LTS: Từ ngày hôm nay, 23-11, tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII diễn ra các phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Với tinh thần trách nhiệm, mạnh dạn và thẳng thắn, nhiều bạn đọc đã gửi thư về Báo SGGP góp ý với Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành về việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cán bộ công chức, đào tạo nguồn nhân lực...
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực CNTT
Công nghệ thông tin (CNTT) cũng như các ngành khác, muốn phát triển cần nhân lực và cách đi phù hợp. Nhìn lại toàn cảnh CNTT Việt Nam, có 230.000 người lao động trong ngành, trong đó khoảng 100.000 người làm ở lĩnh vực phần mềm và nội dung số. Có người ngộ nhận con số đó đáng phấn khởi, thực ra số lượng nhân sự này chỉ xấp xỉ nhân sự 1-2 công ty phần mềm của Ấn Độ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo: “Chuyển đổi đào tạo các ngành công nghệ và quản lý sang đào tạo theo cơ chế thị trường”. Trong lĩnh vực CNTT hẳn cũng không ngoại lệ, đào tạo phải từ nhu cầu xã hội, sát với thực tiễn và nhu cầu phát triển nhanh của CNTT toàn cầu. Cơ chế quản lý lâu nay trói chân tay các trường về mặt tự chủ, trong khi các “trường đào tạo tự phát” đang thực hiện chỉ đạo “chuyển đổi đào tạo” khá tốt, tăng số giờ dạy về CNTT cho sinh viên, tăng tính ứng dụng CNTT, quan tâm tính tích hợp giữa CNTT và các ngành truyền thông khác.
Theo tôi, phải xem đào tạo CNTT như là một dịch vụ và đừng khư khư ôm lấy các quy định quản lý đào tạo không phù hợp với thực tiễn. Nên tìm “cách đi mới”, sao cho một sinh viên ra trường ứng dụng được CNTT và rành rẽ tiếng Anh, để tại các tập đoàn CNTT thế giới đầu tư ở Việt Nam, người lao động Việt Nam là những chuyên viên trưởng thành, chứ không cứ mãi giữ vai trò học việc, bị sai vặt, lương thấp. Đào tạo nguồn nhân lực CNTT là vấn đề quan trọng, cấp bách và thực chất hiện nay.
TRẦN ANH TÀI (Quận Bình Tân, TPHCM)
Làm rõ nguyên nhân EVN lỗ nặng
Thông tin của Bộ Công thương về việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ đến 10.162 tỷ đồng năm 2010 và sẽ hạch toán vào giá điện đang làm dư luận rất bức xúc. Không thể không thắc mắc tại sao EVN kêu lỗ nặng nhưng mức lương thưởng của CBCNV lại khá cao so với mặt bằng lương của CBCNV các đơn vị khác.
Bộ Công thương - đơn vị chủ quản EVN cần làm rõ thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh của EVN thời gian qua và nguyên nhân dẫn đến khoản lỗ khổng lồ như vậy. Hoạt động thua lỗ của EVN có nguyên nhân từ việc đầu tư ra ngoài ngành quá nhiều, phân tán vốn, không tập trung vào nhiệm vụ chính. Cần phải đánh giá lại cách quản lý, điều hành độc quyền trong nhiều khâu bán điện, xây dựng, tư vấn, mời thầu… và làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo EVN về tình trạng thua lỗ này.
Với nhiệm vụ được giao và vị thế độc quyền, ngành điện chưa làm tròn trọng trách và luôn viện ra đủ lý do bào chữa cho việc lỗ ngày càng nặng. Chúng tôi - những khách hàng của EVN - không thể chấp nhận việc EVN cứ lặp đi lặp lại nhiều lần rằng vì lỗ nặng nên xin tăng giá điện. Chỉ khi nào phá thế độc quyền để EVN vận hành theo cơ chế thị trường có tính cạnh tranh cao thì ngành điện mới không bị sa lầy vào cảnh lỗ nặng. Chúng tôi kiến nghị Quốc hội tại kỳ họp này nên yêu cầu những cán bộ lãnh đạo có trách nhiệm liên quan phải giải trình, nêu rõ giải pháp hợp lý để khắc phục việc này.
HÀ ANH (Quận 10, TPHCM)
Văn hóa từ chức
Trong phiên họp Quốc hội sáng 17-11, đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) nêu ý kiến đề nghị xây dựng Luật Từ chức. Ông còn cho rằng đó là việc làm phù hợp với xu hướng chung của nhiều nước mà cũng phù hợp với truyền thống dân tộc ta.
Theo tôi, từ chức là chuyện mang tính văn hóa ứng xử lẫn lương tri hay lương tâm chức nghiệp của một cán bộ công chức dù cấp lớn hay nhỏ. Khi có một hay nhiều sai sót trong việc thực hiện chức trách lãnh đạo, điều hành ảnh hưởng đến quyền lợi, tài sản hay tính mạng của nhân dân, hay vi phạm nghĩa vụ cán bộ công chức, người đứng đầu phải tự giác nhận trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước, với nhân dân mà tự xử, tức biết nhận kỷ luật và từ chức. Điều này là công bằng, hợp lẽ. Trong trường hợp đó, không từ chức có nghĩa là tham quyền cố vị, còn đáng xấu hổ hơn.
Do vậy, Quốc hội nên sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Luật Công chức đã được Quốc hội khóa XII thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2012, trong đó có quy định về trường hợp từ chức, thay vì chỉ có hưu trí, thôi việc hay buộc thôi việc.
VÕ LÂM (Quận 1, TPHCM)
Thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm
Lâu nay, trong việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, vẫn chưa có một cơ chế hữu hiệu để chọn lựa được những người thực sự có tài năng. Việc đề bạt bổ nhiệm cán bộ theo kiểu cũ dễ dẫn đến nhận xét cảm tính, chủ quan, thậm chí cục bộ, bè phái. Do vậy, tôi rất hoan nghênh việc Chính phủ đã ban hành nghị quyết về cải cách thể chế, thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2011-2020.
Theo tôi đó là bước tiến rất mới trong công tác cán bộ, nhất là công tác bổ nhiệm đề bạt cán bộ trong các cơ quan nhà nước. Nếu như việc tổ chức thi tuyển các chức: vụ trưởng, giám đốc sở được công khai rộng rãi với các tiêu chuẩn cụ thể rõ ràng, tôi tin rằng trong bộ máy quản lý nhà nước sẽ có nhiều người thực tài.
NGỌC BÍCH (Quận Phú Nhuận, TPHCM)