Bài trừ mê tín là trách nhiệm của người làm văn hóa

Được ví như chuyến du hành vào cõi tâm linh, với sự kết hợp giữa những nét đẹp tinh tế nhất của tinh thần Đạo Mẫu, nghi lễ lên đồng và hiệu ứng của âm thanh, ánh sáng, hình ảnh trình chiếu…, chương trình Tứ Phủ của đạo diễn Việt Tú ngay khi ra mắt đã đón nhận nhiều phản hồi thú vị từ khán giả trong nước và quốc tế. Với đạo diễn Việt Tú, đây không chỉ đơn thuần là một chương trình nghệ thuật mà còn là một trải nghiệm đầy thú vị. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi cùng anh.
Bài trừ mê tín là trách nhiệm của người làm văn hóa

Đạo diễn Việt Tú:

Được ví như chuyến du hành vào cõi tâm linh, với sự kết hợp giữa những nét đẹp tinh tế nhất của tinh thần Đạo Mẫu, nghi lễ lên đồng và hiệu ứng của âm thanh, ánh sáng, hình ảnh trình chiếu…, chương trình Tứ Phủ của đạo diễn Việt Tú ngay khi ra mắt đã đón nhận nhiều phản hồi thú vị từ khán giả trong nước và quốc tế. Với đạo diễn Việt Tú, đây không chỉ đơn thuần là một chương trình nghệ thuật mà còn là một trải nghiệm đầy thú vị. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi cùng anh.

* Phóng viên: Anh đã thai nghén Tứ Phủ trong 3 năm, diễn thử nghiệm trong 6 tháng và bây giờ mới quyết định ra mắt khán giả. Cơ duyên nào đưa anh đến với một chương trình nghệ thuật đậm chất dân gian như vậy?

* Đạo diễn VIỆT TÚ: Tôi nghĩ rằng mình được “chọn” để làm dự án này và những gì tôi thực hiện trong những năm gần đây đều hướng đến một đích là hiện thực hóa Tứ Phủ cũng như sự ra đời của Công ty Nhà hát Việt.Trong 6 tháng qua, các buổi biểu diễn được diễn ra với tinh thần chuyên nghiệp cao nhất, vì không thể thử nghiệm với các khán giả bỏ tiền ra mua vé đi xem. Sự điều chỉnh là có, nhưng không đáng kể, chủ yếu chúng tôi hoàn thiện phụ đề - khâu được coi là quan trọng nhất để kết nối khán giả với vở diễn.Chúng tôi đã huy động tối đa các nguồn lực văn hóa mà mình có để giúp chuyển ngữ những câu từ vốn rất tâm linh, đa tầng ý nghĩa để khán giả có thể dễ dàng tiếp cận và hiểu được. Về đầu tư, Tứ Phủ là một sản phẩm độc lập, tôi không nhận bất kỳ nguồn tài trợ nào cũng vì không muốn các ý tưởng của mình bị tác động giữa chừng. Quan trọng hơn, đây là một sản phẩm đặc trưng không hề giống bất kỳ một tác phẩm nào tôi đã từng thực hiện trước đây.

Đạo diễn Việt Tú

* Người Việt vốn quen với các nghi lễ trình diễn ở không gian cửa đền và diễn biến của một buổi hầu đồng thường không có giới hạn về mặt thời gian mà tùy thuộc vào sự thăng hoa của những người tham dự. Làm thế nào để màu sắc dân gian vẫn còn nguyên vẹn khi nghi lễ ấy được sân khấu hóa?

* Trước đây, một số nhà hát phục dựng Ba giá đồng để kèm vào danh mục các tiết mục giải trí tổng hợp. Song, họ chưa giải quyết được những hạn chế này nên sản phẩm không có được một đời sống lâu dài. Theo tôi, cho dù trình diễn hầu đồng ở không gian nào, nếu không tìm ra được phương án thể hiện sự tinh tế, lộng lẫy, tôn nghiêm của nghi lễ này thì sẽ không thể thành công được. Toàn bộ diễn viên biểu diễn trên sân khấu Tứ Phủ đều là diễn viên chuyên nghiệp của Nhà hát Chèo Việt Nam. Không chỉ đơn thuần là diễn viên, vào mùa xuân hội, họ còn là những thanh đồng, cung văn đích thực của các điện, phủ.

Tôi cũng đã từng thử nghiệm một số thanh đồng đúng nghĩa (không phải là diễn viên trên sân khấu Tứ Phủ) nhưng đều không thành công, vì không phải cứ có căn lên sân khấu là diễn được. Một giá đồng có hàng trăm chi tiết phải nhớ, phải hệ thống hóa một cách chuyên nghiệp, chưa kể là phải phối hợp với những người xung quanh. Một phần khăn áo 7 phút của Tứ Phủ trông thì rất đơn giản, thanh đồng và hai hầu dâng lên xuống nhịp nhàng, tinh tế, nhưng đằng sau đó là những ngày tháng tập luyện không ngừng, những cuộc tranh luận để có thể chọn lọc đưa lên sân khấu những nét tinh tế, lộng lẫy nhất của nghi lễ này.

* Khi xây dựng chương trình này, anh có có nghĩ rằng Tứ Phủ sẽ dành cho quảng đại quần chúng không hay hướng tới đối tượng khán giả đặc biệt? Thu nhập từ việc bán vé có bù đắp đủ chi phí chưa?

* Mục đích của Tứ Phủ là mang đến khán giả trong nước, quốc tế một nét đẹp văn hóa tuyệt vời khác của Việt Nam đó là nghi lễ thờ Mẫu. Đối tượng khán giả của chương trình rất da dạng. Hiện tại thu nhập của bán vé chưa thể bù đắp chi phí đầu tư, nhưng đây cũng là điều bình thường. Văn hóa dân tộc là một lĩnh vực đặc biệt, cần có các quy trình tiếp cận khách hàng đặc biệt, từ khi một sản phẩm xuất hiện cho đến khi sản phẩm ấy nằm trong kế hoạch bán hàng của các đại lý tour du lịch, là một con đường dài, chứ không đơn thuần cứ có sản phẩm tốt sẽ ngay lập tức bán được vé.

* Một số người vẫn có suy nghĩ rằng, hầu đồng đồng nghĩa với mê tín và có tư tưởng né tránh. Việc khai thác nghi lễ hầu đồng dưới góc độ văn hóa của Tứ Phủ có phải là một quyết định mạo hiểm?

* Tôn giáo về mặt bản chất là trong sáng, hướng thiện. Không có tôn giáo nào dạy con người ta những điều tà tâm, mê tín dị đoan. Không thể bắt tôn giáo chịu trách nhiệm cho những sai lệch cá nhân của một bộ phận thiểu số những người thực hành nghi lễ. Tôi cho rằng, việc truyền thông và duy trì tất cả những nét hay, nét đẹp và sự trong sáng nguyên bản của tôn giáo, bài trừ mê tín dị đoan không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước mà còn là trách nhiệm của mỗi chúng ta, những người làm văn hóa, cũng như những người thực hành tín ngưỡng.

Tứ Phủ với tôi là một sứ mệnh về văn hóa, chứ không chỉ đơn thuần là sự thử nghiệm của những điều mới mẻ hay làm kinh tế. Tôi tiếp cận dự án với một tâm thế khác hoàn toàn những gì mình đã từng thực hiện trước đây. Tôi tin rằng mình được “chọn” để thực hiện dự án này.

MAI AN thực hiện

Tin cùng chuyên mục