Bạn của người nghèo

Làm việc thiện không ngừng
Bạn của người nghèo

Quán cơm miễn phí này có tên là Thiện Tâm, tọa lạc ngay cạnh bờ kênh Nhiêu Lộc, dưới dốc cầu Lê Văn Sỹ (phường 7, quận 3 TPHCM). Đúng như tên gọi, vào các buổi trưa thứ ba, năm, bảy hàng tuần, những người dân lao động nghèo, người lang thang cơ nhỡ, các bạn sinh viên khó khăn xa nhà đều có thể đến đây để thưởng thức bữa cơm chay thơm ngon do chính tay những người có tấm lòng nhân ái, biết sẻ chia làm ra…

Ông Sáu Thượng (bìa phải) cùng phát cơm với các tình nguyện viên. Ảnh: DÂN NGUYỆN

Ông Sáu Thượng (bìa phải) cùng phát cơm với các tình nguyện viên. Ảnh: DÂN NGUYỆN

Làm việc thiện không ngừng

Đứng ra tổ chức điểm phát cơm từ thiện này là ông Lê Công Thượng (72 tuổi) còn gọi là Sáu Thượng, người đã sống gần như trọn cuộc đời tại khu vực bờ kênh Nhiêu Lộc. Chúng tôi tìm đến tham quan địa điểm phát cơm vào đúng ngày diễn ra hoạt động nhân ái này. Lúc này, ông Sáu Thượng đang tất bật chỉ dẫn các anh chị tình nguyện viên vị trí đặt bàn ghế, chén dĩa và các nồi lớn đựng cơm, canh cùng các loại thức ăn đã được nấu chín. Xong xuôi mọi việc bày biện, sắp đặt “đồ nghề”, giọng ông lại vang lên sang sảng phân công nhiệm vụ dọn dẹp cho các “đồng nghiệp” sau khi bữa ăn kết thúc.

Một tình nguyện viên vui vẻ cho biết, thực đơn ngày hôm ấy gồm 3 món là canh rau, đậu hũ kho tiêu và su hào xào. Thấy chúng tôi chăm chú quan sát, ông Thượng quay sang cười nói: “Chuyện thường ngày mà chú. Có chuẩn bị chu đáo, đâu ra đó thì mới khỏi bị chộn rộn, tiết kiệm thời gian, đảm bảo suất ăn được đưa tận tay người nhận”.

Đến ngồi nghỉ chân, uống cốc nước mía mát lạnh tại chiếc bàn nhựa xếp đầy những quả chuối sứ, lúc này chúng tôi mới được nhìn rõ khuôn mặt của người đàn ông tuy đã bước sang tuổi thất tuần, nhưng còn rất khỏe mạnh và hoạt bát.

Đưa tay chỉnh lại cặp kính lão, ông Sáu Thượng chậm rãi thổ lộ chuyện hành thiện giúp đời từ thời thanh niên cho đến lúc tóc bạc da mồi như hiện nay. Đầu những thập niên 80-90 của thế kỷ trước, xung quanh khu vực bờ kênh Nhiêu Lộc (nơi ông sinh sống) là những xóm lao động nghèo, từng dãy nhà lụp xụp chạy dọc hai bên bờ kênh nước đen ngòm vì ô nhiễm. Vốn xuất thân là dân lao động, cực nhọc bán sức làm thuê, làm mướn đổi lấy chén cơm qua ngày nên ông Sáu Thượng thấu hiểu và cảm thương với thân phận của những người bần hàn.

Đặc biệt hình ảnh những người lang thang đầu đường xó chợ hành nghề lượm ve chai, móc bọc ni lông tối về chọn mái hiên, vỉa hè, ống cống, dạ cầu hay sạp hàng ngoài chợ làm nơi ngả lưng, sống vất vưởng qua ngày luôn ám ảnh trong tâm trí ông. Rồi không lâu sau đó, thỉnh thoảng người ta lại thấy một người đàn ông trung niên thản nhiên ngồi trò chuyện với các “lữ khách không nhà” ở lề đường, góc phố và ra về sau khi để lại ít đồ ăn, chút tiền mọn.

Có những đêm khuya sương lạnh, người đàn ông ấy lại lẳng lặng bước đến chỗ những người vô gia cư đang say giấc, đắp lên người họ tấm chăn, chiếc áo ấm. “Thấy họ cô đơn, đói khát, lạnh lẽo lúc đó tôi chỉ biết giúp vậy thôi. Vậy mà làm cũng hơn cả chục năm”, ông Sáu Thượng thở dài nói.

Ấm áp tình người

Làm phước theo kiểu giải pháp tình thế mãi cũng “chán”, ông Sáu Thượng bắt đầu nghĩ đến việc phải làm chuyện lớn hơn, và ý tưởng nấu cơm cho người nghèo bắt đầu manh nha trong ông. Năm 2006, một người quen cũ, đồng thời cũng là một doanh nhân hảo tâm, khi nghe ông tâm sự về ước nguyện cao đẹp đó đã quyết định trích lợi nhuận xây dựng bếp cơm nhân đạo này. Một chị hàng xóm tốt bụng, biết tin ông Sáu sắp làm việc nghĩa cũng sốt sắng tình nguyện cho mượn sân nhà mình tại số 164/31 Trần Quốc Thảo làm nơi đặt “ông táo”.

Ngày 24-6-2007, “quán cơm miễn phí Thiện Tâm” được khánh thành với 100 suất ăn đầu tiên, và người hạnh phúc nhất không ai khác chính là ông Sáu Thượng với biệt danh “bạn của kẻ lang thang”. Nói đoạn, ông Sáu Thượng đứng dậy cùng với chị Nguyễn Thị Hường, tổ trưởng tổ nấu ăn, dẫn chúng tôi vào tham quan “nhà kho” mà thực ra là một góc nhà tang lễ của ngôi chùa, do ông Sáu mượn làm nơi nấu nướng, tích trữ lương thực, thực phẩm. Gian phòng rộng khoảng 50m2 chất đầy những bao gạo, các túi rau củ, giá để xoong chảo…

Chị Hường cho biết, hiện tại mỗi ngày phải nấu hết 2 bao tải (50kg) gạo mới đủ phát 400-500 suất cơm. “Những dịp vào đầu mùa thi, điển hình như mùa thi đại học năm 2011 vừa qua, điểm phát cơm nhận tham gia tiếp sức mùa thi cho sinh viên ở tỉnh, chúng tôi nấu hết 7-8 bao gạo/ngày”, ông Sáu cười khề khà nói.

Mải mê quan sát, trò chuyện, đến khi quay ra thì đã 10 giờ 30, đến giờ phát cơm. Điểm phát cơm lúc này phải có đến gần trăm người tụ tập, già trẻ, lớn bé, người bán vé số, chạy xe ôm, lượm ve chai đều có đủ. Không ai bảo ai, họ đều tự giác xếp thành hàng dài, trật tự chờ nhận cơm. Hỏi chuyện người đàn ông nước da đen sạm, anh cho hay mình tên Dương Xóm, làm nghề móc bọc ni lông tại khu vực chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh).

“Tôi đến ăn cơm ở đây từ ngày mới mở cửa. Mấy năm trước, khi ông Sáu mở quán phát cơm từ thiện, tôi sống bữa đói bữa no, toàn ăn đồ ăn thừa, khổ cực lắm. Tôi và bà con biết ơn ổng lắm”, anh Xóm bày tỏ.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Trung (50 tuổi) cũng là dân “ngủ bụi” sạp chợ Tân Định xúc động nói: “Có ông Sáu, mấy người bần cùng như tụi tôi còn có chút niềm an ủi. Tôi cầu cho ổng luôn mạnh khỏe để giúp thêm cho người nghèo. Mong là sẽ có nhiều người như ổng”. Đó không là chỉ là mong ước riêng của ông Trung mà có lẽ, đây cũng là điều mà cả xã hội đang rất cần!

Mai Nguyễn

Tin cùng chuyên mục