguồn lực của thành phố.

Về nội dung phân cấp cho địa phương, cần được xem xét mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Hiện nay, các văn bản pháp luật như Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường... ban hành theo hướng tập trung thẩm quyền xử lý ở cấp trung ương. Trong lĩnh vực xây dựng, theo Luật Xây dựng 2014, dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách thành phố trước khi được UBND thành phố quyết định đầu tư thì phải được Bộ Xây dựng thẩm định toàn bộ dự án. Theo quy định, Bộ Xây dựng phải có ý kiến thống nhất trước khi thành phố quyết định đầu tư đối với dự án từ 20ha đến dưới 100ha và những dự án không phân biệt nhóm A, B, C mà thuộc công trình cấp đặc biệt, cấp 1 đều phải chuyển Bộ Xây dựng, bộ quản lý xây dựng chuyên ngành thẩm định, phê duyệt thiết kế cơ sở, thiết kế dự toán, nghiệm thu hoàn thành công trình. Về ngân sách, mọi quyền lực tập trung vào ngân sách trung ương, ngân sách cấp dưới phụ thuộc và lồng ghép vào ngân sách cấp trên. Mặc dù TPHCM có được phân cấp nhưng quyền tự chủ trong quyết định các khoản thu ngân sách bị hạn chế, phân định nhiệm vụ chi còn bất cập và những khó khăn trong vay nợ, trả nợ... Về lĩnh vực tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức, việc xác định và phân bổ chỉ tiêu biên chế hàng năm của các tỉnh, thành phố vẫn trên cơ sở tổng biên chế được Thủ tướng phê duyệt. Biên chế công chức làm việc tại cấp xã thực hiện theo quy định chung. Có những phường, xã dân cư đông, số lượng có được tăng thêm nhưng không tương xứng. 

Cùng với phân cấp, những vấn đề liên quan cơ chế liên kết, hợp tác trong vùng để phát huy thế mạnh của mỗi địa phương và cả vùng, khắc phục tình trạng “cạnh tranh đang lấn át hợp tác” giữa các địa phương trong vùng và trong nước hiện nay.

Phân cấp, phân quyền là nội dung hết sức quan trọng trong công tác quản lý hành chính nhằm phát huy mạnh mẽ tính năng động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương. Đối với TPHCM, trung ương cần đẩy mạnh phân cấp, tạo điều kiện thực hiện xây dựng chính quyền đô thị và xem đây là khâu đột phá trong phân cấp, tạo cho thành phố có cơ chế đặc thù để phát huy tối đa thế mạnh, đón bắt cơ hội phát triển trong xu thế hội nhập, đóng góp ngày càng lớn hơn cho sự phát triển chung của cả nước.

PHƯƠNG THẢO

Tin cùng chuyên mục