Bàn chuyện thực phẩm sạch cho sinh viên

Khu đô thị đại học (ĐH) Quốc gia TPHCM hiện có gần 50.000 sinh viên, giảng viên và các hộ dân tập trung sinh sống.
Khu chợ “ruồi” án ngữ trên đường vào Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM), hàng quán không đảm bảo ATTP
Khu chợ “ruồi” án ngữ trên đường vào Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM), hàng quán không đảm bảo ATTP
 Tại đây, hàng hóa buôn bán tại các khu chợ tự phát như “chợ ruồi”, chợ đêm sinh viên không có kiểm định, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Thậm chí ngay trong ký túc xá (KTX) có tới 22.000 sinh viên cư trú, mới đây cũng xuất hiện tình trạng cơm có giòi, sữa, bánh mì, nước ngọt hết hạn sử dụng… 

Thực phẩm không an toàn

Theo ĐH Quốc gia TPHCM, vấn đề VSATTP tại khu đô thị ĐH Quốc gia TPHCM hiện nay khá phức tạp, ở cả 3 khu vực kinh doanh (2 nằm trong KTX và 1 nằm ngoài KTX), nguồn gốc thực phẩm đều không biết xuất xứ từ đâu, có an toàn hay không. 

Trong KTX (gồm khu A và khu B) có tổng cộng 22.000 sinh viên đang cư trú, có 28 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (3 cơ sở chưa có giấy chứng nhận VSATTP). Cuối năm 2016, trước sự cố cơm có giòi tại KTX, ĐH Quốc gia TPHCM đã phối hợp với các đơn vị liên quan để có các giải pháp khắc phục. Tiến sĩ Trần Thanh An, Giám đốc Trung tâm Quản lý KTX ĐH Quốc gia TPHCM, cho biết: “Hiện nay có chuyên viên phụ trách thực hiện kiểm tra, giám sát với tần suất 2 lần/ngày. Đồng thời, ĐH Quốc gia TPHCM cũng phối hợp với Phòng Y tế quận Thủ Đức, Chi cục VSATTP để kiểm tra các bếp ăn, căn tin, các cửa hàng tạp hóa trong KTX; trang bị thêm các trang thiết bị phục vụ cho công tác kiểm tra như test kiểm tra nhanh formol, hàn the, độ ôi dầu mỡ, phẩm màu, dư lượng thuốc trừ sâu… Tuy nhiên, chúng tôi cũng không biết được trong bó rau xanh, đùi gà mà sinh viên ăn có thực sự an toàn hay không? Do đó, dù chưa xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm nào nhưng chúng tôi vẫn cứ luôn nơm nớp lo lắng cho sự cố này”.  

Trong khi đó, tại 11 đơn vị trực thuộc có cơ sở trong khu đô thị ĐH Quốc gia TPHCM có 20 căn tin, nhưng 1 căn tin chưa có giấy chứng nhận VSATTP và 1 đã hết hạn. 

Vấn đề mà ĐH Quốc gia TPHCM lo lắng nhất là tình hình VSATTP tại các điểm kinh doanh của hộ dân trong khu đô thị. Hiện nay, khu đô thị có 2.000 hộ dân sinh sống với 5.000 nhân khẩu, có gần 100 hộ kinh doanh các mặt hàng liên quan đến ăn uống nằm dọc trên các tuyến đường xung quanh KTX và khu vực chợ đêm, chợ “ruồi”. Theo ĐH Quốc gia TPHCM, đây là khu vực rất phức tạp, thực phẩm không đảm bảo an toàn, hàng ăn, quán nhậu sinh viên với giá rẻ không tưởng. Hơn nữa, đây là khu vực nằm ngoài thẩm quyền quản lý của ĐH Quốc gia TPHCM. Do đó, ĐH này chỉ có thể làm công tác tuyên truyền, kiến nghị với Phòng Y tế quận Thủ Đức và thị xã Dĩ An (Bình Dương) kiểm tra. 

Cần nhiều giải pháp căn cơ

Tại buổi làm việc với HĐND TPHCM do ông Phạm Đức Hải - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND TP - chủ trì, PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, kiến nghị: “Trước hết, TP hỗ trợ trang thiết bị, nhân sự, tập huấn công tác đảm bảo VSATTP, trang bị máy test nhanh kết quả kiểm tra ban đầu đối với các loại thực phẩm, đồ ăn, thức uống; có cơ chế hỗ trợ đặc biệt đối với ĐH Quốc gia TPHCM trong các tình huống bất khả kháng, vượt quá khả năng xử lý của các đơn vị. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp công tác liên ngành, liên địa phương giữa quận Thủ Đức, thị xã Dĩ An trong các đợt kiểm tra VSATTP trong khu đô thị”. 

Cũng theo PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, về lâu dài, sau khi hoàn thành việc xây dựng khu đô thị, ĐH Quốc gia TPHCM kiến nghị TP đề xuất đơn vị chức năng giúp ĐH Quốc gia TPHCM xây dựng đơn vị về công tác đảm bảo VSATTP, tiến tới xây dựng quy chế phối hợp giữa ĐH Quốc gia TPHCM với các đơn vị chức năng của TP trong công tác đảm bảo VSATTP. 

Trong khi đó, đại diện quận Thủ Đức nêu khó khăn: Thực tế tồn tại ở khu đô thị ĐH Quốc gia TPHCM là việc hồ sơ pháp lý của một cơ sở kinh doanh nhưng lại do 2 đơn vị khác địa giới hành chính cấp: cơ quan chức năng của thị xã Dĩ An (Bình Dương) cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Chi cục ATTP TPHCM cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Do đó, địa phương khó khăn trong công tác quản lý ATTP, nếu các đơn vị có vi phạm thì quận cũng không thể ra quyết định xử phạt được. Do đó, cần phải có giải pháp phối hợp trong quản lý. Bàn về giải pháp quản lý, TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TPHCM, cho biết: “Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với ĐH Quốc gia TPHCM và Bình Dương, quận Thủ Đức để giải quyết vấn đề này. Nếu phát hiện cơ sở kinh doanh lần đầu không đảm bảo thì nhắc nhở, nếu lần sau tái phạm thì kiên quyết đóng cửa”. 

Theo ông Phạm Đức Hải, ĐH Quốc gia TPHCM cần chú ý đến 6 vấn đề về ATTP cho sinh viên. Trước hết, phải làm cho được việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm; kế đến là tăng cường kiểm tra quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm. Song song đó, Ban quản lý KTX phải chú ý việc đầu tư nâng chất lượng phục vụ bữa ăn, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức cho sinh viên. ĐH Quốc gia TPHCM cần tăng cường phối hợp giữa các đơn vị liên quan để có hướng giải quyết các trường hợp vi phạm.

Tin cùng chuyên mục