Bán động vật hoang dã trên mạng

Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường) vừa cho biết, ngày 22-5 tới đây, nhiều hoạt động sẽ được tổ chức nhằm kỷ niệm Ngày Quốc tế về đa dạng sinh học tại Việt Nam, trong đó có những cuộc hội thảo về xây dựng khung chính sách pháp luật.

Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường) vừa cho biết, ngày 22-5 tới đây, nhiều hoạt động sẽ được tổ chức nhằm kỷ niệm Ngày Quốc tế về đa dạng sinh học tại Việt Nam, trong đó có những cuộc hội thảo về xây dựng khung chính sách pháp luật.

Ở một diễn biến khác, cách đây chỉ vài tuần, nhiều tổ chức bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam đồng lên tiếng cảnh báo về việc sử dụng hình thức buôn bán trực tuyến trái phép các loài động vật hoang dã. Đây là một thủ đoạn mới, nhưng có thể gây tác động tiêu cực không nhỏ đến những nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học; bởi hiện có 80% người dùng máy tính tại Việt Nam có thiết bị truy cập internet. Trong đó người sử dụng internet truy cập vào các trang mua bán và số thuê bao internet thì liên tục gia tăng trong nhiều năm trở lại đây.

Theo những số liệu của Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS) - một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ, trong số 108 loài động vật hoang dã xuất hiện trong buôn bán trực tuyến, 24% là loài được pháp luật Việt Nam bảo vệ; 24% được công ước quốc tế bảo vệ; 17,6% số loài bị đe dọa trên toàn cầu... Khoảng 84% vụ việc buôn bán các loài động vật hoang dã với mục đích để làm cảnh, 9% để làm thực phẩm và số còn lại là làm đồ dùng, vật trang trí, làm thuốc.

Đáng lưu ý, các thông tin mua - bán bất hợp pháp này đang được “rải” trên tất cả các diễn đàn, các trang web rao vặt, quảng cáo, web cá nhân hoặc của công ty, mạng xã hội… Tuy phạm vi buôn bán trải khắp các tỉnh thành trên cả nước, nhưng đặc biệt phát triển mạnh ở Hà Nội và TPHCM. Có rất nhiều cách từ thô sơ, trắng trợn đến tinh vi để quảng cáo, rao bán loại hàng cấm này.

Trong khi đó, những vi phạm trên internet nói chung lại không dễ gì xử lý! Theo ông Lê Xuân Minh, Trưởng phòng Phòng chống tội phạm mạng máy tính, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), hiện đã có hành lang pháp lý xử lý việc mua bán trái phép trên internet, song khung hình phạt với các hành vi buôn bán trái phép trong lĩnh vực này còn thấp; việc quản lý về đăng ký và nội dung các trang mạng về buôn bán, diễn đàn, mạng xã hội… chưa được quan tâm đúng mức. Để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, hiện tượng này cần sớm được nghiên cứu và có hệ thống giải pháp xử lý một cách đồng bộ. Bên cạnh việc xây dựng và thực hiện các chương trình, chiến lược về kiểm soát internet; hoàn chỉnh khung chế tài nghiêm khắc và khả thi đối với các hành vi vi phạm, thì việc nâng cao nhận thức cho các nhà cung cấp trang mua bán trực tuyến, quản trị mạng xã hội… về đa dạng sinh học cũng hết sức cần thiết.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục