Bài toán làm sao thu đạt chỉ tiêu ngân sách đang là vấn đề nóng bỏng trước tình hình kinh tế suy giảm, các khoản thu bị hẹp... Kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng lớn đến nhiều doanh nghiệp (DN), nhưng một bất hợp lý là nợ quá hạn ở các DN lại tăng cao, do không ít DN lợi dụng khó khăn để nợ dây dưa kéo dài. Vì vậy, làm thế nào để thu đạt chỉ tiêu ngân sách, chống nợ đọng được đặt ra trong hội nghị ngành thuế mới đây...
Thuế “âm” ngày một nhiều
Theo báo cáo của Cục Thuế TPHCM, hiện số DN khai báo thuế giá trị gia tăng âm và không thuế lên đến 74,8%. Như vậy, chỉ có 25,2% DN nộp thuế giá trị gia tăng.
Phân tích nguyên nhân số DN khai “âm” thuế giá trị gia tăng cao, lãnh đạo Cục Thuế TPHCM cho biết, là do tình trạng bán hàng không xuất hóa đơn quá phổ biến dẫn đến tình trạng DN giấu doanh thu, kê khai không đủ. Nếu các đơn vị xuất hóa đơn hết thì ngành thuế không vất vả, nguồn thu sẽ tăng. Mặc dù vừa qua cơ quan thuế cũng thành lập các đội kiểm tra tại các chi cục thuế về việc xuất hóa đơn và thí điểm ở quận 1 nhưng tình hình vẫn không cải thiện là bao. Qua kiểm tra ban đầu, các đơn vị có sổ sách kế toán nhưng không xuất hóa đơn đã thu 1,4 tỷ đồng, giảm khấu trừ hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, công tác kiểm tra này gặp nhiều khó khăn do phát hiện được hóa đơn nào chỉ xử lý hóa đơn đó chứ không thể truy thu lại toàn bộ. Hơn nữa, cần phải có một quy trình cho phép cán bộ thuế kiểm tra mà không phải thông báo trước cho DN. Cục Thuế TPHCM cũng cho biết, Cục Thuế có đủ nguồn nhưng không đủ lực, vì hiện trạng bán hàng không xuất hóa đơn, sử dụng tiền mặt trên thị trường quá lớn, giao dịch ngầm nhiều nhưng mỗi đội thuế đi kiểm tra chỉ có 2 người nên không thể kiểm tra xuể.
Đẩy mạnh thu nợ đọng
|
Số DN nộp thuế ngày một ít nhưng điều bất hợp lý là theo báo cáo của Tổng cục Thuế thì số nợ đọng ở các DN tăng cao hơn so với trước. Cụ thể, tính đến hết tháng 5- 2012, tổng số nợ toàn ngành lên đến 51.024 tỷ đồng, tăng 45% so với đầu năm. Trong đó, nợ khó thu là 5.150 tỷ đồng (tăng 270 tỷ đồng); nợ chờ xử lý là 5.700 tỷ đồng… Theo ý kiến của lãnh đạo Cục Thuế TP Hà Nội, nợ gia tăng theo từng tháng nhưng trong đó không ít DN lợi dụng khó khăn chung để dây dưa nộp thuế. Do vậy, làm sao để đẩy mạnh thu nợ đọng là vấn đề được quan tâm hiện nay. Bởi nếu DN khai thuế giá trị gia tăng “âm”, cơ quan thuế lại phải hoàn thuế, dễ dẫn đến tình trạng có số thu nhưng không có số nộp, lại tốn thêm thời gian, chi phí quản lý thuế. Đó là chưa kể có nhiều trường hợp do xử lý chậm, phải truy thu nhưng số lãi thu còn lớn hơn số thuế bị truy thu là không công bằng.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn chỉ đạo cơ quan thuế các địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra ở các DN. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ chỉ đạo rõ, khi thanh tra thuế phải làm công khai, nhằm tăng tính răn đe, giáo dục đến tất cả doanh nghiệp. Về việc hoàn thuế, 63 cục trưởng Cục Thuế phải rà soát lại, không để vi phạm luật ngân sách nhà nước. Ngoài ra, Tổng cục Thuế cần phải tổ chức thành chuyên đề chống thất thoát ở khu vực ngoài quốc doanh. Ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, tới đây sẽ thành lập 15 đoàn công tác của tổng cục đi kiểm tra các tập đoàn, tổng công ty và các địa phương cũng thực hiện như vậy để đôn đốc thu. Ngành thuế cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên tuyền hỗ trợ giúp DN thực hiện đúng chính sách thuế và qua đó cải thiện hình ảnh của cán bộ thuế trong con mắt người dân và DN, cán bộ thuế thân thiện hơn, chuyên nghiệp hơn.
HÀN NI