8 năm trước, hành động tấn công Iraq đã bị nhiều người lên án là bất hợp pháp và không cần thiết, đặc biệt sau thất bại trong việc xác định vị trí giấu vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Iraq. Sau thành công ban đầu, sự can thiệp tại Iraq đã trở nên sa lầy trong cuộc chiến sắc tộc và quá trình vất vả tái thiết đất nước.
Không giống như các sự kiện tại Iraq năm 2003, các đợt không kích của liên minh quân sự ở Libya căn bản không phải là một hành động xâm lược vi phạm luật pháp quốc tế. Thay vào đó, chúng được thiết kế cẩn thận để “đạt được mục tiêu nhân đạo, chấm dứt các cuộc tấn công chống chính phủ Libya và không nhằm mục đích thay đổi chế độ”.
Trích dẫn trên tờ The Guardian (Anh) chỉ rõ: Nghị quyết 1973 của HĐBA “không cho phép các nước cung cấp, hỗ trợ cho lực lượng nổi dậy, các nhóm vũ trang để bảo vệ hoặc săn đuổi Gaddafi” và “loại trừ khả năng lực lượng chiếm đóng nước ngoài dưới mọi hình thức trên bất kỳ phần lãnh thổ nào của Libya…, không cho phép một cuộc tấn công trên bộ như ở Iraq…”. Trên thực tế, các nội dung trên có được tôn trọng?
Liên tiếp trong 2 ngày 19 và 20-4, Anh, Pháp và Italia lần lượt thông báo gửi cố vấn quân sự tới Libya để tư vấn cho Hội đồng chuyển tiếp quốc gia (TNC) về kỹ thuật, hậu cần và tổ chức liên quan hoạt động nhân đạo. Mặc dù viện lý do không liên quan việc triển khai bộ binh; không tìm kiếm một nghị quyết mới của HĐBA LHQ cho phép các nước đồng minh can dự rộng hơn vào Libya; không trang bị vũ khí hoặc huấn luyện lực lượng chống chính phủ ở Libya… nhưng tất cả đều cho thấy một quyết định can thiệp quân sự quốc tế ngắn hạn đang và sẽ dần dần biến thành dài hạn.
Theo các chuyên gia, dựa trên những diễn biến chiến trường và khả năng kháng cự khá bền bỉ của lực lượng ông Gaddafi thì sự can thiệp của lực lượng đặc nhiệm là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, việc triển khai các cố vấn quân sự, hiểu theo một nghĩa nào đó, đã vi phạm Nghị quyết 1973 của Liên hiệp quốc. Ngay cả lý do “chuẩn bị cho công tác nhân đạo” cũng không được LHQ chấp nhận vì quan ngại ranh giới mong manh giữa quân sự và nhân đạo trong thời chiến. Đối với quân liên minh, kéo dài can thiệp quân sự sẽ biến tình trạng số dân thường thương vong xảy ra hàng ngày hoặc vướng vào các vấn đề nhân đạo nghiêm trọng như phá hủy các cơ sở dân sự, số người tị nạn tăng vọt và thiếu thực phẩm, chăm sóc y tế. Muốn hay không, điều này sẽ khiến phe Gaddafi có thể dựa vào đó để tuyên bố quân liên minh đã gây ra đau khổ mất mát cho người dân Libya và cách duy nhất trở về trạng thái như trước kia.
Ngay từ đầu, Nghị quyết 1973 mở đường cho việc không kích Libya có vẻ đã là một sai lầm. Các chuyên gia Algeria cho rằng cuộc can thiệp “quá mức cần thiết” này đáp ứng sự chờ đợi của tổ chức khủng bố ở Bắc Phi (AQIM), tạo điều kiện cho chúng cài người thâm nhập phe nổi dậy và chiếm được vũ khí hạng nặng. Tờ L’Expression dẫn nguồn tin an ninh cho biết không dưới 700 chiến binh từng tham gia cuộc chiến chống Liên Xô cũ tại Afghanistan đã chui được vào hàng ngũ phe chống chính phủ ở Libya, khiến cho tổ chức này trở nên “đáng sợ hơn bao giờ hết” vì không những duy trì mạng lưới khủng bố mà còn khiến nhiều người chết hơn nữa.
Mổ xẻ quyết định can thiệp sâu, giới quan sát Algeria không ngần ngại nói thẳng ra rằng phương Tây làm như vậy để nạn khủng bố vừa bị đẩy ra xa biên giới của mình, vừa cắm chân sâu hơn vào các nước Arập và châu Phi. Nhiều nước Arập và Hồi giáo sẽ bị cuốn vào vòng xoáy khủng bố. Đó chính là cái mà giới quan sát gọi là “sự chia rẽ thế giới Arập - Hồi giáo”, một chính sách “đáp ứng học thuyết của phái tân bảo thủ ở Mỹ”.
Hà Trang